Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ngày 16-11-2015, Quốc hội bắt đầu phiên họp giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn.
Bắt đầu phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn
Diễn ra trong 2,5 ngày, hoạt động chất vấn tại kỳ họp 10 sẽ có sự khác biệt lớn so với các kỳ họp trước, Quốc hội sẽ chất vấn tổng thể việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến 2015.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là phiên họp cuối cùng về hoạt động chất vấn và giám sát hoạt động chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp 10. Kỳ họp sau, Quốc hội sẽ tập trung vào hoạt động tổng kết và một số nội dung khác. Tại phiên họp này, Quốc hội sẽ nghe lại báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và giám sát của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, nội dung chất vấn tại kỳ họp này sẽ rất tổng hợp, toàn diện tình hình của đất nước, trong đó có liên quan tới hoạt động của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Qua chất vấn để đánh giá các yêu cầu của Quốc hội trong hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn đã được tổ chức thực hiện thế nào, đã tốt chưa, qua thực hiện đã thúc đẩy hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thực hiện yêu cầu của cử tri hay chưa; qua thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, xem xét các vấn đề còn tồn tại để tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là những nội dung mang tính tổng kết cho cả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ .
Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Cũng tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri
Việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp trước, Quốc hội khóa XIII đã được các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương thực hiện nghiêm túc, trả lời đầy đủ kiến nghị thuộc thẩm quyền. Đến trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu tiếp thu, giải quyết, trả lời 1.676/1.676 kiến nghị, đạt 100%.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 123/123 kiến nghị, tập trung vào việc hoàn thiện, thông qua 11 luật, 9 nghị quyết và cho ý kiến về 15 dự án luật, nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đổi mới nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tăng cường hoạt động giám sát, tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ về những vấn đề quan trọng nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, trên cơ sở đó đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 42/42 kiến nghị; xem xét, giải quyết 19 kiến nghị; đang giải quyết 13 kiến nghị; sẽ giải quyết 7 kiến nghị và 3 kiến nghị đã giải trình, thông tin đến cử tri.
Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu, trả lời 1.500/1.500 kiến nghị của cử tri. Trong đó Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp thu, giải quyết 418 kiến nghị, chiếm 27,87%.
Tuy nhiên, bên cạnh việc cơ bản giải quyết các nhóm vấn đề, việc giải đáp, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và một số kỳ họp trước của một số bộ, ngành còn chậm. Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết còn chưa đầy đủ, nội dung chưa rõ ràng; chưa xác định rõ giải pháp và lộ trình giải quyết.
Chú trọng công tác “hậu” giám sát
Trong cùng ngày, tại phiên họp giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Báo cáo nêu rõ, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tính đến giữa năm 2015, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao thông qua xem xét báo cáo chuyên đề và tổ chức hoạt động chất vấn tại 8 kỳ họp; ban hành 8 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 8 nghị quyết về chất vấn. Để đánh giá rõ hơn, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn; thực hiện Nghị quyết số 74/2014/QH13, ngày 24-6-2014 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao nội dung: Xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến năm 2015.
Cử tri đánh giá cao việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
Theo dõi qua truyền hình trực tiếp, đa số cử tri Hà Nội phản ánh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này diễn ra với nhiều đổi mới. Cụ thể, tại kỳ họp này không có danh sách bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn như các kỳ họp trước. Đây là phiên chất vấn ở kỳ họp cuối nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào hay lãnh đạo cao nhất của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Nhìn chung, cử tri đánh giá: Một là, chất vấn thẳng thắn nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Thạc sỹ Luật học Nguyễn Phương Thảo (Ban Nội chính Trung ương) nêu ý kiến: Tại phiên chất vấn lần này, các đại biểu đã chất vấn thẳng thắn nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, như đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; những hạn chế, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới... Người được chất vấn cũng đã trả lời thẳng vào vấn đề, từ đó các nội dung được đưa vào chương trình nghị sự để Quốc hội cùng thảo luận, tìm giải pháp, giải quyết tốt nhất những vấn đề đặt ra.
Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, tạo chuyển biến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý, đời sống xã hội, nhất là cuộc sống của những đối tượng khó khăn được chăm lo và từng bước được nâng lên. An ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Nhiều vụ trọng án được phá nhanh chóng, để nhân dân ổn định đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Vân (Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam), các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, khắc phục những nội dung còn hạn chế, yếu kém.
Hai là, cần xác định rõ trách nhiệm. Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng ngày 16-11, nhiều cử tri tỉnh Kon Tum bày tỏ đồng tình, ủng hộ việc đổi mới theo hướng công khai, dân chủ trong sinh hoạt nghị trường hiện nay. Cử tri Trần Hồng Thái, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum cho biết: Lời phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rõ sẽ chất vấn tất cả, không giới hạn cả về đối tượng và nội dung chất vấn.
Theo dõi báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cử tri Trần Hồng Thái rất tán thành với báo cáo đã nêu cụ thể tất cả vấn đề nóng bỏng của quốc gia. Tuy nhiên, theo cử tri Hồng Thái, Chính phủ cũng cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, không phải trách nhiệm tập thể.
Ba là, thông tin đã đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Theo ông Nguyễn Văn Liễn, Giám đốc doanh nghiệp H.N ở Nghi Lộc, (Nghệ An) cho biết, cử tri rất vui mừng được biết hầu hết các thành viên Chính phủ đều có mặt và làm rõ các chất vấn của các đại biểu Quốc hội xung quanh việc thực hiện “lời hứa” của mình từ đầu nhiệm kỳ.
Bà Hoàng Thị Lan, nông dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, cho biết: Cử tri là nông dân ở nông thôn được xem truyền hình trực tiếp về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thấy được bầu không khí cởi mở, dân chủ, thẳng thắn ở Quốc hội, đây là điều đáng mừng vì thông tin đã đến được với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có cả nông dân.
Cử tri tin tưởng các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn những nội dung được dư luận quan tâm và được các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trả lời một cách thấu đáo, có trách nhiệm, đi đến tận cùng của vấn đề để tìm được các giải pháp sát đúng, giải quyết một cách hợp lý và hiệu quả nhất từng vấn đề liên quan đến quyền lợi của cử tri./.
Đồng chí Tô Huy Rứa tiếp Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt Tsutomo Takebe  (16/11/2015)
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Philippines  (16/11/2015)
AIPA thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết vì nhân dân  (16/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên