Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm những tin tặc (hacker) hàng đầu để tấn công vào hệ thống mạng của Lầu Năm Góc, một chương trình thử nghiệm chưa từng có từ trước tới nay nhằm nâng cao khả năng phòng thủ an ninh mạng của cơ quan này.

Mang tên “Tấn công Lầu Năm Góc”, chương trình sẽ trao thưởng cho những tin tặc có thể phát hiện điểm yếu trong các trang web công cộng của Lầu Năm Góc.

Các tin tặc muốn tham gia chương trình thử nghiệm này sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra lý lịch. Các đối tượng sẽ tham gia một chương trình “giới hạn thời gian và có giám sát” cho phép họ tìm kiếm lỗ hổng trong một hệ thống an ninh chính phủ nhất định, không bao gồm các hệ thống chính phủ trọng yếu.

Chương trình này dựa trên mô hình trước đó đã được nhiều tập đoàn lớn áp dụng để cải thiện an ninh mạng. Theo dự kiến, chương trình sẽ khởi động trong tháng Tư. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Ngày 02-3, phát biểu về chương trình mới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tin tưởng sáng kiến này sẽ giúp củng cố hệ thống phòng thủ kỹ thuật số của Lầu Năm Góc và tiến tới tăng cường an ninh quốc gia. Một quan chức quốc phòng cho hay đây là một biện pháp hữu hiệu và kinh tế, tận dụng tài năng để phục vụ quốc gia. Nếu thành công, chương trình này có thể mở rộng sang nhiều cơ quan chính phủ khác.

Động thái trên được công bố cùng thời điểm Bộ trưởng Carter đang có chuyến thăm lần thứ ba tới Thung lũng Silicon tại bang California, Mỹ. Nhân dịp này, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng thông báo kế hoạch thành lập một “Ủy ban Cố vấn cải tiến quốc phòng” do ông Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Alphabet Inc - công ty mẹ của Google, đứng đầu.

Ủy ban này sẽ làm nhiệm vụ cố vấn giúp Bộ Quốc phòng phát triển và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động an ninh. Ủy ban sẽ có khoảng 12 thành viên là các chuyên gia hàng đầu đến từ các tập đoàn chính phủ và tư nhân. Cuộc họp đầu tiên có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 4 tới.

Bộ trưởng Carter trước đó đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc chính phủ Mỹ cần thiết phải cải tiến công nghệ và hợp tác với các tập đoàn công nghệ./.