Một số văn bản chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ
Đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập
Đổi mới cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là nhiệm vụ quan trọng, đã được thực hiện trong thời gian qua và đạt được một số kết quả bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Mục tiêu trong giai đoạn tới là thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển lành mạnh, nâng cao chất lượng và số lượng các dịch vụ công.
Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới phải đi đôi với bảo đảm lợi ích của người dân, Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng còn khó khăn để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu. Nhà nước phê duyệt danh mục và quản lý việc chuyển đổi mô hình của các đơn vị sự nghiệp công.
Các bộ cần khẩn trương xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn chuyên ngành; thực hiện phân loại các đơn vị sự nghiệp.
Phó Thủ tướng giao các bộ chủ động đề xuất và xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công thuộc bộ; đồng thời gửi các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp chung vào quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công của ngành, lĩnh vực.
Phó Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật cần làm bài bản, từng bước và có tính đến đặc thù của từng loại hình dịch vụ công.
Nguyên tắc tổ chức thực hiện là từ thực tiễn kết hợp với yêu cầu đổi mới để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng ngay trong thực tế, không chờ đến khi đầy đủ các yếu tố mới bắt đầu thực hiện. Tất cả các đơn vị sự nghiệp công đều phải thực hiện đổi mới (kể cả các đơn vị được Nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động), gắn với việc cơ cấu lại ngân sách và thay đổi phương thức cấp phát từ ngân sách; thực hiện đổi mới theo lộ trình và khuyến khích thực hiện trước lộ trình khi đủ các điều kiện theo quy định.
Huy động các nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp xã hội
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025. Đề án nhằm mục tiêu phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cùng với chính sách an sinh xã hội khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần phát triển bền vững; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp xã hội; phát huy sự quan tâm và chăm sóc của xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác an sinh xã hội.
Theo đó, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập (mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội) gồm: 1- Cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) chăm sóc người cao tuổi; 2- Cơ sở BTXH chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 3- Cơ sở BTXH chăm sóc người khuyết tật; 4- Cơ sở BTXH chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 5- Cơ sở BTXH tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng BTXH hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; 6- Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.
Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm phát triển cơ sở trợ giúp xã hội. Cụ thể, xây dựng, ban hành Danh mục dịch vụ trợ giúp xã hội, Khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở trợ giúp xã hội, bảo đảm cho đối tượng tiếp cận sử dụng thuận lợi; có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở trợ giúp xã hội; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác trợ giúp xã hội.
Nhiệm vụ và giải pháp khác của Đề án là quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các yêu cầu: Rà soát, sắp xếp các cơ sở trợ giúp xã hội, tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập; khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội.
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của các cơ sở trợ giúp xã hội đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định.
Đồng thời, đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội theo phương châm phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính; cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian nhất định.
Rà soát chính sách dân tộc
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện việc rà soát các chính sách giảm nghèo nói riêng, chính sách dân tộc nói chung.
Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ủy ban dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng phù hợp với địa bàn.
Chính sách dân tộc hiện nay là khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn dân tộc và miền núi. Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay.
Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi được thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh 3-4%/năm; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có bước phát triển tích cực; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như nhiều chính sách được ban hành còn chồng chéo; nhiều chính sách ban hành thiếu tính khả thi; cơ chế phối hợp chưa tốt; bố trí nguồn lực chưa tương xứng, sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả... Những hạn chế này đã làm cho vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp...
Để bộ mặt vùng dân tộc và miền núi thay đổi toàn diện, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện việc rà soát các chính sách giảm nghèo nói riêng, chính sách dân tộc nói chung một cách toàn diện, cụ thể, chi tiết; chú trọng rà soát sự trùng lặp của các chính sách. Trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách mới.
Về việc lồng ghép các chỉ tiêu về phát triển dân tộc thiểu số trong kế hoạch trung hạn của các bộ, ngành, đảm bảo sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất đưa vào Đề án Kế hoạch thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ tại vùng dân tộc và miền núi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách đặc thù hỗ trợ lương thực cho đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng biên giới trên cơ sở các quy định hiện hành, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Chủ tịch nước hội kiến các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao Á - Phi  (23/04/2015)
Kỷ niệm 21 năm Nam Phi Tự do  (23/04/2015)
Đoàn đại biểu Ban Đối ngoại Trung ương thăm ba nước châu Âu  (23/04/2015)
Nhóm P5+1 và Iran tiếp tục cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna  (23/04/2015)
Điện mừng Ngày Độc lập của Nhà nước Israel  (23/04/2015)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên