Việt Nam tích cực đề xuất tăng hợp tác ASEAN với các đối tác
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ được diễn ra từ ngày 21 đến 22-11 tới, tại Kuala Lumpur của Malaysia
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến Hội nghị.
- Từ ngày 21 đến 22-11 tới, tại Kuala Lumpur, Malaysia, sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung và các vấn đề chính sẽ được đưa ra trao đổi và thỏa thuận lần này?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Trong các ngày 21 đến 22-11 tới, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác bao gồm Cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-New Zealand và Cấp cao ASEAN+1 với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên hợp quốc, Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra vào thời điểm rất quan trọng với việc ASEAN đang tích cực hoàn tất những công việc cuối cùng cho việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ được chính thức ra đời vào ngày 31-12 tới và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong khi đó, môi trường quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, mở ra cho ASEAN nhiều cơ hội phát triển mới cũng như nảy sinh không ít thách thức.
Tình hình đang có tác động sâu sắc về các mặt cả thuận lợi và phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề lớn cho Lãnh đạo các nước ASEAN bàn thảo và cùng trao đổi với các nước đối tác lớn ngoài khu vực.
Theo đó, dự kiến tại Hội nghị cấp cao ASEAN 27 tới đây, các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung đánh giá về kết quả triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, quyết định về phương hướng thúc đẩy liên kết ASEAN lên tầng nấc cao hơn trong thập kỷ tới, củng cố đoàn kết, thống nhất và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, tăng cường năng lực của ASEAN ứng phó hữu hiệu với các yêu cầu và thách thức đang và sẽ đặt ra trong thời gian tới.
Theo thông lệ, các nhà Lãnh đạo ASEAN cũng sẽ có những cuộc trao đổi sâu rộng về tình hình quốc tế và khu vực, nhất là những diễn biến mới liên quan đến hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác, các nhà Lãnh đạo sẽ kiểm điểm và đề ra biện pháp tiếp tục tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác thông qua các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á nhằm củng cố và mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ tối đa sự quan tâm và ủng hộ của các nước đối tác trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn sau 2015 cũng như cam kết đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
- Vậy trong bối cảnh trên, xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao 27 này?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 diễn ra ngay trước thềm hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ có ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển và trưởng thành của ASEAN được tất cả người dân ASEAN và thế giới quan tâm theo dõi. Trong số nhiều văn kiện các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua lần này, sẽ có hai văn kiện mang tính lịch sử được ký kết, đó là “Tuyên bố về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015” và “Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: Cùng Vững vàng Tiến bước”.
Với việc ký Tuyên bố Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, các nhà Lãnh đạo chính thức “khai sinh” Cộng đồng ASEAN. Đây là thành tựu lớn được vun đắp từ quá trình không ngừng nỗ lực và phấn đấu của ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Từ một Hiệp hội hợp tác lỏng lẻo, một thực thể chưa có tiếng nói trọng lượng ở Đông Nam Á, ASEAN đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một Cộng đồng đoàn kết, liên kết sâu rộng, đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và tổ chức khu vực khác.
Ngay sau Tuyên bố Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, các Lãnh đạo ASEAN sẽ đồng thời ký Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, khẳng định quyết tâm và cam kết tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết của ASEAN trong 10 năm tới.
Cùng với Tuyên bố này, các nhà Lãnh đạo sẽ thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cùng các Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Đây là các văn kiện chủ đạo, xác lập cơ sở, khuôn khổ và định hướng cho liên kết của ASEAN trong thập kỷ tới.
Việc các Lãnh đạo ASEAN ký hai Tuyên bố này nói lên ý nghĩa kế thừa và tiếp nối của tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, một quá trình liên tục, tiếp diễn và lâu dài. Thành công hôm nay sẽ là nền tảng cho ngày mai. Cộng đồng ASEAN 2015 là kết quả được tích lũy sau gần nửa thế kỷ hợp tác và phát triển, và đồng thời cũng là một sự khởi đầu, tạo xung lực mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN.
Ngoài ra, theo sắp xếp chương trình của nước Chủ tịch Malaysia, lễ ký kết hai văn kiện trên sẽ diễn ra với sự chứng kiến của Lãnh đạo các nước Đối thoại của ASEAN và Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Xét về ý nghĩa, lễ ký kết cũng chính là lời công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, khẳng định vị thế mới của Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng quốc tế, đồng thời biểu thị cho cam kết ASEAN sẽ nỗ lực củng cố vững mạnh Cộng đồng ASEAN vì mục tiêu chung hòa bình, ổn định và phát triển.
- Xin Thứ trưởng cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam cũng như những mong đợi về kết quả của các Hội nghị Cấp cao lần này?
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Năm 2015 chứng kiến bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của ASEAN với việc Cộng đồng ASEAN ra đời và cũng trùng khớp với dấu mốc 20 năm Việt Nam gia nhập và gắn bó với ASEAN.
20 năm tham gia hợp tác ASEAN, đóng góp của chúng ta đã làm tăng thêm sức mạnh chung của Hiệp hội. Với tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của các Hội nghị Cấp cao lần này, Việt Nam sẽ tích cực tham gia và đóng góp hết mình vì thành công chung của các Hội nghị.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, chúng ta sẽ cùng các nước đánh giá quá trình triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009 - 2015, rút ra những bài học kinh nghiệm tốt cho việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trong thời gian tới.
Chúng ta sẽ tiếp tục tham gia có trách nhiệm, đóng góp xây dựng nhằm tạo sự đồng thuận cao, đoàn kết và thống nhất nội khối để Cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong những vấn đề chiến lược liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác, chúng ta sẽ tích cực đề xuất các biện pháp để tăng cường hợp tác ASEAN với các đối tác, nhất là trong những lĩnh vực ưu tiên cùng quan tâm, qua đó góp phần khẳng định vai trò chủ động và dẫn dắt của ASEAN trong quan hệ với các đối tác.
Thành công của các Hội nghị lần này có ý nghĩa to lớn với tất cả các nước thành viên ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thể hiện sự trưởng thành của ASEAN, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN trên toàn cầu, tạo động lực quan trọng đưa để ASEAN bước vào giai đoạn liên kết cao hơn với một tâm thế mới, quyết tâm và tự tin hơn. Đây là mong đợi chung của các nước, trong đó có Việt Nam chúng ta./.
Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech thăm tỉnh Quảng Nam  (18/11/2015)
Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại Cuba  (18/11/2015)
Chủ tịch nước tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC  (18/11/2015)
Quan hệ Việt Nam-Séc ổn định và ngày càng phát triển  (18/11/2015)
Toàn văn báo cáo giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội  (18/11/2015)
Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm sớm đưa TPP vào thực thi  (18/11/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên