Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
Phạm vi điều chỉnh của TPP
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang đàm phán theo xu hướng mở cửa sâu rộng hơn các cam kết mở cửa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường. Theo các FTA, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan, nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trên thế giới có hơn 200 FTAs có hiệu lực. Thực tiễn hội nhập và toàn cầu hóa hoạt động thương mại trên thế giới đã chứng kiến 03 thế hệ FTA, bao gồm: i) FTA thế hệ thứ nhất tập trung ở việc tự do hóa lĩnh vực thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế quan, loại bỏ các rào cản phi thuế quan); ii) FTA thế hệ thứ hai mở rộng phạm vi tự do hóa sang các lĩnh vực dịch vụ nhất định (xóa bỏ các điều kiện tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ liên quan); iii) FTA thế hệ thứ ba tiếp tục mở rộng phạm vi tự do về dịch vụ, đầu tư.
Các FTA trong thời gian gần đây chứng kiến một xu hướng mới là không chỉ những lĩnh vực thương mại mở cửa được đề cập mà cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường cũng được đưa vào đàm phán và ký kết. Cao hơn hẳn về mức độ mở cửa, phạm vi điều chỉnh của Hiệp định TPP dự kiến sẽ rất rộng và phức tạp, với các vấn đề thương mại và phi thương mại đan xen. Bản thân Hiệp định gồm 4 nước là: Singapore, Chile, Newzealand, Brunei (P4) đã có cam kết mạnh về thuế quan và nhiều vấn đề phi thuế quan (xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, chính sách cạnh tranh… và cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường). TPP đang tiếp tục phát triển từ nền gốc của P4 với 12 nước hiện đang tham gia đàm phán và trong tương lai số đối tác sẽ tăng thêm, nên chắc chắn phạm vi sẽ còn lớn hơn nữa. Hiệp định TPP được kỳ vọng là một “FTA của thế kỷ XXI” với phạm vi điều chỉnh rộng cùng với xu hướng đàm phán tự do mạnh mẽ được cụ thể hóa trên những lĩnh vực sau:
- Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế (ít nhất 90%), thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn.
- Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các loại dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.
- Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư.
- Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ cao hơn so với các mức trong WTO (WTO+).
- Các biện pháp về xác định các thành viên có thể hoặc không thể áp đặt các hạn chế đối với những hàng hóa nhập khẩu nhất định (SPS), Hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT): Siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật.
- Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công và nhiều lĩnh vực khác.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết FTA với Brunei, Singapore, Malaysia (AFTA); với Australia, New Zealand (trong Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia và New Zealand được thiết lập bởi FTA và quan hệ kinh tế thân thiện toàn diện ASEAN - Australlia và New Zealand - AANZFTA) và với Nhật Bản (trong Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản được thiết lập bởi Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản AJCEP). Ngoài việc ký kết và tham gia các FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN thì FTA đầu tiên mà Việt Nam ký kết với tư cách là một bên độc lập là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA năm 2008), tiếp đó là FTA Việt Nam - Chile (năm 2011); hiện đang đàm phán FTA với Peru. Trong các FTA khu vực, Việt Nam cam kết mức độ tự do hóa thương mại cũng như cắt giảm thuế theo lộ trình nên khi TPP được ký kết thì hiện trạng thương mại giữa Việt Nam với các nước này cũng sẽ không thay đổi đáng kể. Riêng với Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu) thì Việt Nam lại chưa ký kết FTA với Mỹ, do vậy cần lưu ý hơn đến các nội dung cam kết về cắt giảm thuế quan, bãi bỏ các điều kiện đối với đầu tư dịch vụ để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sẽ được ưu tiên hơn khi tiếp cận thị trường Mỹ, cũng như thị trường các nước đối tác khác.
Trên thực tế, một số hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam là các sản phẩm thủy sản như cá, tôm, cua và hàng nông sản sạch… xuất khẩu sang thị trường như Australia, New Zealand và Peru, hiện nay đã áp dụng mức thuế 0%; hàng thủy sản chưa chế biến hay đồ gỗ (xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ) đang được hưởng mức thuế suất gần bằng 0% nên lợi ích từ các nhóm ngành hàng này sẽ không thể hiện rõ rệt khi Việt Nam ký kết TPP.
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đón cơ hội từ TPP
Thứ nhất, về phương châm, việc tái cơ cấu nông nghiệp hàng hóa cần tránh lối tư duy theo kiểu phong trào. Để tránh hệ lụy lâu dài, mô hình sản xuất phải có sự đổi mới. Người nông dân cần được thay đổi quy trình, kỹ thuật sản xuất, đồng thời kết nối được doanh nghiệp với nông dân. Cơ quan quản lý nhà nước (trực tiếp là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần nắm bắt kịp thời, chính xác hơn những vướng mắc của thực tế sản xuất để xây dựng, sửa đổi và áp dụng các chính sách quản lý phù hợp.
Thứ hai, để đón bắt cơ hội từ TPP cần lưu ý là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả, thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ở đây, nhiệm vụ chính cần phải tập trung thực hiện là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để hiểu rõ thời cơ và thách thức. Các cơ quan truyền thông cần hướng vào việc hỗ trợ thông tin về chủ trương tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, cũng như những mô hình tái cơ cấu thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng.
Thứ ba, xây dựng đề án tái cơ cấu các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của mỗi địa phương trên cả nước. Tiến hành rà soát, xác định, lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho tự cung tự cấp nhằm tạo ra lối thoát căn bản cho công tác xóa đói giảm nghèo.
Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức thiết của nền nông nghiệp hàng hóa; kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả. Thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích cao hơn sự tham gia của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, tập trung tạo ra sự chuyển biến rõ nét, trên diện rộng đối với các loại sản phẩm chủ lực của mỗi vùng, miền, địa phương.
Thứ sáu, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Thông qua việc tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn như mô hình hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân,… Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như Tây và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng,... nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia.
Thứ bảy, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ hợp tác xã, thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt cá xa bờ.
Thứ tám, thực hiện lồng ghép và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng; tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung liên quan trực tiếp tới mỗi hộ gia đình. Thực hiện đồng bộ các nội dung về kinh tế và xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Chú trọng thực hiện các nội dung chính là phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chú ý việc lựa chọn ưu tiên nâng cấp các công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ sản xuất.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp khi thực hiện TPP là rất lớn. Tuy nhiên, cần có nỗ lực toàn diện trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương để xây dựng thương hiệu cho từng loại ngành hàng, sản phẩm để biến cơ hội thành những kết quả cụ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 09 đến ngày 15-02-2015  (16/02/2015)
Quy định mới về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân  (15/02/2015)
Tổng Thanh tra Chính phủ: Sẽ có chế tài mạnh trong năm 2015  (15/02/2015)
Chủ tịch nước dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67  (15/02/2015)
Việt Nam tham dự Ngày đại gia đình ASEAN 2015 tại Mexico  (15/02/2015)
Người Việt ở Cộng hòa Séc tưng bừng đón Tết cổ truyền dân tộc  (15/02/2015)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam