TCCSĐT - Sáng 14-12-2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo “Tư vấn phát triển mô hình đào tạo tình nguyện viên y tế và y sĩ đối với việc ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu các nước ASEAN”. Tham dự Hội thảo có đại diện ngành Y học cổ truyền các nước thành viên ASEAN và đại biểu một số trường đại học, cao đẳng y, dược Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế Việt Nam nhận định: Vai trò của y học cổ truyền luôn có tầm quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nên ngày nay lĩnh vực này được nhiều người dân ở các nước châu Á và trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, nỗ lực để đưa y học cổ truyền vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia ASEAN thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức. Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo này, chính là nhằm tiến tới thống nhất hoàn thiện dự thảo mô hình đào tạo, triển khai áp dụng đưa y học cổ truyền vào hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm với xã hội, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc trong khu vực. Và, đây còn là hoạt động triển khai kế hoạch y học cổ truyền giai đoạn 2011 - 2015 của các nước ASEAN, một trong những hoạt động thuộc lĩnh vực y học cổ truyền những tháng cuối của tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN ngày 31-12-2015.

Tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Phương Dung, Trưởng Khoa Y học cổ truyền thuộc Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về mô hình đào tạo y học cổ truyền của Việt Nam. PGS, TS. Nguyễn Phương Dung nhấn mạnh, y học cổ truyền ở Việt Nam luôn chú trọng đến đào tạo nên những y, bác sĩ có y đức, có kiến thức cơ bản và kỹ năng nghề nghiệp về y học cổ truyền và y học hiện đại; đội ngũ này có khả năng kế thừa và phát triển y học cổ truyền, bên cạnh đó còn chú trọng, kết hợp hài hoà hai nền y học này với nhau trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Bên cạnh đó, việc phát triển tình nguyện viên đối với lĩnh vực này đang được quan tâm đúng mức.

Chia sẻ về chương trình đào tạo y sĩ và tình nguyện viên y tế nói chung ở đất nước mình, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền Vương quốc Campuchia cho biết: Trong bối cảnh chưa thành lập được viện y học cổ truyền, nhưng thời gian qua để làm tốt lĩnh vực này, Bộ Y tế Campuchia rất chú trọng đến việc phát triển tình nguyện viên y tế từ các thôn bản, theo đó vai trò của các tình nguyện viên y tế này sẽ được tham gia vào các chương trình mà Bộ Y tế phát động, nhất là việc khuyến khích cộng đồng tích cực thực hiện các chủ trương về công tác phòng, chống dịch.

Chia sẻ cùng với các đồng nghiệp tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục dược phẩm và thực phẩm của Bộ Y tế Lào cho rằng: Hội thảo này là cơ hội để chúng ta học tập lẫn nhau nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Đối với việc xây dựng mô hình đào tạo trong ngành y học cổ truyền, Lào đang cố gắng thiết lập một hệ thống để đào tạo ứng dụng trong tương lai, để làm sao đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại diện Viện Y học cổ truyền Malaysia chia sẻ, là đất nước đa sắc tộc, nên trong giáo dục, đào tạo ở Malaysia luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhất là về nguồn nhân lực. Bởi vậy, để có những nhân lực làm công tác y học cổ truyền ở địa phương, ngành y tế Malaysia rất quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng và xác nhận trình độ, đạo đức của người được đào tạo.

Cùng với việc tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ mô hình đào tạo tình nguyện viên y tế và y sĩ ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của đất nước mình, các đại biểu có chung một nhận định là:

Đối với tình nguyện viên thực hiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền, nhất thiết phải được lựa chọn từ các địa phương của các nước, được hỗ trợ đào tạo với chương trình phù hợp, quản lý, giám sát thường xuyên và liên tục của các cơ quan quản lý y tế địa phương đó. Nhiệm vụ của tình nguyện viên được nêu rõ là, giúp cộng đồng, đặc biệt là người nghèo trong phòng chống một số bệnh thường gặp bằng y học cổ truyền; hướng dẫn người dân địa phương sử dụng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, khí công, dưỡng sinh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu; sử dụng các loại dược liệu có sẵn tại địa phương để xử trí một số bệnh thông thường ở tuyến xã, phường hay thôn, bản. Đội ngũ tình nguyện viên này phải được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp cơ bản để làm nhiệm vụ hỗ trợ quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân chủ yếu bằng các loại dược liệu tự nhiên; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật; có tinh thần trách nhiệm trước sức khỏe và tính mạng con người.

Còn đối với mô hình đào tạo y sỹ ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng được các đại biểu nêu bật với những nhiệm vụ cụ thể là: Trợ giúp bác sỹ phổ cập kiến thức đơn giản về y học cổ truyền để bảo vệ sức khỏe nhân dân; ứng dụng được một số kiến thức cơ bản của y học cổ truyền trong phòng, chống một số dịch bệnh lưu hành tại địa phương; sử dụng y học cổ truyền để giải quyết tốt một số bệnh thường gặp.

Chia sẻ bên lề Hội thảo, PGS, TS. Phạm Vũ Khánh cho biết thêm, với sự hợp tác của các nước ASEAN trong lĩnh vực y học cổ truyền, các nước cùng nhau xây dựng kế hoạch hợp tác y học cổ truyền 2011 - 2015, trong đó Việt Nam được phân công xây dựng “mô hình đào tạo tình nguyện viên y tế thôn bản và y sỹ ứng dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe ban đầu” các nước ASEAN. Chính vì vậy, sau Hội thảo này Việt Nam sẽ gửi bản dự thảo về mô hình này cho một số nước không tham dự Hội thảo để tiếp tục đóng góp ý kiến bổ sung, hoàn chỉnh trước ngày 30-02-2016 và sửa đổi dự thảo mô hình này lại lần thứ 2, rồi gửi lại cho 10 nước. Khi nhận được sự đồng thuận của 10 nước, dự thảo sẽ được đệ trình lên Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế của ASEAN (SOMHD) để thông qua.

Theo chương trình, Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 14-12 đến hết ngày 16-12-2015. Trong đó, các đại biểu sẽ đi thực địa tại các điểm: Trạm Y tế xã Bầu Cạn, Thiền viện Linh Chiếu thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Khoa Y học cổ truyền thuộc Trường Đại học y, dược Thành phố Hồ Chí Minh./.