Khắc phục ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu trong xây dựng con người Việt Nam mới hiện nay
Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”(1). Tư tưởng lạc hậu được sản sinh ra trong xã hội cũ còn tồn tại trong xã hội mới, đồng thời là những tư tưởng phản tiến bộ nảy sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới.
Biểu hiện ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu tồn tại cả ở cấp độ “quan điểm” và ở cấp độ “cách nghĩ”. Ở cấp độ “quan điểm”, sự lạc hậu của tư tưởng tư sản đang gây tác động đến một bộ phận cán bộ, nhân dân. Đã xuất hiện tư tưởng sính ngoại, ca ngợi một chiều, tuyệt đối hóa tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản, bàng quan chính trị, phủ nhận giá trị tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa, mất niềm tin vào tương lai,… dẫn tới trụy lạc trong lối sống, bạc nhược về tư tưởng, vun vén lợi ích cá nhân và những biểu hiện tự diễn biến tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống khác trong cán bộ, đảng viên, thanh niên,... Sự lạc hậu thể hiện rõ trong cách nghĩ, cách ứng xử, trong tập quán xã hội. Những lối suy nghĩ, những tập quán cũ còn chi phối nhiều đến cuộc sống nhân dân, nhất là ở những làng quê, như tư tưởng trọng nam khinh nữ, tư tưởng dòng họ, sự lãng phí trong sinh hoạt, thái độ tùy tiện trong lao động sản xuất; lối sống phép vua thua lệ làng, lối nghĩ duy cảm; tư duy tiểu nông; thành kiến nho giáo; bệnh thành tích, ham phô trương, tư tưởng thực dụng, tâm lý “đám đông”,… đang tác động lớn đối với sự phát triển xã hội.
Nguyên nhân của tư tưởng lạc hậu từ đặc điểm của một xã hội đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, còn tồn tại nhiều loại hình kinh tế, nhiều mô thức văn hóa tinh thần và tư tưởng. Như V.I. Lê-nin đã từng chỉ rõ: “Hai chế độ khác nhau như thế…, mà kết hợp với nhau thì tất nhiên là trong thực tế, sẽ nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn và nhiều xung đột sâu sắc nhất và phức tạp nhất”(2) .
Tư tưởng lạc hậu có nguyên nhân từ bản thân tồn tại xã hội hiện thời. Việc chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận tư bản đầu tư vào nước ta; việc mở cửa, giao lưu, hội nhập hiện nay là tất yếu, là mảnh đất hiện thực để lối sống, văn hóa, tư duy, hệ tư tưởng tư sản thâm nhập, ảnh hưởng vào con người Việt Nam. Tư tưởng tư sản nếu phát triển tự phát sẽ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong chính nếp nghĩ của mỗi con người. Cho nên, đấu tranh ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý, tư tưởng, văn hóa tư sản được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nước ta hiện nay.
Ảnh hưởng tư tưởng lạc hậu còn có nguyên nhân do một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa chú trọng nâng cao năng lực tư duy, đẩy lùi ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu cho nên trong quyết sách, chủ trương, trong hành động còn chịu ràng buộc bởi những tư tưởng lạc hậu và tự họ trở nên chậm chạp đối với sự phát triển thực tiễn nhiệm vụ.
Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng lạc hậu tới xây dựng con người mới hiện nay là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc, là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Chỉ có sự đoàn kết, chung tay, thống nhất nhận thức và cùng hành động thì mới hoàn thành nhiệm vụ khó khăn phức tạp này.
Một số giải pháp
Về chính trị - tư tưởng: phải làm cho hệ tư tưởng tiên tiến thực sự trở thành nhân tố chi phối đời sống tinh thần xã hội
Hệ tư tưởng tiên tiến chính là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là hệ tư tưởng khoa học, cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mỗi con người. Để khắc phục sự lạc hậu của tư tưởng hiện nay cần làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chi phối nhận thức của toàn xã hội, thành nền tảng cốt lõi trong tư tưởng mỗi con người, qua đó từng bước thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của những tư tưởng lạc hậu.
Muốn vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục của các ngành, các cấp hiện nay phải căn cứ vào trình độ nhận thức, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, lồng ghép trong thực tiễn để mềm hóa, làm cho tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào trong nhân dân, tránh hô hào, khẩu hiệu suông hay bệnh giáo điều sách vở. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đa dạng hóa các hình thức và cấp độ tuyên truyền, nội dung tuyên truyền thiết thực dễ hiểu, dễ nhớ, gắn liền với thực tiễn đời sống của từng đối tượng, bám sát chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình; chú trọng nâng cao nhận thức cho nhân dân về tác hại của tư tưởng lạc hậu, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện và chủ động tránh bị lôi kéo vào những tư tưởng phản động. Các ngành, các cấp phải định hướng tốt dư luận thông qua nhiều kênh khác nhau, như sách báo, tuyên truyền miệng, truyền hình, internet, các hội thi, hội thao, các ngày lễ kỷ niệm, ngày truyền thống ngành,…; phát huy tốt vai trò hạt nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng nhằm không ngừng tuyên truyền nâng cao giác ngộ trong quần chúng; gắn kết việc giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hiện thực hóa giá trị cải tạo con người toàn diện của tư tưởng tiên tiến.
Về giáo dục - đào tạo
Các cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, giáo dục lý luận chính trị ở các cấp học, bậc học; rèn luyện nếp nghĩ, nếp hành động tiến bộ, góp phần xây dựng con người mới. Muốn vậy, cùng với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo hiện nay, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần xác định đúng vị trí tầm quan trọng của giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, giáo dục lý luận chính trị; tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động này ở các cấp học, bậc học. Đối với bậc đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học hiện nay, nội dung chương trình giáo dục lý luận chính trị còn nhiều bất cập, chất lượng dạy và học còn những hạn chế, thậm chí còn bị hình thức hóa, hành chính hóa,… làm giảm hiệu quả của hoạt động này đối với xây dựng con người mới. Do đó, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần tiếp tục có những đột phá cả về nhận thức, cả về tổ chức nội dung chương trình và phương pháp, phương tiện giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, củng cố ý thức hệ và những giá trị tư tưởng tiến bộ nhằm xây dựng con người mới.
Về văn hóa: Xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam, trong đó chú trọng xây dựng và hoàn thiện các nội dung trong hệ giá trị con người Việt Nam mới nhằm khắc phục triệt để những tâm lý, tập tục, lối sinh hoạt không còn phù hợp, bảo vệ, phát huy di sản tinh thần truyền thống tốt đẹp, phát triển các thiết chế và hoạt động văn hóa góp phần xây dựng con người mới, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, văn hóa hóa toàn bộ đời sống thực tiễn, đưa văn hóa lên ngang hàng với kinh tế và chính trị; chú trọng “xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng trong duy trì những nếp sinh hoạt vật chất - tinh thần lành mạnh, hủy bỏ những hủ tục còn đang tồn tại trong cộng đồng. Công tác xây dựng văn hóa hiện nay phải kết hợp hài hòa giữa xây dựng, bồi dưỡng các giá trị truyền thống của con người Việt Nam “với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”(3), gắn với việc đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”(4), trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường,…
Về lĩnh vực kinh tế: tạo ra sự chuyển biến thực sự về phương thức sản xuất mới, xóa bỏ tàn dư phương thức sản xuất cũ nhỏ lẻ, manh mún
Nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, tức là còn cơ sở kinh tế cho sự tồn tại của nhiều tư tưởng khác nhau. Để quá trình không ngừng xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế ấy đồng thời là quá trình thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các tư tưởng lạc hậu thì trước tiên phải tạo ra sự chuyển biến thực sự về phương thức sản xuất mới, xóa bỏ tàn dư phương thức sản xuất cũ nhỏ lẻ, manh mún ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, ở cả nông thôn và thành thị. Cho nên, các chính sách phát triển kinh tế ở các địa phương, như “dồn điền, đổi thửa” trong nông nghiệp; quy hoạch các khu công nghiệp; các định hướng phát triển ngành,… phải hướng tới xóa bỏ lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiến lên sản xuất quy mô tập trung, tính chuyên môn hóa cao, áp dụng ngày càng nhiều các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, gia nhập ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm của Đảng ta về “phát triển hài hòa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”(5). Theo đuổi mục tiêu kinh tế phải tính đến văn hóa, đồng thời văn hóa phải làm gia tăng sự phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững. Theo đó, trong sự phát triển kinh tế từ cấp độ quốc gia đến các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và người dân phải tính đến không những hiệu quả kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực, tác phong làm việc của người lao động; quan tâm giải quyết các vấn đề văn hóa tinh thần, phúc lợi xã hội.
Về pháp luật và quản lý xã hội: chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa, tư tưởng, phát huy vai trò các thiết chế xã hội, như gia đình, thôn xóm, làng xã,... trong xây dựng nếp sống mới
Quản lý nhà nước về văn hóa tư tưởng phải góp phần quyết định trong nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh trong nhân dân; kịp thời ngăn chặn mọi biểu hiện lệch chuẩn văn hóa, đặc biệt trong tổ chức lễ hội, trong sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, trong định hướng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ, trong xóa bỏ những ảnh hưởng của tâm lý, lối sống không còn phù hợp cũng như ngăn chặn sự chống phá tư tưởng của các thế lực phá hoại cách mạng.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò hạt nhân của cán bộ, đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng, chú trọng “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”(6)./.
----------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 51
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, tập 3, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, tr. 232 - 233
(3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 49, 47, 49, 53
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 53
Việt Nam - EU: Thống nhất về Hiệp định Thương mại tự do  (05/08/2015)
Lễ Kỷ niệm 85 ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai  (04/08/2015)
Lễ Kỷ niệm 85 ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai  (04/08/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên