TCCS - Ngày 23-11-1996, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW "Về tăng cường công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Thủ đô Hà Nội, qua mười ba năm tổ chức thực hiện, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, công tác xây dựng Đảng ở những doanh nghiệp thuộc các loại hình này vẫn đòi hỏi phải có những biện pháp triển khai phù hợp và quyết liệt hơn.

Tính đến hết năm 2008, Hà Nội có hơn 70.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký 170.000 tỉ đồng; 51.470 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã nộp thuế với số tiền hơn 4.470 tỉ đồng, chiếm 9,13% ngân sách thành phố. Số doanh nghiệp nộp ngân sách đạt trên 10 tỉ đồng là 127, trong đó, nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100 tỉ đồng/ năm. Các doanh nghiệp này thường sử dụng từ 20 đến 200 lao động, một số doanh nghiệp thu hút đến hàng ngàn người như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Trí (2.000 lao động), Công ty cổ phần Lạc Hồng (1.250 lao động), Công ty Sứ vệ sinh Inax (1.385 lao động)... Theo tính toán, dù chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số tăng trưởng tài sản và tổng số lợi nhuận tăng thêm còn thấp nhưng các doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra 2/3 tổng số việc làm mới.

Những con số trên cho thấy vị trí, vai trò đáng ghi nhận của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với sự tăng trưởng, phát triển của Hà Nội.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng trốn lậu thuế, vi phạm hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định pháp luật đã xảy ra ở một số doanh nghiệp thuộc khối này. Thậm chí, ở một vài nơi người lao động bị đối xử không công bằng, chủ sử dụng lao động vi phạm quyền lợi chính đáng và thiếu tôn trọng nhân phẩm đối với người lao động dẫn đến mâu thuẫn giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Các cuộc đình công, bãi công của người lao động đã diễn ra. Bên cạnh đó, một số công ty liên doanh, nhất là ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gây ô nhiễm môi trường, tạo bức xúc về an sinh xã hội. Trong khi đó, có nhiều đảng viên đang làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn phải sinh hoạt đảng tại nơi cư trú.

Từ thực trạng trên, Đảng bộ Hà Nội đã tích cực triển khai công tác xây dựng Đảng trong khối các doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị.

Những kết quả đạt được

- Về số lượng: Việc phát triển Đảng và xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp này gặp không ít khó khăn. Do quyền chi phối các doanh nghiệp này thuộc về người chủ, ngay cả ở những đơn vị đã cổ phần hóa thì tài sản cũng nằm trong tay một số ít cá nhân nên để hình thành được các tổ chức mang tính đại diện và có mục đích bảo vệ quyền lợi của người lao động là không dễ. Tuy nhiên, tính đến ngày 31-12-2008, Hà Nội đã thành lập được 160 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm có 10 đảng bộ, 109 chi bộ cơ sở trực thuộc các quận, huyện, thị ủy và đảng bộ khối thuộc thành ủy, 41 chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở phường, xã với tổng số 2.098 đảng viên, tăng 6 lần so với năm 1995, thời điểm trước khi có Chỉ thị số 07. Nhìn chung, ở các doanh nghiệp đã thành lập tổ chức đảng thì sản xuất, kinh doanh ổn định, cán bộ, đảng viên làm việc có trách nhiệm, năng suất, chất lượng lao động được tăng lên, đồng nghiệp quan tâm đến nhau, biết giúp đỡ và cảm thông với nhau hơn.

Trước sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh mẽ của khối các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc xây dựng và phát triển tổ chức đảng nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực này là rất cần thiết, bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa có điều kiện phát triển tốt hơn vừa đi đúng định hướng, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Từ năm 1997 đến nay, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp này đã kết nạp được 1.174 người vào Đảng, chiếm 56% tổng số đảng viên hiện nay. Những tổ chức đảng làm tốt công tác phát triển đảng viên là: Đảng bộ Ngân hàng thương mại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam - VPBank (quận Hoàn Kiếm), Chi bộ Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn (quận Đống Đa), Chi bộ Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (quận Hoàn Kiếm), Chi bộ Công ty giày Ngọc Hà (quận Ba Đình), Chi bộ Công ty Phú Mỹ (huyện Chương Mỹ)...

Ngày 4-8-2009, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng mới có quyết định thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Những văn bản này đã mở ra những định hướng quan trọng, tạo những bước tiến mới trong công tác xây dựng Đảng của Hà Nội.

- Về vai trò lãnh đạo công tác tư tưởng, bảo đảm doanh nghiệp phát triển đúng định hướng.

Sau mười ba năm triển khai, Chỉ thị số 07 đã đi vào cuộc sống, tổ chức đảng trong khối các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội đã được quan tâm xây dựng và bước đầu đang phát huy tích cực vai trò đối với đơn vị và người lao động theo quy định của Ban Bí thư. Cụ thể, trong công tác tư tưởng, các cấp ủy đã làm tốt việc tuyên truyền vận động quần chúng phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên người lao động tích cực lao động sản xuất; tuyên truyền làm cho chủ doanh nghiệp hiểu đúng, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ chức đảng đi sâu, đi sát quần chúng, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người lao động, tiêu biểu là Đảng ủy Công ty trách nhiệm hữu hạn CAVICO (quận Ba Đình), Đảng ủy Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thành Nam (quận Đống Đa), Chi ủy Công ty trách nhiệm hữu hạn Đức Thọ (huyện Mỹ Đức)... Các cấp ủy thường xuyên chủ động tham gia phối hợp với Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, chủ doanh nghiệp xây dựng chương trình công tác, kế hoạch sản xuất kinh doanh, góp phần đưa doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trên cơ sở chấp hành đúng pháp luật, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, điển hình là các đơn vị như Ngân hàng thương mại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh - VPBank (quận Hoàn Kiếm), Công ty cổ phần CAVICO (quận Ba Đình).

Thực hiện Hướng dẫn số 05, ngày 13-6-2002, về thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó định hướng bí thư chi bộ hoặc cấp ủy liên doanh nên tham gia Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, đến nay, số đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã có 165 đồng chí, trong đó 16 đảng viên là chủ tịch hội đồng quản trị, 112 đảng viên là thành viên hội đồng quản trị, 37 đảng viên là giám đốc doanh nghiệp. Nhờ vậy, bước đầu đã tạo ra những chuyển biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lề lối sinh hoạt. Ở một số đơn vị như Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức), Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Công (quận Hà Đông), đảng viên là chủ doanh nghiệp đã tạo điều kiện thành lập tổ chức đảng và ủng hộ các hoạt động của tổ chức đảng, qua đó đã giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, cho người lao động đầy đủ, kịp thời, bảo đảm nộp thuế đúng, đủ cho Nhà nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn hỗ trợ kinh phí giúp địa phương giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Các đảng viên là chủ doanh nghiệp cũng đã bảo đảm gương mẫu, chấp hành nghiêm pháp luật, Điều lệ Đảng và Quy định số 15-QĐ/TW của Bộ Chính trị về đảng viên làm kinh tế tư nhân, vừa trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm chăm lo mọi chế độ, chính sách cho người lao động theo đúng Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, tích cực hưởng ứng các phong trào nhân đạo, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn nơi doanh nghiệp đặt cơ sở.

Mười ba năm qua, Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII đã tạo ra một không khí mới cho hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hà Nội bởi thực tế cho thấy đơn vị nào đã có tổ chức đảng hình thành và hoạt động thì mối quan hệ giữa người lao động và chủ lao động hài hòa hơn, các phong trào sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Không hoạt động hình thức, đa số cấp ủy trong các loại hình doanh nghiệp này thường xuyên chủ động đề ra phương hướng, nhiệm vụ phấn đấu xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, từng bước nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, duy trì sinh hoạt chi bộ đúng quy định Điều lệ Đảng. Hằng năm, công tác phân loại đảng viên được tiến hành nghiêm túc theo đúng hướng dẫn. Đa số cấp ủy đã xây dựng được quy chế hoạt động, quy định rõ nội dung, phương thức lãnh đạo, mối quan hệ giữa cấp ủy với Hội đồng quản trị, Ban giám đốc. Trên cơ sở đó, cấp ủy chủ động trao đổi ý kiến của đảng viên, người lao động với chủ doanh nghiệp về thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và chế độ, chính sách cho người lao động. Theo định kỳ, cấp ủy làm việc với các tổ chức đoàn thể để nắm tình hình và có chủ trương, biện pháp lãnh đạo kịp thời. Nhiều cấp ủy đã đổi mới phương thức lãnh đạo, thường xuyên trao đổi với chủ doanh nghiệp về định hướng phát triển doanh nghiệp, vận động chủ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Trọng tâm triển khai trong thời gian tới

Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ là bước đầu, mới diễn ra ở một bộ phận nhỏ doanh nghiệp thuộc các loại hình này, chưa đồng đều và chưa thực sự tạo được nền tảng vững chắc. Nhiều đơn vị nhận thức về vấn đề này chưa thống nhất, nhiều chủ doanh nghiệp chưa thấy hết mặt tích cực, vẫn còn tư tưởng e ngại thành lập các tổ chức đảng thì họ mất quyền tự quyết cá nhân, e ngại phải tạo điều kiện về thời gian vật chất cho các đảng viên sinh hoạt... Nhận thức chưa thông suốt không chỉ là lực cản lớn, còn là những khó khăn về lâu dài cho việc triển khai Chỉ thị. Những kinh nghiệm được rút ra ở đây đồng thời là những công tác trọng tâm đã được Thành ủy Hà Nội xác định cần được triển khai tích cực trong thời gian tới:

- Yêu cầu đầu tiên là, quán triệt tinh thần cho cán bộ, đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp này, đặc biệt chú trọng những người đứng đầu. Tổ chức và thuyết phục các chủ doanh nghiệp tham gia và tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên trong doanh nghiệp tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, coi đây là công tác quan trọng, có tác dụng bổ trợ, thúc đẩy nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, công tác triển khai cần quyết liệt hơn, thường xuyên, sâu sát tới từng đảng viên, từng đơn vị. Kế hoạch phải được xây dựng cụ thể, có nội dung, lộ trình, bước đi thích hợp, tập trung vận động chủ doanh nghiệp trong việc thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp của mình.

Thứ ba, khi đã thành lập được các tổ chức đảng, cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động. Trên cơ sở nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy để mạnh dạn đổi mới hình thức và phương pháp sinh hoạt đảng phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp, rà soát, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy thích ứng với từng loại hình doanh nghiệp, xác định rõ mối quan hệ cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc và các đoàn thể trong doanh nghiệp, đưa hoạt động của các tổ chức đảng gắn với các hoạt động chung, tránh tình trạng hoạt động hình thức.

Thứ tư, thành phố và các cơ quan hữu quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là các điều kiện về pháp lý, cơ chế chính sách để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có điều kiện phát triển. Đây là cơ sở để củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức, phát triển các tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp này.

Thứ năm, thường xuyên đánh giá, khảo sát, sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đề ra các giải pháp phù hợp để tiếp tục triển khai Chỉ thị hiệu quả hơn./.