Sáng 20-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân ; thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân . Luật gồm 10 chương, 91 điều, quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; hội đồng nhân dân , thường trực hội đồng nhân dân, các ban của hội đồng nhân dân, tổ đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Theo quy định của Luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giám sát của chủ thể giám sát; cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, chủ thể giám sát đó không thuộc diện được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội đồng nhân dân; thực hiện kết luận, kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thường trực hội đồng nhân dân, ban của hội đồng nhân dân, tổ đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu hội đồng nhân dân.

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân. Theo đó, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của chủ thể giám sát với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc gửi nội dung, kế hoạch giám sát, yêu cầu cung cấp thông tin giám sát; bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia đoàn giám sát của tổ chức, cá nhân là thành viên Đoàn giám sát; bổ sung quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và việc chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về kết luận giám sát của mình.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại các điều 16, 27, 41... của dự thảo Luật đã quy định về trách nhiệm, thời hạn của chủ thể giám sát phải thông báo trước kế hoạch, nội dung giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Điều 88 quy định trách nhiệm tham gia đoàn giám sát đối với thành viên của Đoàn giám sát; khoản 3 Điều 89 quy định trách nhiệm “thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát” của các chủ thể giám sát. Điều 9 quy định việc chịu trách nhiệm của chủ thể giám sát không chỉ với kết luận giám sát mà còn về quyết định, yêu cầu, kiến nghị, nghị quyết giám sát của mình. Do đó, đề nghị Quốc hội không bổ sung các nội dung này vào Điều 6 để tránh trùng lặp.

Đối với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo Luật lần này đã bổ sung một số quy định mang tính ổn định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 như đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Về thời điểm, mức tín nhiệm là những vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để quy định phù hợp hơn, nên trước mắt tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để quy định vào Luật; đồng thời, để tránh trùng lặp trong các quy định giữa hai văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát Nghị quyết số 85/2014/QH13 và trình Quốc hội sửa đổi cho phù hợp.

Cần tiếp tục thực hiện chế định thừa phát lại

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại.

Qua thảo luận, đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Kết quả triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm thừa phát lại được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Kết quả hoạt động của các Văn phòng thừa phát lại đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Về tống đạt văn bản, tại các địa bàn trọng điểm có số lượng án lớn, việc cung cấp dịch vụ này đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, tạo điều kiện để cơ quan này tập trung nhân lực cho nhiệm vụ chính. Về lập vi bằng, dịch vụ này đã đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều của người dân trong đời sống dân sự, giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Điều này cũng phù hợp với chủ trương sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng mở rộng quyền thu thập chứng cứ của đương sự và mở rộng nguồn chứng cứ. Về xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng cũng đã thể hiện những ưu điểm nhất định như tiện lợi cho người dân lựa chọn cơ quan thi hành án của Nhà nước hoặc thừa phát lại; hạn chế bớt căng thẳng giữa các bên đương sự trong quá trình thi hành án, giúp tinh giản biên chế, kinh phí từ ngân sách nhà nước theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Kiến nghị cần tiếp tục thực hiện chế định thừa phát lại, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị các bộ, ngành Trung ương có liên quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo hệ thống ngành dọc chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ thuộc ngành mình, góp phần thực hiện thành công chế định; đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61 và Nghị định số 135 theo hướng quy định cụ thể hơn về người yêu cầu lập vi bằng, phạm vi thẩm quyền lập vi bằng; khi đăng ký vi bằng phải có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh về sự kiện hành vi mà thừa phát lại lập vi bằng.

Đại biểu đề nghị sớm xem xét, thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định cụ thể của pháp luật để thực hiện chính thức chế định thừa phát lại trong cả nước thời gian tới; bổ sung chế định thừa phát lại vào các văn bản pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nhân sự tham gia hoạt động này.

Về phạm vi hành nghề của thừa phát lại, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến khác tán thành với việc cho phép thừa phát lại được tống đạt văn bản tố tụng của tòa án, văn bản về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án, người phải thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; đề nghị thừa phát lại không tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của người được thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về hoạt động thi hành án của thừa phát lại (Điều 4, Điều 5 dự thảo Nghị quyết). Khoản 2 Điều 4 và Khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định thừa phát lại có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định, kể cả trường hợp cần huy động lực lượng hỗ trợ.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Văn Độ (An Giang), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và nhiều ý kiến khác không tán thành với việc giao cho thừa phát lại có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế và bảo đảm cưỡng chế theo quy định. Các ý kiến cho rằng, cưỡng chế là quyền lực đặc biệt, chỉ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Việc quy định thẩm quyền này của thừa phát lại không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.

Thảo luận về hình thức, nội dung của Nghị quyết, Chính phủ đề nghị, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện chế định thừa phát lại được soạn thảo dưới hình thức là nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, bao gồm chín điều quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước về thừa phát lại, trong đó các điều cơ bản được nâng từ quy định hiện hành của Chính phủ. Tuy nhiên qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành với đề xuất này.

Các ý kiến đánh giá hình thức nghị quyết của Quốc hội có chứa quy phạm pháp luật chỉ nên áp dụng đối với thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng chưa có luật điều chỉnh, cần được kiểm nghiệm trong thực tế.

Việc thí điểm thừa phát lại đã hết thời hạn, do đó nếu ban hành Nghị quyết như dự thảo của Chính phủ trình là không phù hợp; đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho chấm dứt thí điểm, công nhận kết quả thí điểm và tính pháp lý của các tổ chức thừa phát lại đã thành lập, xác định rõ các tổ chức thừa phát lại tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành của Chính phủ từ ngày 1-1-2016 cho đến khi Quốc hội ban hành Luật thừa phát lại; đồng thời, giao Chính phủ chuẩn bị dự án Luật thừa phát lại để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa tới.

Cuối phiên họp buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhiều ý kiến tán thành việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là quan trọng và cần thiết, có lợi cho doanh nghiệp và cho đất nước nói chung. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giải trình thêm về tác động, lợi ích của Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại WTO (Hiệp định TF) đối với Việt Nam và đề nghị giải trình rõ tác động tới Việt Nam nếu như chậm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi./.