Dấu ấn đối ngoại Việt Nam năm 2015
TCCSĐT - Năm 2015 khép lại với nhiều hoạt động đối ngoại sôi động trên tất cả các lĩnh vực, tiếp tục đưa nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2015 là năm thế giới chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp, tuy có những động thái tích cực, như thỏa thuận đạt được về “Hồ sơ hạt nhân của I-ran” giữa I-ran và nhóm P5+1, nhưng gam màu sáng trong bức tranh toàn cảnh thế giới không nhiều như mong đợi. Cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn vẫn diễn ra hết sức gay gắt và phức tạp. Kinh tế thế giới vẫn phục hồi thiếu vững chắc, một số khu vực còn đối mặt với những dấu hiệu của giảm phát và nguy cơ suy thoái; giá dầu tiếp tục lao dốc đưa nhiều nền kinh tế vào tình trạng cực kỳ khó khăn; nhiều điểm nóng trên thế giới vẫn chưa hạ nhiệt; những vụ tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng liều lĩnh hơn và mở rộng sang tận châu Âu; những căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển, đảo vẫn diễn ra căng thẳng, như trên Biển Đông,...
Hoạt động đối ngoại của nước ta trong năm 2015 đã diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều nét đặc biệt và phức tạp như vậy.
Đối ngoại năm 2015: những kết quả ấn tượng
Thứ nhất, quan hệ song phương với các đối tác tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, hiệu quả, trở thành “điểm sáng” trong công tác đối ngoại năm 2015. Nhiều chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao tới các nước láng giềng, khu vực, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng, đặc biệt là các nước lớn, được thực hiện rất thành công. Sự đón tiếp trọng thị với nghi thức ngoại giao cao nhất của lãnh đạo các nước, đặc biệt là Trung Quốc (tháng 4), Hoa Kỳ (tháng 7), Nhật Bản (tháng 9) dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta góp phần đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo thế và lực cho quan hệ của ta với các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn, đồng thời cũng cho thấy rõ, các nước ngày càng tôn trọng hơn thể chế và sự lựa chọn chế độ chính trị của nhân dân ta, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các chuyến thăm này là những dấu mốc quan trọng tăng cường sự tin cậy chính trị, định ra các phương hướng, biện pháp lớn trong quan hệ song phương, Các quan chức Bộ Ngoại giao, Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Sin-dô A-bê là “hết sức tuyệt vời”, còn đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng S. A-bê “rất mãn nguyện” về cuộc hội đàm này.
Các chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Lào (tháng 3), Liên bang Nga (tháng 5), Cu-ba (tháng 9), Cộng hòa Liên bang Đức (tháng 11), Cam-pu-chia (tháng 12)… khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống. Tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hữu nghị chính thức một loạt nước đối tác quan trọng của Việt Nam, như Ca-dắc-xtan, An-giê-ri, Bồ Đào Nha, Bun-ga-ri, thể hiện chính sách hợp tác toàn diện của Việt Nam với châu Âu và coi trọng hợp tác với châu Phi. Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào cuối tháng 12 khép lại một năm củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương bền chặt giữa Việt Nam với các đối tác truyền thống, đồng thời ghi dấu ấn quan trọng của ngoại giao nghị viện trong các thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam năm 2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đón nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm, như Thủ tướng Anh Đ. Ca-mê-rôn, Chủ tịch Quốc hội Đức N. Lam-mớt, cựu Tổng thống Hoa Kỳ B. Clin-tơn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Bê-la-rút A. G. Lu-ca-sen-cô... Việc thường xuyên trao đổi đoàn ở các cấp không chỉ cho thấy vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, mà còn góp phần tạo ra những hiệu ứng tích cực về lòng tin, nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác quốc tế.
Kết quả ấn tượng của ngoại giao song phương năm 2015 còn thể hiện ở chỗ nước ta đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 2 nước (Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin), nâng tổng số nước có quan hệ đối tác chiến lược lên 15 nước; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược theo ngành với 2 nước; xác lập quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước; trở thành nước duy nhất tại Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn; có quan hệ đặc biệt với Lào, quan hệ hợp tác toàn diện với Cam-pu-chia; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những nước có vai trò quan trọng ở các khu vực khác như châu Phi, Mỹ La-tinh…
Thứ hai, cùng với hợp tác song phương, ngoại giao đa phương được triển khai tích cực, có bước chuyển về chất với bước tiến từ việc gia nhập đến tham gia ngày càng chủ động, tích cực, đóng góp thực chất và đưa ra nhiều sáng kiến được cộng đồng quốc tế chia sẻ, ủng hộ rộng rãi tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Dư luận cũng luôn đánh giá tích cực về cách ứng xử của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, ủng hộ Việt Nam giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Ấn tượng sâu sắc trước những thành tựu của Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam (tháng 5), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun nhấn mạnh: “Việt Nam đã cho thế giới thấy từ một quá khứ đau thương có thể đi tới một hiện tại phồn vinh”.
Với những dấu ấn tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức tại Hà Nội, Hội nghị thượng đỉnh khóa 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên hợp quốc (COP-21) và đặc biệt là việc cùng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký Tuyên bố Ku-a-la Lăm-pơ về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Ku-a-la Lăm-pơ về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025…, ngoại giao đa phương của Việt Nam tiếp tục là một trọng tâm quan trọng.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tiếp tục phát huy tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; tích cực chuẩn bị đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2017; vận động ứng cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021...
Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, ngoại giao kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 tiếp tục thể hiện tính chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò tham mưu cho Chính phủ về tình hình kinh tế thế giới, kinh nghiệm phát triển của các nước góp phần vào việc hoạch định chính sách, điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa hội nhập kinh tế quốc tế. Dấu ấn đậm nét trong năm 2015 là việc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) và Hàn Quốc; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EU); cùng với các nước thành viên ASEAN thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Kinh tế Việt Nam cũng hội nhập ngày càng chặt chẽ với khu vực và thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục; tham gia vào hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; thu hút gần 260 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (1). Tăng trưởng GDP của năm 2015 đạt khoảng 6,68%, cao nhất trong 5 năm qua, bình quân 5 năm đạt khoảng 5,88%/năm. Quy mô của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 200 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 2.180 USD. Lạm phát ở mức xấp xỉ 2% (2). Nếu như trước đây, thế giới phần lớn chỉ biết đến Việt Nam với những cuộc chiến tranh đau thương, ngày nay Việt Nam được biết tới nhiều hơn bởi các sản phẩm mang thương hiệu “made in Vietnam” ngày càng mạnh, kể cả ở những thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Thứ tư, cùng với những thành tựu nổi bật của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, các trụ cột quan trọng khác của ngoại giao Việt Nam, như ngoại giao văn hóa, công tác biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài,... được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Công tác biên giới lãnh thổ của Việt Nam năm 2015 được đặc biệt coi trọng, xử lý kịp thời các vụ việc nảy sinh, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hai bên đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại với 792 vị trí mốc, tương ứng 834 cột mốc và cắm bổ sung 168 cọc dấu tại 113 vị trí; hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Xây dựng 307/371 cột mốc, phân giới 919/1.137 km đường biên giới với Cam-pu-chia (3). Trong bối cảnh có những tranh chấp phức tạp trên Biển Đông, Việt Nam đã kịp thời đấu tranh ngoại giao, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Công tác ngoại giao văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở tập trung vào triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020. Việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận thêm 2 di sản: Khu dự trữ sinh quyển Lang Bi-ang là khu dự trữ sinh quyển thế giới và Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới (công nhận lần thứ 2) tạo điều kiện thuận lợi để du lịch có những bước phát triển, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai hiệu quả trên thực tế Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài,… bằng những chính sách và biện pháp cụ thể, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của bà con Việt kiều hướng về xây dựng quê hương đất nước. Nhiều biện pháp được kịp thời triển khai để phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài…
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Cục diện thế giới năm 2016 về cơ bản vẫn tiếp tục vận động theo xu hướng đã được định hình trong năm 2015 và những năm trước đó. Tuy nhiên quan hệ giữa các nước xung quanh những “điểm nóng” ở một số địa bàn chiến lược, được dự báo, có nhiều khả năng sẽ căng thẳng hơn so với năm 2015, tác động đa chiều tới tình hình trong nước cũng như việc triển khai công tác đối ngoại của Việt Nam. Năm 2016 cũng là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đất nước, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại Việt Nam xác định:
Một là, quán triệt triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội XII của Đảng đề ra; tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cũng như các nước bạn bè truyền thống, góp phần tích cực vào sự nghiệp gìn giữ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ba là, tích cực đóng góp và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương như APEC, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... đặc biệt khi năm 2016 là giai đoạn nước rút Việt Nam chuẩn bị đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 2017, kỷ niệm 20 năm thành lập ASEM, năm đầu tiên ASEAN chính thức trở thành Cộng đồng (ngày 31-12-2015) và cũng là năm đầu tiên triển khai kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 10 (Kê-ni-a, tháng 12-2015).
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt là các FTA, trong đó chú trọng thúc đẩy hoàn tất các thủ tục trong nước để hướng tới phê chuẩn Hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU cũng như sớm đưa các Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu đi vào thực thi. Đồng thời, nỗ lực hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP, EFTA, ASEAN - Hồng Kông trong năm 2016 và chuẩn bị khởi động FTA Việt Nam - I-xra-en (tháng 3-2016).
Năm là, tích cực triển khai kiệu quả kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020; công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân với phương châm hiệu quả, kịp thời...
Có thể nói, năm 2015 - một năm đầy ắp các sự kiện và thành tựu đối ngoại quan trọng sẽ tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả, phát huy vai trò và trách nhiệm của một thành viên chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế./.
-----------------------------------------
(1) Thông tấn xã Việt Nam, Ngành ngoại giao đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ hai, ngày 27-8-2015,
http://www.vietnamplus.vn/nganh-ngoai-giao-don-nhan-huan-chuong-sao-vang-lan-thu-hai/340537.vnp
(2) http://thoibaonganhang.vn/uy-ban-giam-sat-tai-chinh-quoc-gia-nam-2016-tang-truong-o-muc-67-68-43530.html
(3) Xem: http://tgvn.com.vn/uy-ban-bien-gioi-quoc-gia-40-nam-xay-dung-va-truong-thanh-19494.html
Biến đổi giá trị về học tập và việc làm của sinh viên trong đời sống đô thị hiện nay*  (03/03/2016)
Tổ chức các cơ quan chuyên môn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh  (02/03/2016)
"Sức nóng" của ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân  (02/03/2016)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Temasek  (02/03/2016)
Chủ tịch nước trao huân chương cho Chánh án Tòa án tối cao Nga  (02/03/2016)
Yêu cầu Văn phòng Quốc hội tham mưu, chuẩn bị tốt cho ngày bầu cử  (02/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay