Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong năm 2016, tăng trưởng kinh tế trên toàn châu Âu có thể duy trì ở mức 1,5% - 2%.

Theo chuyên gia chiến lược của nhà quản lý quỹ đầu tư số 1 thế giới, Tập đoàn JP Morgan Asset Management, ông Vincent Juvyns cho rằng, sau 10 quý liên tục tăng trưởng tích cực, kinh tế châu Âu chắc chắn đạt mức tăng trưởng 2% trong năm 2016 nhờ các quốc gia bên ngoài và việc áp dụng cải cách cơ cấu trong “lục địa già”. Chuyên gia Florence Pisani thuộc Tập đoàn đầu tư Candriam cũng nhấn mạnh, kinh tế châu Âu tiếp tục được cải thiện nhờ nhu cầu trong nước và sự phục hồi của giới đầu tư. Bên cạnh đó, hoạt động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm phân khúc của thị trường tài chính với các quốc gia ngoài châu Âu cũng không ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế châu Âu. Trong khi đó, chuyên gia Peter de Keyze thuộc Ngân hàng Paribas Fortis của Bỉ lại khẳng định về ngắn hạn, tác động của vấn đề người tị nạn Syria được xem là một yếu tố tích cực đối với người tiêu dùng nội địa tại châu Âu, nhất là đối với nền kinh tế Đức khi quốc gia này đang tiếp nhận lượng lớn người tị nạn. Theo ông P. Keyze, trong ngắn hạn, dòng người di cư có thể góp phần làm tăng thêm khoảng 0,2% cho tăng trưởng kinh tế châu Âu năm 2016.

Bên cạnh đó, việc giá dầu mỏ giảm mạnh cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, đặc biệt làm lợi cho những quốc gia nhập khẩu dầu và người tiêu dùng. Theo chuyên gia Serge Pizem thuộc Tập đoàn bảo hiểm Axa IM, thời điểm hiện nay là cơ hội lớn để các công ty châu Âu thu về lợi nhuận, để bù đắp vào sự chậm trễ so với các tập đoàn của Mỹ trong những năm sắp tới./.