TCCSĐT - Ngày 20-12-2015, phát biểu với báo Đức Thế giới Chủ nhật, Giám đốc Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã có được hàng chục nghìn cuốn hộ chiếu thật và có thể trà trộn vào châu Âu.

Liên hợp quốc kêu gọi lấp đầy khoảng cách số vì sự phát triển bền vững

Tại Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về xã hội thông tin (gọi tắt là WSIS) diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh cần phải lấp đầy khoảng cách số để tạo điều kiện cho mọi người dân trên Trái đất đều có thể tiếp cận internet và đây là một mục tiêu quan trọng của Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030. Ông Ban Ki-moon cũng nêu bật những đóng góp to lớn của các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đối với sự phát triển của nhân loại đồng thời nhấn mạnh ICT đã vươn tới mọi mặt của cuộc sống, làm biến đổi các hình thức giao tiếp công cộng và các hoạt động kinh tế theo cách mà chỉ vài năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi. Tổng Thư ký kêu gọi tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị hành động để tối đa hóa những lợi ích mà ICT đem lại cho mọi người dân trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon lưu ý rằng mặc dù ICT đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song khoảng cách số vẫn tồn tại ở nhiều nơi, trong đó có cả sự phân biệt về giới tính. Theo số liệu của Liên hợp quốc, ngày nay có hơn 80% hộ gia đình tại các quốc gia phát triển được kết nối internet trong khi 2/3 số hộ gia đình ở các quốc gia đang phát triển không thể sử dụng internet tại nhà. Phụ nữ chiếm một nửa dân số thế giới - tuy nhiên số phụ nữ được tiếp cận internet ít hơn nam giới tới 200 triệu người. Trong khi đó, công nghệ di động và các loại tiền ảo vẫn chưa đến được với 2 tỷ người trên khắp thế giới. Nhìn về tương lai, Tổng Thư ký nhấn mạnh các quốc gia cần phải cùng nhau củng cố niềm tin và thúc đẩy văn hóa an ninh mạng toàn cầu bằng cách tất cả cùng chia sẻ cam kết và hành động để chống lại tình trạng vi phạm nhân quyền trên không gian ảo và các cuộc tấn công mạng.

Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2015

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) trong phiên thảo luận về vấn đề chống khủng bố và việc EU đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại Strasbourg, Pháp ngày 16-12. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong hai ngày 17 và 18-12-2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại Thủ đô Brussels, Bỉ, toàn bộ 28 nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên đã thảo luận về kế hoạch mới công bố của Ủy ban châu Âu (EC) về việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh có quyền can thiệp để khôi phục lại an ninh biên giới trong cuộc khủng hoảng di cư mà không cần có sự cho phép của quốc gia thành viên sở tại. Chủ tịch EU Donald Tusk trước đó khẳng định kế hoạch này là cần thiết để bảo đảm an ninh biên giới giữa các nước EU và bảo vệ khu vực đi lại tự do Schengen trước các mối đe dọa.

Bên cạnh đó, bản kiến nghị của Thủ tướng Anh David Cameron yêu cầu EU thực hiện những biện pháp cải cách liên quan tới người nhập cư cũng là vấn đề trọng tâm được thảo luận tại hội nghị lần này. Tháng trước, ông D. Cameron đã chính thức đệ trình một danh sách yêu cầu cải cách trong đó kiến nghị hạn chế lao động người nhập cư tiếp cận một số chế độ phúc lợi nhà nước trong 4 năm đầu sau khi vào châu Âu. London muốn đạt được một thỏa thuận mới với các đối tác EU dựa trên những kiến nghị cải cách này trước khi cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu ý dân dự kiến trước cuối năm 2017 để quyết định có tiếp tục là thành viên EU nữa hay không. Yêu cầu này của Anh khi đó đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các đồng minh châu Âu. Cũng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận hàng loạt vấn đề nóng trong khu vực, như việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga, cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tình hình kinh tế Hy Lạp, cuộc chiến chống khủng bố,...

Thiên tai gây thiệt hại 85 tỷ USD trong năm 2015

 

 Người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất ở Kathmandu, Nepal ngày 27-4. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 18-12-2015, Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ đã công bố báo cáo cho thấy tổng thiệt hại kinh tế do các thảm họa thiên nhiên và công nghiệp gây ra trên thế giới trong năm 2015 là 85 tỷ USD, giảm nhiều so với 113 tỷ USD của năm 2014. Trong đó, các hãng bảo hiểm toàn cầu đã bồi thường tổng cộng 32 tỷ USD. Theo Swiss Re, riêng thiệt hại kinh tế do thiên tai là 74 tỷ USD. Trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tại Nepal ngày 25-4 khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà, ước tính gây thiệt hại kinh tế hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, các hãng bảo hiểm chỉ phải bồi thường số tiền rất nhỏ là 160 triệu USD. Trong khi đó, trận bão mùa Đông hồi tháng 02 ở Mỹ chiếm kỷ lục bồi thường bảo hiểm lên tới 2,7 tỷ USD.

Năm 2015 cũng được xem là năm nóng kỷ lục gây thiệt hại đáng kể khi có 5.000 người thiệt mạng trên thế giới, trong đó riêng số người tử vong do thời tiết nóng ở Ấn Độ và Pakistan là 3.000 người khi nhiệt độ lên tới 48°C. Ngoài ra, tình trạng mưa ít cũng gây hạn hán phá hủy mùa màng và cháy rừng nghiêm trọng ở nhiều nơi. Về thảm họa công nghiệp, vụ nổ kinh hoàng ở khu nhà kho hóa chất tại thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc ngày 12-8 làm 161 người thiệt mạng được đánh giá là tai nạn đắt đỏ nhất năm với chi phí bảo hiểm bồi thường lên tới 2 tỷ USD và hiện vẫn còn tăng thêm.

Đối thoại về kinh tế, thách thức an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương tại Ấn Độ

Ngày 19-12-2015, tại Thủ đô New Delhi đã diễn ra cuộc Đối thoại “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương: Ấn Độ và sự can dự lớn hơn”, do nhật báo Deccan Herald tổ chức. Cuộc đối thoại đã thu hút sự tham dự của đông đảo học giả, chuyên gia nghiên cứu Ấn Độ cùng các đại diện ngoại giao đoàn của nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Nga và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),.... Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập nhật báo Deccan Herald, ông K.N. Tilak Kumar nhấn mạnh thế kỷ XXI được xem là thế kỷ của châu Á, cụ thể hơn là thế kỷ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do nhiều nước ở vành đai Thái Bình Dương sẽ có ảnh hưởng lớn đối với thế giới trên tất cả các lĩnh vực trong nhiều thập kỷ tới. Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, ASEAN cũng là một khối thương mại năng động và sớm trở thành một khối kinh tế hội nhập sâu rộng hơn. Những đặc điểm chính trị và chiến lược cũng như các mối quan hệ phụ thuộc giữa các nước trong khu vực sẽ định hình thế kỷ XXI. Nhiều nước bị ràng buộc bởi các hiệp định thương mại và mối quan hệ kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một sự thúc đẩy lớn về thương mại cho những nước tham gia. ASEAN và 6 nước đối tác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, đang thương lượng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Khu vực này đang hướng tới sự hội nhập kinh tế lớn hơn song các vấn đề an ninh khu vực cũng sẽ có vị trí chủ đạo khi cạnh tranh và ganh đua tăng lên.

Bên lề cuộc đối thoại, Giáo sư Baladash Ghoshal, chuyên viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình và xung đột (IPCS) cho rằng vấn đề Biển Đông là một trong những thách thức an ninh lớn nhất của khu vực và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh và kinh tế. Do đó, để thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực đòi hỏi phải có sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Ngoài ra, việc các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cùng đàm phán và đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Cuộc chiến chống IS vẫn còn cam go

 

 Lực lượng IS có thể lọt vào châu Âu bằng cách lẻn vảo đoàn người di cư với những phôi hộ chiếu trắng. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20-12-2015, phát biểu với báo Đức Thế giới Chủ nhật, Giám đốc Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex), ông Fabrice Leggeri cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chiếm nhiều cơ quan công quyền ở các thành phố của Syria, Iraq và Libya, và chúng đã có được hàng chục nghìn cuốn hộ chiếu thật cũng như máy móc để in ấn giấy tờ thông hành. Do đó, chúng có thể trà trộn vào dòng người tị nạn đổ vào châu Âu. Ngoài ra, chúng có thể mang những cuốn hộ chiếu lấy được bán ở thị trường chợ đen với giá từ 1.000 đến 1.500 USD/cuốn.

Trước đó, ngày 19-12, trong cuộc họp báo cuối cùng của năm 2015 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thừa nhận những khó khăn trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq nói riêng, song khẳng định rằng Mỹ có thể đánh bại lực lượng này. Tổng thống B. Obama từ Nhà Trắng cho biết năm qua, liên quân do Mỹ đứng đầu đã đạt được những bước tiến vững chắc trong cuộc chiến chống IS và bày tỏ tin tưởng lực lượng này sẽ bị xóa sổ. Tổng thống B. Obama cho rằng cuộc chiến tại Syria đã tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho IS phát triển và cuộc chiến đó không thể chấm dứt trừ phi Syria có một chính phủ hợp pháp được đa số người dân quốc gia Trung Đông này công nhận. Người lãnh đạo Nhà Trắng cũng bác bỏ ý tưởng của Nga và Iran về việc Washington hợp tác với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad để chống IS vì cho rằng điều đó sẽ khiến nước Mỹ “càng dễ trở thành mục tiêu của các hành động khủng bố hơn”.

MERCOSUR chủ trương thúc đẩy hội nhập thương mại và dịch vụ khu vực

Ngày 20-12-2015, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) diễn ra tại Thủ đô Asuncion của Paraguay, các nước thành viên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ và hàng hóa. Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Paraguay Eladio Loizaga khẳng định cần phải quay lại với tiêu chí ra đời của MERCOSUR cách đây 24 năm, đó là tự do thương mại và dịch vụ nội khối. Ông cho biết các bộ trưởng của 5 nước thành viên gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay và Bolivia đã thảo luận đề xuất của Brasilia liên quan tới những giải pháp kinh tế dỡ bỏ hàng rào thuế quan và những cản trở trong việc thành lập một khu vực tự do thương mại.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng xem xét việc thành lập một cơ quan giải quyết những bất đồng trong khối nhằm tăng cường tính thể chế của MERCOSUR cũng như những vấn đề trong đàm phán về một hiệp định tự do tương mại giữa MERCOSUR và Liên minh châu Âu (EU). Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng tăng cường hợp tác với Liên minh Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định kết quả các cuộc bầu cử mới đây tại Argentina và Venezuela cho thấy nền dân chủ tại khu vực vẫn tiếp tục được củng cố. MERCOSUR là khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là một trong những khu vực sản xuất hàng đầu về lương thực, nguyên liệu và năng lượng. Đây cũng là một thị trường đầy tiềm năng với gần 300 triệu người tiêu dùng. Theo thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối ở mức hơn 3.300 tỷ USD, chiếm 83% tổng GDP của Nam Mỹ, với trao đổi thương mại nội khối hàng năm đạt gần 62 tỷ USD. Từ khi ra đời tới nay, trao đổi thương mại giữa các nước thành viên tăng tới 12 lần./.