Cơ hội mới cho hòa bình tại Syria
TCCSĐT - Sau nhiều lần trì hoãn, cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria đã chính thức bắt đầu tại Geneva (Thụy Sỹ). Đây được coi là “cơ hội lịch sử không thể bỏ lỡ” đối với quốc gia Trung Đông này.
Hy vọng về một tương lai hòa bình cho đất nước của người dân Syria lại được nhen nhóm |
Không thể tháo gỡ
Để tái thiết lập hòa bình cho Syria, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Syria và các bên đối lập cùng ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ từ trước tới nay vẫn chưa thu được kết quả.
Tháng 6-2012, khi cuộc nội chiến Syria kéo dài 16 tháng, lần đầu tiên Liên hợp quốc dàn xếp được một cuộc đàm phán hòa bình cho Syria. Cuộc đàm phán Geneva lần thứ nhất đưa ra được thỏa thuận về chuyển tiếp chính trị tại Syria, nhưng thỏa thuận đó đã chỉ tồn tại trên giấy.
Cách đây 2 năm, Liên hợp quốc đã lần thứ hai đưa được Chính phủ Syria và phe đối lập Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva (tháng 10-2015). Cho tới lúc đó, đã có 130.000 người chết, nửa triệu người tàn phế sau 3 năm nội chiến. Thế nhưng, hy vọng về một chính phủ chuyển tiếp tại Syria cuối cùng đã tan biến. Tối thiểu nhất là một thỏa thuận ngừng bắn cũng đã không thể đạt được. Hai người tiền nhiệm của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria là cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan và sau đó là ông Lakhdar Brahimi đều phải từ bỏ các nỗ lực của mình sau khi các cuộc hòa đàm đều rơi vào thất bại.
Sau gần 5 năm chìm trong nội chiến, tình hình Syria ngày càng trở nên phức tạp. Cuộc nội chiến ở quốc gia này trở thành mảnh đất “màu mỡ” cho chủ nghĩa khủng bố lan rộng, nhất là sự trỗi dậy tàn bạo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, phe đối lập Syria hiện nay có tới năm, bảy nhóm khác nhau. Theo ước tính của Liên hợp quốc, từ khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 3-2011 tới nay, gần 250.000 người Syria đã thiệt mạng, hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, tản cư trong nước hoặc nước ngoài. Và những bước tiến trên bàn đàm phán tại Geneva có lẽ chính là điều mà hàng triệu người dân Syria đang mong chờ nhất vào lúc này.
Nguyên nhân từ những bất đồng
Sau hai lần thất bại, cuộc đàm phán thứ ba giữa Chính phủ Syria và phe đối lập do Liên hợp quốc làm trung gian đã không thể khởi động khi liên tục bị trì hoãn do những bất đồng giữa các bên vẫn chưa được thu hẹp. Theo Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, thời điểm tiến hành hòa đàm bị lùi lại là do “sự bế tắc” liên quan tới thành phần tham gia phái đoàn đàm phán. Mặc dù nhất trí ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, song Mỹ và Nga vốn là những nước “thiết kế” cuộc đàm phán hòa bình này, chưa thống nhất được thành phần phe đối lập tham gia đàm phán.
Nga và Iran, hai quốc gia ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vẫn bất đồng sâu sắc với Mỹ và Saudi Arabia cũng như các nước ủng hộ phe đối lập về việc nhóm đối lập nào ở Syria bị coi là khủng bố và không được phép tham gia tiến trình đám phán chuyển giao chính trị kéo dài 18 tháng. Một số nhóm nổi dậy bị Nga, Iran và Syria coi là khủng bố, nhưng lại được Mỹ và Saudi Arabia coi là các nhóm đối lập hợp pháp. Cả Nga và Chính quyền Syria đều tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng nhưng sẽ không đàm phán với những nhóm mà họ coi là khủng bố. Nga muốn thành phần tham gia đàm phán phải là những nhóm đối lập được Chính phủ Syria chấp thuận. Trong khi đó, một số lực lượng đối lập lại tuyên bố sẽ không ủng hộ giải pháp hòa bình cho Syria nếu bị loại khỏi tiến trình đàm phán. Như trường hợp việc các đảng của người Kurd không được mời tham gia cuộc đàm phán tại Geneva là một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều nhất giữa các phe phái tham chiến ở Syria, cũng như các nước ủng hộ đứng đằng sau các phe phái này. Nga từng tuyên bố cần phải có các đại diện người Kurd tham gia đàm phán hòa bình Syria nếu như muốn đạt được kết quả, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại phản đối việc cho các đại diện người Kurd tham gia tiến trình đàm phán hòa bình Syria. Còn bản thân người đứng đầu đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) ở Syria, ông Saleh Muslim tuyên bố, PYD không được tham gia đàm phán, do vậy, PYD sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết nào, kể cả một thỏa thuận ngừng bắn.
Ngoài ra, theo giới phân tích, những trở ngại đối với cuộc hòa đàm Syria còn xuất phát từ thực tế đang diễn ra trên chiến trường nước này gần đây. Nhiều nhóm đối lập tuyên bố sẽ không thương lượng với Chính phủ Syria nếu máy bay Nga không dừng các cuộc không kích ở quốc gia Trung Đông này. Bởi chiến dịch không kích mà Nga tiến hành tại Syria trong suốt bốn tháng qua đã đem lại lợi thế, củng cố sức mạnh cho lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad. Quân nổi dậy ở miền Tây phải đối mặt những cuộc tiến công mạnh mẽ của quân chính phủ, trong khi ở miền Trung và miền Đông, IS cũng chịu nhiều sức ép trước các cuộc không kích của Nga. Do vậy, việc phe đối lập trì hoãn tới Geneva là nhằm đạt được một sự nhượng bộ do tương quan lực lượng trên thực địa đã có nhiều thay đổi. Các lực lượng quân đội trung thành với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành được những thắng lợi quan trọng.
Hy vọng tương lai hòa bình cho Syria
Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng HNC - cơ quan đại diện cho các phe phái đối lập chính tại Syria đã đồng ý tham gia cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva lần thứ ba sau khi Liên hợp quốc và Mỹ bảo đảm đáp ứng những yêu cầu, bao gồm việc chấm dứt không kích tại các khu vực dân cư, dỡ bỏ phong tỏa đối với các thành phố chiến sự và trả tự do cho các tù nhân. Đây cũng chính là những điểm được nêu trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 18-12-2015. Tuyên bố tham gia đàm phán của HNC đã đảo ngược những đe dọa trước đó của lực lượng được Saudi Arabia hậu thuẫn này về việc tẩy chay các cuộc đàm phán ở Geneva.
Ngày 01-02-2016, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura tuyên bố, cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria đã chính thức bắt đầu. Phát biểu trước báo giới, ông De Mistura cho biết các cuộc thảo luận đầu tiên đã được khởi động. Cuộc đàm phán sẽ phức tạp và khó khăn, song là điều người dân Syria chờ đợi để được thấy những kết quả cụ thể.
Để đạt được cuộc đàm phán hòa bình này, các bên liên quan đều phải có những nỗ lực cần thiết. Trước đó, ngày 27-01, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng kêu gọi các nhóm đối lập ở Syria nên nắm bắt cơ hội lịch sử với việc tham dự vô điều kiện các cuộc hòa đàm tại Geneva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M. Toner cho rằng, các phe đối lập Syria có cơ hội lịch sử để tới Geneva và đề xuất các cách thức nghiêm túc, thiết thực nhằm thực thi ngừng bắn, tiếp cận nhân đạo và các biện pháp xây dựng lòng tin khác. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, lực lượng đối lập Syria nên tham gia đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, đồng thời cần thể hiện thiện chí đối với tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở Syria. Cũng theo ông M. Toner, việc khởi động các cuộc đàm phán là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong khi đó, ông Asaad al-Zoubi một thành viên của HNC cho biết, các nhóm đối lập chờ phản hồi từ Liên hợp quốc đối với những yêu cầu của họ trước khi đưa ra quyết định tham gia cuộc hòa đàm ở Geneva.
Gạt bỏ những bất đồng, ngày 30-01, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và người đồng cấp Mỹ J. Kerry cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về vấn đề tổ chức cuộc đàm phán ở Geneva giữa các đại diện của Chính phủ Syria với phe đối lập. Theo đó, Ngoại trưởng Nga và Mỹ đều nhấn mạnh tới Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cụ thể là, cuộc đàm phán nội bộ giữa các bên tại Syria cần phải xem xét các vấn đề, như cuộc chiến chống khủng bố, tình hình nhân đạo và chuẩn bị cải cách chính trị trên cơ sở đồng thuận của các bên tại Syria.
Ngày 31-01, trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry, đã lên tiếng kêu gọi phe đối lập loại bỏ “các điều kiện” đã đưa ra, đồng thời kêu gọi Chính phủ Syria cho phép các đoàn hỗ trợ nhân đạo tiếp cận các thị trấn hiện đang bị bao vây. Ông J. Kerry cảnh báo, xung đột có thể dễ dàng nhấn chìm khu vực Trung Đông nếu như các bên không thể tiến tới một thỏa thuận. Ông thôi thúc các bên “hợp tác” để đạt được một lệnh ngừng bắn, tăng cường cứu trợ nhân đạo và xây dựng một kế hoạch chuyển tiếp quyền lực chính trị. Theo ông, việc đạt được một thỏa thuận chính trị cho Syria thông qua đàm phán sẽ làm suy yếu sự ủng hộ IS ở khắp khu vực này.
Ngoài ra, các bên ngay lập tức cần cung cấp viện trợ lương thực và có các trợ giúp nhân đạo khác cho 13,5 triệu người dân Syria, trong đó có khoảng 6 triệu trẻ em, đang phải sống trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. Các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria hiện còn gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán trong năm 2015, trung bình chỉ có 1/100 người dân Syria nhận được viện trợ lương thực. Đây là lý do vì sao Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng như Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry kêu gọi Chính phủ Syria cũng như các lực lượng đối lập phải có trách nhiệm cứu trợ nhân đạo cho người dân Syria.
Cũng nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria, trong ngày 01-02, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura đã có cuộc gặp riêng rẽ tại Geneva với các đại diện của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập nhằm tìm kiếm “tiếng nói chung”.
Cuộc hòa đàm được coi là “cơ hội vàng” đối với tiến trình tái thiết lập lại hòa bình ở Syria. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các cuộc thương lượng đầu tiên diễn ra “quá chậm”. Do vậy, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã phải hối thúc các bên tham gia đàm phán đẩy mạnh tiến trình. Theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này, các bên cần đặt lợi ích của người dân Syria lên hàng đầu, vượt lên trên các lợi ích bè phái. Số phận người dân phải là trọng tâm của các cuộc thảo luận khi mà họ là những nạn nhân chính của cuộc xung đột đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này. Theo đó, hai quốc gia là Iran và Saudi Arabia được kêu gọi hướng các nỗ lực chung tới những giải pháp chấm dứt cuộc chiến, kiến tạo hòa bình cho người dân Syria. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ dàng khi căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia thời gian qua bùng phát từ những cáo buộc xung quanh mâu thuẫn giáo phái, đồng thời cả hai nước này đều đang muốn tranh giành ảnh hưởng tại khu vực, nhất là khi mỗi nước đại diện cho dòng giáo phái riêng của mình.
Cũng cùng quan điểm các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria phải mang lại “sự chuyển tiếp chính trị độc lập” và “chấm dứt khổ đau cho người dân Syria”, Ngoại trưởng Anh P. Hammond, Ngoại trưởng Jordan N. Judeh nhận định về “hy vọng dù mong manh” cho nỗ lực chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài gần 5 năm qua tại Syria; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần theo dõi và ủng hộ các cuộc đàm phán tại Geneva.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến tại Syria sẽ chưa thể kết thúc khi lực lượng Chính phủ Syria và phe đối lập vẫn tiếp tục phân thua thắng bại, trong khi vẫn phải chiến đấu với IS. Trong khi đó, hàng triệu người dân Syria đang chết dần, chết mòn vì bạo lực và kiệt sức trong chờ đợi. Thảm cảnh của người Syria đã gửi đi lời kêu cầu khẩn thiết về việc nhanh chóng đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Đó cũng là mục tiêu mà cả cộng đồng quốc tế đang trông đợi. Dù tuyên bố chỉ có mặt để thảo luận các vấn đề nhân đạo với Liên hợp quốc, song quyết định của phe đối lập đã mở ra cơ hội mới cho hòa bình tại Syria, hay ít nhất cũng là cơ hội bảo đảm khả năng tiếp cận nhân đạo với tất cả các khu vực chiến sự. Chính vì vậy, dư luận quốc tế đang đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc hòa đàm lần này.
Đến tham gia đàm phán tại Geneva, HNC bao gồm đại diện các nhóm chính trị đối lập và các nhóm vũ trang đối lập với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad; còn phái đoàn của Chính quyền Syria gồm 16 thành viên. Theo thông báo của Liên hợp quốc, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài 6 tháng, nhưng không liên tục, trong đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc Staffan de Mistura sẽ có những cuộc họp riêng rẽ với đại diện mỗi bên nhằm đạt được những thỏa thuận về các lệnh ngừng bắn, sau đó hướng tới sự ổn định chính trị nhằm kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria./.
Lựa chọn những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho nhân dân  (02/02/2016)
Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV  (02/02/2016)
Tổng Bí thư thăm và chúc thọ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười  (02/02/2016)
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào thị trường  (02/02/2016)
Báo Đức ca ngợi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/02/2016)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển