TCCSĐT - Nhân ngày Quốc tế Lao động năm 2016, nhiều hoạt động đã diễn ra ở nhiều nước nhằm kêu gọi cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Phần lớn sản phẩm độc hại trên thị trường châu Âu xuất xứ từ Trung Quốc

 
Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu, 2/3 số sản phẩm độc hại trên
 thị trường châu Âu có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: VOV

Ngày 25-4-2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo hằng năm về những sản phẩm tiêu dùng độc hại trên thị trường châu Âu (RAPEX). Theo báo cáo này, 2/3 số sản phẩm độc hại đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp Vera Jourova cho rằng báo cáo vẫn chưa sát thực tế và bà sẽ đề cập đến vấn đề này với giới chức Trung Quốc tại chuyến công du vào tháng 6 tới. RAPEX là hệ thống cảnh báo châu Âu nhằm trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Na Uy, Iceland và Liechtenstein về những sản phẩm độc hại, trừ lương thực, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế. Giới chức các quốc gia thành viên EU báo cho trung tâm liên lạc trực thuộc EC khi họ phát hiện các sản phẩm nguy hiểm trên thị trường. Khi EC chuyển thông tin tới các quốc gia thành viên khác, việc bán sản phẩm có thể bị cấm tại các quốc gia này hoặc phụ thuộc vào các điều kiện. Năm 2015, có 2.072 sản phẩm được thông báo độc hại và 2.745 hoạt động được tiến hành nhờ hệ thống RAPEX. Trong số các sản phẩm được cảnh báo, đồ chơi (27%), quần áo và các sản phẩm thời trang (17%) là 2 chủng loại hàng hóa mà EC phải tiến hành nhiều biện pháp nhất.

Mặc dù có sự hợp tác về an toàn của sản phẩm nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia sản xuất phần lớn các sản phẩm nguy hiểm. Không dưới 62% số lượng cảnh báo hồi năm ngoái liên quan đến sản phẩm của Trung Quốc, giảm 2% so với năm 2014. Kể từ năm 2006, hợp tác giữa EU với Trung Quốc khiến giới chức Trung Quốc tiến hành hơn 3.000 lần thực hiện các biện pháp sau khi nhận được cảnh báo từ phía châu Âu. Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn khi 1/3 trường hợp không thể xác định được nguồn gốc của sản phẩm nguy hiểm.

Liên hợp quốc ra nghị quyết về cơ chế gìn giữ hòa bình

 
Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
của Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27-4-2016, Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo An đã thông qua nghị quyết về cơ chế gìn giữ hòa bình trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang đang gây những tổn thất rất lớn cho con người, dẫn đến những cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tại nhiều nơi trên thế giới. Theo đó, nghị quyết mở rộng khái niệm gìn giữ hòa bình để bao gồm thêm định nghĩa về “hòa bình bền vững” được hiểu như là “mục tiêu và tiến trình xây dựng tầm nhìn chung của một xã hội, bảo đảm nhu cầu của tất cả những cư dân trong xã hội đó”. “Hòa bình bền vững” bao gồm các hoạt động nhằm ngăn chặn xung đột bùng nổ, leo thang, kéo dài và tái diễn; giải quyết các nguyên nhân gốc rễ; trợ giúp các bên chấm dứt các hoạt động thù địch; bảo đảm sự hòa giải dân tộc; và thúc đẩy sự phục hồi, tái thiết và phát triển.

Sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ca ngợi văn kiện thể hiện quyết tâm tạo sự thay đổi về tư duy cũng như chiến lược đối với vấn đề gìn giữ hòa bình. Trên cơ sở nghị quyết này, hệ thống Liên hợp quốc sẽ tăng cường sự hợp tác chiến lược với các quốc gia cũng như các đối tác khác để không chỉ ngăn chặn xung đột tái diễn mà còn ngăn chặn xung đột nổ ra khi chớm có dấu hiệu. Tổng Thư ký cũng cam kết sẽ hỗ trợ toàn bộ hệ thống của Liên hợp quốc thực thi những nghị quyết này, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên lớn nhất là bảo đảm hòa bình bền vững vì đó là điều kiện tiên quyết cho quyền của con người, sự phát triển bền vững và tất cả những nỗ lực khác.

Thúc đẩy an ninh thông qua đối thoại

 
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng khẳng định cam kết giữ vững và bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28-4-2016, cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ năm của Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin châu Á (CICA) đã diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Với chủ đề “Thúc đẩy an ninh thông qua đối thoại”, cuộc họp tập trung thảo luận những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay ở châu Á. Các nước cho rằng khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan bạo lực là mối đe doạ chung, và cộng đồng quốc tế cần cùng nhau hợp tác nhằm ngăn ngừa và loại bỏ hiểm hoạ này. Để giải quyết các điểm nóng, tranh chấp và xung đột khu vực, các nước cho rằng cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và CICA. Cuộc họp nhấn mạnh quan hệ tương hỗ giữa an ninh và phát triển, đồng thời khẳng định phát triển là mục tiêu chung và an ninh là trách nhiệm chung của tất cả các nước.

Kết thúc cuộc họp, các nước đã đồng thuận thông qua Tuyên bố Bộ trưởng khẳng định cam kết giữ vững và bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng hoan nghênh việc thành lập Cộng đồng ASEAN, vai trò và nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác, tăng cường lòng tin, củng cố hòa bình, an ninh và ổn định khu vực; hoan nghênh việc thông qua và bày tỏ quyết tâm thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trung Quốc đề xuất tuyên bố cam kết về tranh chấp lãnh thổ

 
Hội nghị giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc - ASEAN tại Singapore ngày 27 và 28-4-2016. Ảnh: Straits Times/TTXVN

Ngày 29-4-2016, theo nhật báo “Straits Times” của Singapore, sau cuộc họp kéo dài hai ngày (27 và 28-4) tại Singapore giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc và ASEAN, Bắc Kinh đã đề xuất các bên ra một tuyên bố chung cam kết tuân thủ những nguyên tắc của một thỏa thuận trước đó, bao gồm việc hạn chế leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuyên bố trên sẽ phản ánh nhiều nguyên tắc trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, một thỏa thuận đã được Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết, khẳng định tất cả các bên cần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tránh gây phức tạp hoặc leo thang căng thẳng. Trao đổi với nhật báo “Straits Times”, cựu Tổng Thư ký ASEAN, Đại sứ lưu động Bộ Ngoại giao Singapore, ông Ong Keng Yong đã đặt câu hỏi về sự cần thiết của một tuyên bố như đề xuất của Trung Quốc khi đã sẵn có DOC mà các nước thành viên ASEAN nhất trí, nhắc lại và tái khẳng định trong suốt 14 năm qua. Theo ông Ong Keng Yong, “các nước ASEAN cần đánh giá lại ngôn từ, giọng điệu và động lực của tuyên bố chung này để xác định liệu nó có giống với DOC hay không”.

Hội nghị giữa các nhà ngoại giao Trung Quốc - ASEAN diễn ra tại Singapore do Thư ký Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong và Thứ trưởng Lưu Chấn Dân đồng chủ trì, tập trung thảo luận về cách thức áp dụng các hướng dẫn của DOC và cải thiện quan hệ hợp tác ASEAN - Trung Quốc. Singapore hiện là nước điều phối quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Trung Quốc.

Nhiều hoạt động diễn ra nhân Ngày Quốc tế Lao động

 
Biểu tình tại Hàn Quốc để phản đối các biện pháp cải cách lao động của chính phủ, đồng thời đòi tăng lương tối thiểu. Ảnh: AFP/TTXVN

* Ngày 01-5-2016, các đảng phái chính trị, các tổ chức công đoàn, các tổ chức phi chính phủ tại Nga đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ở Thủ đô Moskva và nhiều nơi trên đất nước Nga. Hàng chục nghìn người dân Nga đã tham gia cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Cuộc diễu hành tương tự tại Quảng trường Cách mạng tháng 10 ở Moskva do Đảng Cộng sản Nga tổ chức cũng thu hút đông đảo quần chúng lao động. Cùng ngày tại Nhật Bản, hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ tăng mức lương tối thiểu cho người lao động không có việc làm thường xuyên. Hiện số lượng lao động hợp đồng tạm thời ở Nhật Bản đã tăng lên mức kỷ lục 30%, trong khi vào năm 1990 con số này chỉ chiếm 13% dân số lao động.

* Cũng trong ngày này, biểu tình đã diễn ra ở nhiều nước đòi cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Tại Hàn Quốc, khoảng 30.000 người người lao động Hàn Quốc đã tham gia cuộc biểu tình để phản đối các biện pháp cải cách lao động mà chính phủ đang xúc tiến thực hiện, đồng thời kêu gọi tăng mức lương tối thiểu. Tại Campuchia, hàng nghìn người lao động, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc và sản xuất giày dép, đã mang biểu ngữ và diễu hành đến Quốc hội để nộp kiến nghị, “kêu gọi chính phủ tăng lương tối thiểu cho công nhân ngành may mặc và sản xuất giày dép lên 207 USD/tháng”. Hiện mức lương tối thiểu cho lao động ngành này là 140 USD/tháng.

* Trong khi đó, phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia trong đêm trước Ngày Quốc tế Lao động, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo ông đã ký sắc lệnh tăng 30% lương cơ bản cho các công nhân trong khu vực nhà nước, những người hưởng lương hưu và binh lính quân đội. Mức lương cơ bản mới thấp nhất sẽ tăng lên 15.051 bolivar/tháng (tương đương khoảng 1.505 USD/tháng theo tỷ giá chính thức). Ngoài ra, Venezuela cũng nâng giá trị tem phiếu thực phẩm hàng tháng lên 18.585 bolivar./.