Ngân hàng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
TCCSĐT - Ngành nông nghiệp Việt Nam đang tạo ra khoảng 20% GDP, đóng góp tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 hơn 30 tỷ USD và là sinh kế của hàng chục triệu hộ nông dân, khoảng 10.500 hợp tác xã nông nghiệp cũng như hơn 33 nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp trên 70 triệu mảnh ruộng; xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ hai, cao su đứng thứ 4, thủy hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và rất nhiều mặt hàng khác nữa, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 trên 30,8 tỷ USD.
Nút thắt phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, ngành đã xây dựng và ban hành 12 đề án và kế hoạch cụ thể hóa định hướng và giải pháp tái cơ cấu trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến, thủy lợi… Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu. Trong đó, có 17 quy hoạch trên cả nước, 7 quy hoạch vùng, khu vực địa bàn cụ thể. Đặc biệt, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 đã được Thủ tướng thông qua theo Quyết định 1985/QĐ-TTg, ngày 17-12-2012. Hiện nay, Việt Nam có 29 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động, như: mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lâm Đồng; sản xuất nấm quy mô trang trại tại Vĩnh Phúc; vùng trồng chè theo công nghệ trồng, chế biến chè của Đài Loan ở Thái Nguyên, Lâm Đồng… Tỉnh Lâm Đồng đã có gần 40.000 ha (15% diện tích đất nông nghiệp) canh tác ứng dụng công nghệ cao, tạo ra 18% giá trị xuất khẩu nông sản và trên 75% giá trị xuất khẩu của tỉnh, mang lại doanh thu bình quân 130 triệu đồng/ha/năm, cá biệt đạt 0,5-2,0 tỷ đồng/ha/năm; có 4/16 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ khi Luật Công nghệ cao ban hành năm 2008 đã có hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp từ các doanh nghiệp, địa phương, cũng như được thực hiện lồng ghép với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp bộ, cấp nhà nước, đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản. Hàng trăm tập đoàn lớn và công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích 400.000 ha. Đầu năm 2015, Tập đoàn Đức Long đã phối hợp với Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đầu tư khoảng 11 nghìn tỷ đồng nuôi 80.000 con bò sữa và 45.000 con bò thịt. Tập đoàn TH, với sự trợ vốn mạnh mẽ từ Bắc Á Bank, dự kiến rót 1,2 tỷ USD (tương đương 250 nghìn tỷ đồng) sản xuất sữa tươi với công nghệ Israel từ A đến Z. Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood và Công ty trách nhiệm một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã bắt tay phát triển đàn bò thịt, bò sữa và một nhà máy chế biến sữa. Tại hội nghị sơ kết vụ vải do tỉnh Bắc Giang tổ chức vào giữa tháng 8-2015 vừa qua, một tin vui lớn làm nức lòng và tạo nhiều kỳ vọng mới cho bà con trồng cây ăn quả nói riêng, cho ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nước ta nói chung, đó là lần đầu Viện Nghiên cứu và phát triển vùng Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ CAS (Cells Alive System) - công nghệ đông lạnh nhanh kết hợp từ trường - giúp quả vải giữ nguyên chất lượng, có thể vận chuyển, tiêu thụ rộng rãi trên thế giới, tới các thị trường xa xôi nhất và nóng bức nhất. Những loại cây ăn quả khác (xoài, thanh long, nhãn, bưởi, dưa hấu...) hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ này để giảm tổn thất do hư hỏng và tình trạng bị ép giá bán thấp, chấm dứt cảnh “được mùa rớt giá”, “trồng rồi chặt” như một điệp khúc buồn kéo dài bấy lâu nay. Nếu được tiếp vốn để các cơ sở mở rộng năng lực bảo quản nông sản bằng công nghệ này cho các địa phương trên cả nước, không cần vận chuyển xa từ nơi sản xuất đến cơ sở xử lý công nghệ cao, thì chắc chắn sẽ tạo ra vận hội mới cho ngành kinh doanh hoa quả nước ta.
Việc chậm trễ ứng dụng công nghệ cao, nhất là công nghệ bảo quản đã, đang và sẽ còn gây thiệt hại tài chính cho nông dân, tổn thất chung nhiều mặt cho xã hội, suy giảm động lực phát triển nông nghiệp và cả nền kinh tế.
Thực tế đặt ra và đòi hỏi cần nhiều hơn nữa những đột phá trong cách nghĩ, cách làm và các chính sách cần thiết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp (ưu tiên liên kết theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm) trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp trong các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp thông qua việc cung cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, quy trình sản xuất tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, năng suất và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, chuyển mạnh sang sản xuất - kinh doanh nông nghiệp theo hướng hiện đại, văn minh và phát triển bền vững, chủ yếu theo chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài; đồng thời, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, còn nhiều hạn chế và cần thêm nhiều đột phá trong việc tuyên truyền, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách và dự án cụ thể thúc đẩy triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định 1985/QĐ-TTg, ngày 17-12-2012. Theo đó, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp và sự chủ động của các ngân hàng trong cung cấp nguồn tín dụng đầu tư cần thiết, Nhà nước cần tập trung nguồn lực từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và phối hợp với các nguồn lực khác, khuyến khích hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; đầu tư nâng cao năng lực một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ ở các vùng, nhằm hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, hướng vào các sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, có giá trị cao về kinh tế, đối tượng chính là rau, hoa, quả, chăn nuôi, thủy sản,... phù hợp chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường tuyên truyền, phổ biến và lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình với các nhiệm vụ phát triển của ngành, địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch và quản lý sau quy hoạch; tập trung chỉ đạo, phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các đối tượng vật nuôi, cây trồng chủ lực, có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nghiên cứu, nhập khẩu và chuyển giao các công nghệ cao trong nông nghiệp thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Thực hiện các ưu đãi thuế, tín dụng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ; phát triển các trung tâm và các dịch vụ hỗ trợ chuyển giao và quản lý công nghệ cao trong nông nghiệp.
Các địa phương thuộc quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg, ngày 04-5-2015 (giai đoạn đến năm 2020) cần chủ động huy động nguồn lực, bảo đảm đủ kinh phí đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từng bước xây dựng và phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng điện, đường, nước và khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, xây dựng, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp….
Đột phá trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trước hết trong bảo quản, bảo đảm được chất lượng và thời gian vận chuyển sản phẩm sau thu hoạch, đồng thời hiện đại hóa, nâng cấp văn minh thương mại, khắc phục tình trạng bán hàng kiểu đổ đống, không bao bì, nhãn mác, thương hiệu không áp phích, poster giới thiệu… là những động lực mới, mở ra cơ hội mới, kỳ vọng mới cho trái cây, các nông sản chủ lực và cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.
Vai trò ngân hàng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thể thiếu vốn đầu tư đa dạng từ nhiều nguồn, từ phía nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là từ nguồn tín dụng ngân hàng cả trung và dài hạn. Đến nay, có 3,8 triệu hộ gia đình, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang còn dư nợ tại Agribank với số tiền hơn 426.000 tỷ đồng, chiếm 73,1% tổng dư nợ hơn 585.000 tỷ đồng của Agribank. Riêng từ khi thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ từ năm 2010 đến năm 2015, Agribank đã giải ngân cho gần 5,4 triệu lượt khách hàng với tổng số tiền 982.000 tỷ đồng. Số khách hàng còn dư nợ đến nay là trên 2 triệu khách hàng với dư nợ trên 181.000 tỷ đồng.
Sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm là một trong 5 lĩnh vực được ưu tiên cho vay tín dụng được Chính phủ và Ngân hàng nhà nước tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, lĩnh vực cho vay ưu tiên này còn được tiếp sức với Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, của Chính phủ) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được Chính phủ ban hành ngày 09-6-2015 và có hiệu lực từ ngày 01-8-2015. Nghị định này là thể hiện cao nhất và tập trung nhất nhiều đột phá về đối tượng và điều kiện tiếp cận dòng tín dụng cho phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Theo đó, đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được mở rộng hơn, bao gồm cả các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã, nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm trong một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn như: đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá... cao hơn các lĩnh vực khác. Đặc biệt, Điều 14 và 15 của Nghị định có nhiều điểm đột phá về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc thù của các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là quy mô lớn, cần nhiều vốn, thời gian thực hiện kéo dài, thời gian thu hồi vốn lâu, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận không cao và có nhiều rủi ro. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng hạn chế về năng lực thế chấp hoặc chứng minh tính khả thi, thu nhập ổn định của dự án cần vay vốn. Hơn nữa, cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng có tỷ trọng vốn trung và dài hạn thường thấp; đồng thời, các ngân hàng còn bị ràng buộc về tỷ lệ dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và các nguyên tắc an toàn tín dụng khác, nên họ không có nhiều khả năng giành vốn cho vay trung và dài hạn. Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn thì rất ít doanh nghiệp có khả năng đầu tư được, cho dù họ muốn và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần tăng cường cho vay theo chuỗi liên kết trong sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mắt xích chính là doanh nghiệp và cho vay trọn đời dự án, hạn chế cho vay hợp phần, cho vay theo giai đoạn đứt đoạn. Xem xét linh hoạt hóa mức giới hạn cứng tỷ lệ cho vay một khách hàng không quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại theo quy định hiện hành. Đồng thời, ngân hàng thương mại cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được hỗ trợ về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, xếp hạng rủi ro, lãi suất chiết khấu thấp và miễn giảm một số nghĩa vụ tài chính khác.
Dòng tín dụng ngân hàng hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trước hết cần tập trung vào các dự án và hoạt động đổi mới giống cây, con; mở rộng ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp trong quy trình trồng, chăm sóc, thu, hái, chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ, bảo đảm và cải thiện chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường nhập khẩu; xây dựng thương hiệu và phát triển các chuỗi cung ứng và liên kết, tạo đầu ra vững chắc cho nông sản và ổn định thu nhập cho nông dân…
Ngoài ra, trong thời gian tới, cần phát triển mạnh các “ngân hàng xanh” và mở rộng dòng “tín dụng xanh” hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, phục vụ sản xuất nông sản trong các mô hình liên kết chuỗi giá trị, từ khâu cung ứng đầu vào - sản xuất - chế biến tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu nhằm gia tăng lợi ích cho các chủ thể; định hình và thúc đẩy công cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ và toàn diện, quy mô toàn quốc và tầm vóc thế kỷ cả về cải cách chính sách, ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình liên kết trong sản xuất công - nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại Quyết định 1050/QĐ-NHNN, ngày 28-02-2014 về triển khai thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 02-2014 của Chính phủ. Nguồn vốn tự có và huy động của các tổ chức tín dụng theo quy định. Ngoài nguồn tự có, các ngân hàng này cần được hỗ trợ thêm nguồn vốn nhận tài trợ, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cũng như của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ….
Phương thức cho vay theo chuỗi giá trị và quản lý theo dòng tiền của toàn chuỗi được xem là khâu quản lý then chốt các dòng tín dụng hỗ trợ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy trình chung:
Một là, các doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân nòng cốt và các hộ dân tham gia ký kết hợp đồng chuỗi sản xuất;
Hai là, ngân hàng và doanh nghiệp cho vay một phần đối với các hộ dân trong dự án để mua thức ăn, thuốc thủy sản, hỗ trợ kỹ thuật nuôi; hoặc ngân hàng cho doanh nghiệp vay để mua giống vật tư nông nghiệp ứng cho nông dân theo hợp đồng liên kết. Khi nông dân bán sản phẩm cho doanh nghiệp thì ngân hàng sẽ thu nợ.
Ba là, sau khi thu mua, giữa doanh nghiệp và hộ dân tiến hành đối chiếu thanh toán bù trừ công nợ, phần còn thừa so công nợ chuyển trả cho hộ dân tất cả đều qua tài khoản ở ngân hàng. Nếu hộ dân có vay ngân hàng cũng sẽ được tính toán thu hồi nợ theo đúng kỳ luân chuyển.
Việc ký kết hợp đồng và ràng buộc trách nhiệm giữa hộ dân và doanh nghiệp hay hợp tác xã là cần thiết theo nguyên tắc thị trường, góp phần củng cố các mối liên kết, ổn định nguồn cung, chất lượng nguyên liệu và giá cả, xóa đi tình trạng được mùa thì bị tư thương mua gom ép giá, mất mùa, nguyên liệu thiếu hiếm giá cao thì bán ra ngoài. Sự gắn kết trách nhiệm và niềm tin, hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia, trong đó có các ngân hàng thương mại, trong chuỗi liên kết bảo đảm cho sự thành công của dự án, không chạy theo phong trào.
Ngoài vốn, những yếu tố then chốt để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tạo thuận lợi dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây, đất do địa phương quản lý… hình thành những quỹ đất đủ lớn và cho phép đầu tư tập trung chuyên doanh lâu dài, ổn định; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; giảm và miễn tối đa các phí, thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng cho nguyên liệu vật tư thiết yếu có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ trong nông nghiệp. Tạo cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các quỹ phát triển khoa học - công nghệ của Nhà nước. Có cơ chế khuyến khích hình thành mối liên kết trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao, tiếp nhận các sản phẩm khoa học - công nghệ giữa các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp và nông dân…. Đồng thời, đây cũng là điều kiện và xung lực để tăng niềm tin và hiệu quả thực tế, giúp các ngân hàng thương mại có thêm động lực và chủ động mở rộng tín dụng cho vay phát triển chuỗi liên kết trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là đối với những sản phẩm chủ lực quốc gia có tiềm năng, như: gạo, cà phê, cao su, thuỷ sản, thịt lợn, sữa, lâm sản…, hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao hoạt động có hiệu quả và đa dạng về quy mô, sản phẩm./.
Cứu nạn thành công 34 thuyền viên tàu QNa 95959 bị chìm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa  (05/05/2016)
Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài  (05/05/2016)
Các địa phương hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021  (05/05/2016)
Tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế  (05/05/2016)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Vùng 4 Hải quân  (05/05/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm