TCCSĐT - Chiều 28-4-2015, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã phối hợp với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc gặp mặt các đại biểu tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris về Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tham dự buổi gặp mặt, có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước và hiện là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 và gần 40 đại biểu là những đồng chí tham gia và hỗ trợ Hội nghị Paris về Việt Nam từ tháng 5-1968 đến tháng 01-1973.

Trong không khí ấm áp tình đồng chí, nhà ngoại giao, chính khách Nguyễn Thị Bình nổi tiếng khắp thế giới với vai trò trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từng tham gia hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris giai đoạn 1968-1973, một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào hiệp định, bày tỏ niềm xúc động và nhớ lại: “Khi đặt bút ký vào hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 21-01-1973, tôi vô cùng xúc động. Nhớ lại những hoạt động sôi nổi của ngày ấy, trong mỗi chúng ta luôn xúc động, tự hào bởi đã cùng với các đồng chí, đồng bào cùng góp sức của mình vào thắng lợi to lớn của dân tộc. Giờ đây, sau hơn 40 năm, anh chị em chúng ta ngồi đây cùng nhau ôn lại lịch sử những năm ấy, trong tôi nhiều cảm xúc lẫn lộn. Hôm nay, mỗi chúng ta tuy tóc ai cũng bạc, vóc dáng không còn như xưa, nhưng vẫn giữ được nụ cười nồng hậu, những nụ cười đã từng thu hút được bạn bè từ khắp năm châu vẫn hiện diện, làm cho ký ức ngày nào ùa về.

Đồng chí Nguyễn Thị Bình nhớ lại lịch sử của cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao ngày ấy: Dù đứng trước vô vàn khó khăn, nhưng mọi người đều tâm niệm rằng cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập và thống nhất đất nước dù kéo dài bao lâu, nhất định sẽ thắng lợi. Chúng ta tin ở chính nghĩa, tin ở các đồng chí lãnh đạo, tin ở quân đội ta, ở nhân dân ta nên chúng ta vững lòng tin ở thắng lợi cuối cùng. Cuộc đấu tranh tại Hội nghị Paris kéo dài từ tháng 5-1968 đến tháng 01-1973, là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử, để bàn việc chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 21 năm. Cán bộ, nhân viên ở hai đoàn đàm phán: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam không nhiều, làm đủ mọi việc, từ đấu tranh trực diện với đối phương, gặp gỡ báo chí, tiếp xúc, vận động bạn bè quốc tế đến công việc hậu cần cho đoàn. Nhưng chúng ta cảm thấy trong lòng luôn hăng hái và tự tin, vì chúng ta biết bên cạnh mình là cả một dân tộc đoàn kết một lòng, với một đội quân anh hùng và xung quanh chúng ta có kiều bào yêu nước, không giàu tiền bạc nhưng giàu tấm lòng yêu quê hương và rộng hơn, chúng ta có bạn bè quốc tế đoàn kết khắp năm châu.

Theo Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7, Hiệp định Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”; là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa. Vì vậy, Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý.

Tại buổi gặp mặt, Bộ Ngoại giao đã trao tặng “Kỷ niệm chương Hội nghị Paris về Việt Nam” cho đồng chí Nguyễn Thị Bình. Dịp này, đồng chí Nguyễn Thị Bình cũng trao tặng cho tất cả các thành viên đã công tác và hỗ trợ tại Hội nghị Paris về Việt Nam kỷ niệm chương và quà lưu niệm của buổi gặp mặt./.