AIPA thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết vì nhân dân
Thông qua vai trò cầu nối, các nghị sỹ AIPA giúp người dân hiểu rõ hơn về các phương hướng, biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, huy động sự hỗ trợ, đóng góp của nhân dân ASEAN vào tiến trình đó.
Các vấn đề an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội có tác động tới người dân nói riêng và tới Cộng đồng ASEAN nói chung, được chuyển tải tới lãnh đạo chính phủ, nhà nước các quốc gia thành viên.
Giải quyết các vấn đề xã hội
AIPA thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm và giải quyết các vấn đề xã hội thông qua cơ chế trao đổi chuyên sâu và các cuộc họp của Ủy ban chuyên đề về các vấn đề xã hội, trong đó có hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế, nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN, bảo vệ quyền trẻ em, môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, lao động, nhập cư, xóa đói, giảm nghèo và vấn đề ma túy. AIPA cho rằng, để đạt được một trong những mục tiêu của ASEAN vì thịnh vượng, cần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm thúc đẩy công bằng xã hội và cải thiện điều kiện sống trong khu vực.
AIPA góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa các thành viên trong thực hiện các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em, phòng chống nạn buôn bán trái phép và sử dụng ma túy, ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng của các bệnh dịch, đấu tranh phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai, phòng chống tham nhũng và tăng cường môi trường an ninh khu vực.
Thúc đẩy việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN ở mọi cấp độ phát triển, AIPA đã thành lập một thiết chế, đó là Hội nghị nữ nghị sỹ với chương trình nghị sự và chương trình họp trong khuôn khổ của mỗi kỳ Đại hội đồng. Điều này tạo cơ hội cho các nữ nghị sỹ được tham gia vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA.
AIPA cũng cho rằng, trẻ em cần được đặc biệt bảo vệ và kêu gọi tiếp tục cải thiện tình trạng của trẻ em trên toàn thế giới; thúc giục các nước ASEAN hợp tác với nhau và với các thiết chế khác trong việc thực thi các chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền trẻ em. AIPA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác nội khối ASEAN nâng cao năng lực quản lý của các nước trong khu vực.
Nỗ lực của AIPA trong lĩnh vực văn hóa là đề nghị Ủy ban văn hóa và thông tin của ASEAN tăng cường và tổ chức các cuộc họp và hội thảo chuyên đề tại từng nước thành viên về các giá trị văn hóa gắn bó với người dân, nhằm tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa nhân dân ASEAN; đồng thời, hợp tác giáo dục, tuân thủ Hiến chương về mạng lưới đại học ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.
Hướng tới người dân, vì người dân
Với vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân ASEAN, thông qua các cơ chế đối thoại, AIPA có thể truyền tải những mong muốn, nguyện vọng, kiến nghị của người dân ASEAN tới các cơ quan chức năng của ASEAN, qua đó, hướng hợp tác ASEAN phục vụ người dân được tốt hơn, đáp ứng mục tiêu của Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
Phát huy vai trò giám sát quốc gia của nghị viện các nước thành viên ASEAN, AIPA có thể giám sát việc tuân thủ, thực hiện các thỏa thuận chung của ASEAN ở quốc gia mình, từ cấp Trung ương tới cấp bộ, ngành, địa phương. AIPA có thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chuẩn mực, giá trị chung mà ASEAN đặt ra, như chuẩn mực về chính trị, thực hiện các quyền dân chủ, bảo đảm minh bạch đến các tiêu chuẩn về kinh tế, chuẩn mực về văn hóa - xã hội...
Đại diện cho nhân dân ASEAN, thực hiện chức năng đối ngoại nghị viện với các nước đối tác bên ngoài ASEAN, AIPA có thế mạnh trong việc phát huy vai trò đối thoại nghị viện, giúp ASEAN vươn đến các đối tác qua kênh đối thoại đặc biệt này. Thông qua các cơ quan nghị viện, AIPA thúc đẩy ngoại giao nhân dân và đem tiếng nói của người dân ASEAN ra bên ngoài. Có thể nói, AIPA là một công cụ ngoại giao bổ trợ rất hữu dụng cho kênh ngoại giao chính thức.
Bên cạnh đó, với chức năng xây dựng pháp luật, AIPA có thể nâng cao vai trò xây dựng môi trường thể chế và pháp lý đầy đủ hơn, bảo đảm thực thi các mục tiêu của ASEAN. AIPA tăng cường hợp tác trong các thủ tục ngân sách, đồng thời giám sát việc sử dụng nguồn ngân sách bảo đảm với các mục tiêu đề ra, đề xuất các sáng kiến chính sách cho tổ chức liên chính phủ ASEAN...
AIPA còn nỗ lực tạo dựng mặt trận thống nhất hơn đối phó với các thách thức trong môi trường khu vực hiện nay có tác động trực tiếp đến người dân như bệnh tật lây nhiễm, ô nhiễm môi trường... Thông qua các hoạt động này, nhân dân ASEAN vừa nâng cao nhận thức về tổ chức ASEAN và về Cộng động ASEAN, vừa dần tạo dựng được tinh thần khu vực và bản sắc riêng của ASEAN, là cơ sở lâu dài cho sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Ngô Đức Mạnh, là cơ quan đại diện cho nhân dân các nước trong khu vực, AIPA có vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trên thực tế, AIPA đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, tạo lập môi trường hòa bình cho sự hợp tác, phát triển về mọi mặt giữa các nước trong khu vực; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, hỗ trợ tích cực chính phủ các nước trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác liên quốc gia; khuyến khích giữ gìn bản sắc dân tộc; hỗ trợ tăng cường năng lực hoạt động của nghị viện các nước thành viên và mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước.
“Với mục tiêu hướng tới người dân, vì người dân, nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN không chỉ là trách nhiệm của các chính phủ mà còn đòi hỏi sự tham gia và hợp tác rộng rãi của các loại hình tổ chức và cá nhân trong xã hội, trong đó có Quốc hội các nước nói riêng và AIPA nói chung”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, AIPA tiếp tục phát huy vai trò của mình thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát các chính phủ thành viên ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2015; khuyến nghị các chính phủ hoạch định các chính sách quốc gia tính đến tính toàn diện, sự tham gia của mọi thành phần và yếu tố phát triển bền vững. Chỉ như vậy mới có thể đóng góp một cách thiết thực vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết vì người dân, lấy người dân làm trung tâm./.
Phát triển kinh tế tập thể, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững  (16/11/2015)
Phát triển kinh tế tập thể, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững  (16/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên