TCCSĐT- Ngày 10-12-2015, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị “Tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ”. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không đã hoàn thành trên địa bàn là 58.778 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng yếu đã được đưa vào sử dụng như: cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến đường Nam sông Hậu, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc,... Các công trình này, cùng với hơn 44.000 km đường và 19.877 cầu giao thông nông thôn do chính quyền và nhân dân các địa phương chung sức xây dựng (tổng vốn đầu tư gần 24.380 tỷ đồng) đã phá thế ngăn sông cách trở giữa các tỉnh, thành trong vùng với nhau, với thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương trong nước và thế giới; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên, qua ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị, việc phát triển hệ thống giao thông vận tải ở vùng Tây Nam Bộ cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là, do địa bàn có nhiều sông ngòi, địa chất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông rất lớn, trong khi đó nhiều địa phương thiếu khả năng tài chính để thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông vận tải; việc xã hội hóa đầu tư giao thông vận tải còn nhiều khó khăn do những vướng mắc vế thể chế, chính sách; nhiều dự án bị đình trệ, kéo dài do nguồn vốn đầu tư lớn, khả năng hoàn vốn rất thấp và kéo dài nhưng không bố trí được nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng trung và dài hạn,... Những hạn chế trong đầu tư phát triển giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho vùng Tây Nam Bộ giảm sức thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh, giảm khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp; ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số;…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khẳng định: Những kết quả đạt được trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nam Bộ thời gian qua đã tạo ra tiền đề quan trọng để phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ tăng cường phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải với tầm nhìn xa hơn, rộng hơn để đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, nhằm tạo điều kiện phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của vùng. Trong đó, cần quan tâm đến yếu tố tác động nhanh của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chú trọng xây dựng những trục giao thông chính có khả năng tạo điều kiện kết nối nội vùng, liên vùng.

- Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tăng cường phối hợp để sớm hoàn thành các dự án đang thực hiện dở dang. Việc đầu tư phát triển giao thông vận tải phải được xem xét hài hòa giữa các lĩnh vực: giao thông bộ, giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đặc biệt phải chú trọng khai thác phát triển giao thông vận tải thủy, một tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng.

- Chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đều tư phát triển hạ tầng giao thông, tránh lãng phí. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng đề các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân mạnh dạn tham gia đầu tư phát triển hệ thống giao thông trong vùng.

- Quan tâm đầu tư hệ thống đường dân sinh và cầu giao thông ở nông thôn. Đồng thời ở những nơi đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông

Tại hội nghị, Bộ Giao thông vận tải đã công bố Kế hoạch đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngoài việc hoàn thành các dự án đang triển khai, Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ huy động khoảng 86.319 tỷ đồng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn ngân sách nhà nước, vốn từ các thành phần kinh tế thông qua nhiều hình thức đầu tư để triển khai nhiều dự án mới trong vùng. Trong đó, lĩnh vực đường bộ sẽ triển khai 33 dự án với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 65.297 tỷ đồng; lĩnh vực đường thủy nội địa: 05 dự án (2.314 tỷ đồng); lĩnh vực hàng hải: 08 dự án (6.503 tỷ đồng); hàng không: nâng cấp Cảng hàng không Phú Quốc, xây dựng sân bay An Giang, thay mới trạm ra - đa sân bay Cà Mau (5.805 tỷ đồng); triển khai dự án đầu tư logistics đồng bằng sông Cửu Long (300 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ)./.