Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng
Làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và củng cố, phát triển quan hệ giao lưu, hợp tác với các địa phương giáp biên của Trung Quốc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Cao Bằng đã xây dựng và triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm về: Phát triển sản xuất hàng hóa nông - lâm nghiệp, kinh tế cửa khẩu, hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và Chương trình xây dựng, phát triển thị xã Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015. Sau 5 năm thực hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 9,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 878 USD. Tổng sản lượng lương thực đạt bình quân 250.000 tấn/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 35 triệu đồng/ha, vượt mục tiêu nghị quyết Đại hội đề ra. Diện tích, sản lượng các cây trồng hàng hóa mũi nhọn tăng so với năm 2010, trong đó mía nguyên liệu đạt hơn 4.200ha, thuốc lá hơn 3.700ha, trúc sào hơn 3.100ha; một số cây trồng ứng dụng công nghệ cao đang dần được hình thành, cho giá trị kinh tế cao như chè chất lượng cao, cây dược liệu dưới tán rừng... Công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 4%, đến nay còn khoảng 20%.
Tổng Bí thư chia sẻ: Cao Bằng là tỉnh miền núi cao còn nhiều khó khăn, với hơn 90% diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối, khoảng 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, có 6 huyện thuộc diện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên, Cao Bằng cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế cần khai thác, phát huy, chứ không chỉ thấy toàn khó khăn.
Tổng Bí thư đề nghị, nhân dịp Đại hội Đảng bộ sắp tới, Cao Bằng cần xác định rõ hướng đi cho nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo. Muốn vậy, Cao Bằng cần đánh giá kỹ lại tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phải chăng đó vẫn là thế mạnh nông - lâm nghiệp? Tỉnh cần đầu tư phát triển những cây, con phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hơn 330km đường biên giới tiếp giáp với thị trường Trung Quốc rộng lớn, đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, Cao Bằng có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biên mậu, kinh tế cửa khẩu. Là quê hương cách mạng, Cao Bằng có di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc,... thuận lợi cho phát triển du lịch về nguồn, du lịch tâm linh. Năm 2014, doanh thu du lịch của tỉnh tăng hơn 230% so với năm 2010. Bên cạnh đó, bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước cách mạng chính là nguồn lực to lớn mà Cao Bằng cần khơi dậy, phát huy để tiếp tục phát triển vươn lên.
Trên cơ sở nhận rõ tiềm năng, lợi thế, Cao Bằng cần rà soát lại các quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể, cần chọn khâu đột phá để phát triển, đó là kinh tế cửa khẩu, du lịch về nguồn; hay xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng - Trung ương xác định đây là một trong ba đột phá chiến lược, cần tập trung làm tốt, đường đến đâu văn minh đến đó, cái chính là phải có cách làm hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Cao Bằng cần tập trung làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Phát triển nhanh, toàn diện, đồng bộ, nhưng cần tìm ra một số việc tập trung làm cho bằng được, đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển và quan trọng là cần có phải có đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần có người lo, người làm, đề ra và tổ chức thực hiện tốt công việc.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Cao Bằng cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng một cách bài bản, nghiêm túc, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà nhiều nhiệm kỳ tiếp theo, phải thường xuyên kiểm điểm tự phê bình và phê bình, khắc phục, sửa chữa cho được những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm. Quan trọng là cán bộ, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết, có năng lực, phải quy tụ, đoàn kết được cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư lưu ý Cao Bằng cần đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường phối hợp với các địa phương lân cận, tranh thủ được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, cùng với công tác văn kiện, Cao Bằng cần chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự.
Tổng Bí thư tin tưởng, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước cách mạng, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích lịch sử Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng danh non sông đất nước, dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động ghi vào sổ lưu niệm: “Tưởng nhớ Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, quyết tâm phấn đấu thực hiện con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt xã Trường Hà, Tổng Bí thư ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, nhân dân xã đã có nhiều cố gắng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, số hộ nghèo giảm nhanh từ 60% năm 2010 xuống còn 7,4% năm 2014. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, nhân dân xã Trường Hà đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, nhờ vậy đã nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi. Bình quân thu nhập đầu người đạt gần 14 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của huyện. Cơ sở vật chất, đường sá ngày càng được cải thiện, khang trang hơn. Chia sẻ với những khó khăn của xã, Tổng Bí thư mong muốn, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của trung ương, các ngành, các cấp, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cần phát huy hơn nữa nguồn nội lực, phát triển mạnh các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, như mô hình “2 con, 3 cây” (2 con: lợn đen, bò Mông; 3 cây: ngô, lạc, thuốc lá), chú ý tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển du lịch về nguồn, du lịch tâm linh,... vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ngay trên vùng đất quê hương giàu truyền thống lịch sử, yêu nước cách mạng.
Tổng Bí thư lưu ý xã Trường Hà, huyện Hà Quảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng kết hợp với Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nông Linh Long, cháu của Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng./.
Mở đường bay Cần Thơ - Đà Lạt  (23/04/2015)
Một số văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ  (23/04/2015)
Chủ tịch nước hội kiến các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao Á - Phi  (23/04/2015)
Kỷ niệm 21 năm Nam Phi Tự do  (23/04/2015)
Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương thăm ba nước châu Âu  (23/04/2015)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên