Quan hệ Việt Nam - Đức: khẳng định quan hệ đối tác chiến lược
TCCSĐT - Nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975 - 2015), chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Đức Nô-be Lam-mơ vào cuối tháng 3-2015 nhân dịp Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 tổ chức tại Hà Nội, một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước.
Năm 2015 đánh dấu 40 năm phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Đức. Đức đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh, tu nghiệp sinh, thực tập sinh và nhân công lành nghề đã được đào tạo bài bản ở Đức trước đây. Nhiều người trong số họ sau này đảm nhận những trọng trách to lớn và góp phần vào sự phát triển của Việt Nam ngày nay.
Hợp tác phát triển
Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam - Đức không ngừng được củng cố qua các chuyến thăm cấp cao thường xuyên của lãnh đạo hai nước. Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng A. Méc-ken năm 2011 nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, chuyến thăm Đức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng năm 2013 và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014 cho thấy sự tin tưởng chính trị giữa hai bên đã được nâng lên một tầm cao mới(1). Đặc biệt, sự ủng hộ của Đức đối với quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được khẳng định tại chuyến thăm Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014. Thủ tướng Đức A. Méc-ken khi đó đã nhấn mạnh mối quan tâm của Đức tới tự do hàng hải, nhất là những tuyến giao thông hàng hải tự do và không có căng thẳng. Lập trường tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông được Đức ủng hộ, theo đó, tranh luận và đối thoại hòa giải quốc tế là những giải pháp được đưa ra (2).
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Đức N. Lam-mơ vừa qua khẳng định mối quan hệ mật thiết, thân ái, hữu nghị và bền bỉ của hai nước Việt Nam - Đức. Đây chính là nền tảng tin cậy vững chắc để hai bên triển khai hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ,... trong thời gian tới.
Chuyến thăm Việt Nam nhân dịp Hội nghị IPU-132 vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Đức N. Lam-mơ là một hoạt động ngoại giao ý nghĩa, một lần nữa khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội N. Lam-mơ cho biết, Đức cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hợp tác giáo dục với mô hình cụ thể như Đại học Việt - Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những biểu hiện sinh động và cụ thể nhất trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước(3).
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam là một đối tác hợp tác phát triển quan trọng của Đức. Từ năm 1990 tới nay, Đức đã hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án phát triển với tổng kinh phí trên 1,8 tỷ ơ-rô. Trọng tâm hỗ trợ phát triển của Đức tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững (còn gọi là tăng trưởng xanh), tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành vào cuối năm 2015 thông qua tăng cường số lượng lao động có kỹ năng tay nghề.
Sự hợp tác phát triển Việt Nam - Đức được thực hiện chủ yếu bởi hai tổ chức là Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: đào tạo nghề (đặc biệt mô hình đào tạo nghề kép nổi tiếng của Đức), môi trường (đa dạng sinh học và bảo vệ bờ biển), năng lượng (sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo). Bên cạnh đó, Đức cũng ủng hộ quá trình cải cách tư pháp tại Việt Nam và dự kiến xây dựng một Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đặt trụ sở cơ quan đại diện của các tổ chức và tập đoàn của Đức(4).
Về quan hệ kinh tế, năm 2014, Đức tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) với tổng kim ngạch thương mại là 7,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Đức tổng trị giá 5,18 tỷ USD (tăng 5,3% so với năm 2013) và Đức xuất khẩu 2,62 tỷ USD sang Việt Nam (tăng 6,5%). Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Đức là các sản phẩm dệt may, giày dép, nông sản, như cà phê và hạt tiêu, hải sản; đồ gỗ và đồ điện tử. Việt Nam nhập khẩu từ Đức chủ yếu là máy móc, ô-tô, phụ tùng trang thiết bị máy móc cũng như các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất. Các hệ thống máy móc cao cấp gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm gia tăng nhu cầu của Việt Nam đối với máy móc và trang thiết bị do Đức sản xuất(5). Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu ở Việt Nam tìm kiếm và phát triển thị trường tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung với mục đích xúc tiến thương mại giữa hai nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (IHK) tại Việt Nam đã tổ chức các hội chợ thương mại thường niên.
Khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Đức tại Đông Nam Á, với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo cùng thị trường tiêu dùng lớn, Việt Nam trở thành thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Đức. Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tăng lên rõ rệt kể từ năm 2011. Nếu trong 10 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp Đức chỉ đăng ký đầu tư vào 7 dự án, với tổng vốn đầu tư là 34 triệu USD, thì các con số đã tăng lần lượt lên 18 dự án và 90 triệu USD trong cùng thời điểm năm 2013. Năm 2014, các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam khoảng 160 triệu USD, đứng thứ 16 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Đức, như Siemens, Deutsche Bank, Metro Cash & Carry, Deutsche Telekom, BMW, Mercedes, Audi,... đang kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, nâng tổng giá trị đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đến nay lên hơn 1 tỷ USD. Với mục tiêu thúc đẩy và gia tăng cơ hội kinh doanh giữa hai nước Việt Nam và Đức, Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), một trong những hiệp hội doanh nghiệp có thâm niên lâu năm nhất, là thành viên đồng sáng lập nên Phòng Thương mại châu Âu (EUROCHAM) tại Việt Nam, đã mở rộng thêm với 168 thành viên là các công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam.
Gắn kết và thấu hiểu
Sự gắn kết và thấu hiểu về văn hóa giữa hai đất nước, hai dân tộc chính là cơ sở cho mối quan hệ chính trị, kinh tế lâu dài giữa Việt Nam và Đức. Hiện nay có khoảng gần 85 nghìn người Việt Nam (chưa tính khoảng 40 nghìn người gốc Việt đã nhập quốc tịch Đức) đang sinh sống tại Đức. Số lượng lớn người Việt hiểu rõ ngôn ngữ, cách sống và văn hóa Đức này là cầu nối quan trọng gắn kết hai nước, góp phần quảng bá, giới thiệu nền văn hóa của Việt Nam đến với nước Đức, người dân Đức và ngược lại, giúp Việt Nam hiểu hơn về đất nước, con người Đức. Việc nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi đón tiếp các đoàn công tác của Đức làm việc, trao đổi trực tiếp bằng tiếng Đức, hoặc tại Đức, nhân viên văn phòng Đức cùng nhau đến thưởng thức các món ăn Việt tại các nhà hàng Việt Nam là những nét văn hóa độc đáo, quý báu.
Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục và khoa học - công nghệ, có thể khẳng định, Đức luôn dành ưu tiên hỗ trợ Việt Nam. Các dự án và liên hệ hợp tác khoa học giữa hai nước được Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), Học bổng Alexander von Humbold và Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG) tài trợ tài chính. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức (BMBF) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng thiết lập mối liên hệ hợp tác chặt chẽ với nhau. Trao đổi khoa học - công nghệ giữa hai nước diễn ra với tần suất cao, cả trên phương diện chuyên môn lẫn chính trị.
Hiện Việt Nam là nước trọng điểm của Đức trong việc phổ biến và quốc tế hóa hệ thống đại học Đức. Là cơ quan thực hiện việc kết nối của chính sách văn hóa đối ngoại, chính sách đại học, nghiên cứu khoa học và chương trình hợp tác phát triển đại học, đồng thời với mục đích hỗ trợ các quan hệ hợp tác quốc tế của các trường đại học Đức thông qua Chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi cán bộ khoa học, Chương trình hỗ trợ các dự án và Chương trình học bổng, DAAD trong nhiều năm qua đã dành nhiều suất học bổng cho Việt Nam. Năm 2014, DAAD dành 59 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn cho các nhà khoa học, giảng viên đại học và các bạn sinh viên.
Ngoài ra, trong khuôn khổ phong trào “Trường học: đối tác của tương lai” do Bộ Ngoại giao Việt Nam phát động năm 2007, việc giảng dạy tiếng Đức cũng được mở rộng tại nhiều trường học tại Việt Nam. Kể từ tháng 6-2013, tiếng Đức đã chính thức được công nhận là ngoại ngữ được dạy tại các trường học Việt Nam. Đây là một bước ngoặt đột phá trong việc phổ biến tiếng Đức tại Việt Nam.
Ngày 28-03-2015, Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức đã khai trương văn phòng tại Thành phố Erfurt. Đây là sự đóng góp của bà con cộng đồng người Việt tại Thành phố Erfurt cho sự đoàn kết phát triển và hội nhập vào xã hội Đức, cũng như phát huy truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt tại Thành phố Erfurt nói riêng và cộng đồng người Việt tại Đức nói chung.
Là trung tâm giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Đức thu hút đông đảo sự tham gia của mọi người, Viện Gớt hiện đóng góp không nhỏ vào sự phát triển hợp tác văn hóa Việt Nam - Đức, là điểm hẹn giao lưu của những người quan tâm tìm hiểu văn hóa Đức được ưa chuộng tại Hà Nội. Hướng tới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức, trong năm 2015, Viện Gớt tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn hóa, trong đó nổi bật là buổi hòa nhạc của nghệ sĩ Việt Nam - Đức vào tháng 3-2015, triển lãm sơn mài trên thép và gỗ chủ đề Việt Nam vào tháng 4, hội thảo với đạo diễn phim người Đức trong khuôn khổ tuần lễ phim tài liệu châu Âu và Việt Nam vào tháng 6, Liên hoan phim Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9, trình diễn nhạc điện tử trên nền phim câm kinh điển Đức và chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Rock-Pop Stabil Elite với học sinh, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11. Ngoài ra, Viện Gớt và DAAD tiếp tục thúc đẩy hoạt động của trung tâm Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung cấp hơn nữa các khóa học tiếng Đức và tư vấn học tập tại Đức. Đối với rất nhiều sinh viên tương lai, những khóa học ngoại ngữ tại Viện Gớt chính là bước đệm cho mong muốn được học tập tại Đức sau này.
Có thể nói, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Đức ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Và mặc dù theo đánh giá từ nhiều phía, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức chưa thực sự tương xứng với hợp tác chính trị - văn hóa, song nền tảng mối quan hệ tốt đẹp và sự thấu hiểu văn hóa lẫn nhau luôn tạo sự tin tưởng vào triển vọng trong quan hệ kinh tế hai nước sớm có bước đột phá. Hai nước đều muốn tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thương mại song phương. Các doanh nghiệp Đức là những doanh nghiệp tin cậy, có uy tín, có công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, mong muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam; sẵn sàng tham gia các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Trước mắt, thể hiện tinh thần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại trong tương lai, hai nước sẽ cùng nỗ lực thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam trong năm 2015. Bên cạnh đó, Đức sẽ xúc tiến các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, cụ thể là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Được đánh giá cao về sự phát triển năng động, mạnh mẽ với vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ mà Đức muốn tăng cường hợp tác. Những dự án của Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh, như tuyến metro số 2 sẽ sớm được triển khai. Dự án Ngôi nhà Đức với tổng số vốn đầu tư ước khoảng 80 triệu USD cũng sẽ sớm hoàn thành vào năm 2017. Đây sẽ là nơi tập trung các cơ quan của Đức như Tổng lãnh sự, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Viện Gớt và văn phòng của các doanh nghiệp Đức.
Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, trong thời gian tới, hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Nhiều đoàn doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, tạo thêm những động lực to lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với Việt Nam, cả ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, Anh, Pháp đều là các đối tác chiến lược của Việt Nam, tuy nhiên trong ba nước này, Đức có một vai trò đặc biệt. Vừa là đầu tàu kinh tế của EU, vừa là nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững nhất EU, chèo lái khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công, Đức còn là đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tình cảm, sự thấu hiểu văn hóa, con người khiến mối quan hệ hai nước ngày càng gắn kết chặt chẽ./.
----------------------------------------------
(1) (2) www.vietnambotschaft.org/khai-mac-nam-ky-niem-40-nam-quan-he-ngoai-giao-viet-duc/, ngày 31-03-2015.
(3) baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Dua-quan-he-Viet-Duc-ngay-cang-di-vao-chieu-sau/223463.vgp, ngày 31-03-2015.
(4)http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/de/05-Aussenpolitik_20u_20D-VNM_20Bez/05-01_20bilaterale-beziehungen/0-bilaterale-beziehungen.html.
(5) Trang web Bộ Ngoại Giao Đức: auswaertiges-amt.de/DE/Aussenpolitik/Laender/Laenderinfos/Vietnam/Bilateral_node.html, ngày 01-04-2015.
Phát huy vai trò giám sát của Quốc hội đối với việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (21/05/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay