Vai trò và trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên
TCCSĐT - Trong hơn 3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân tỉnh Phú Yên đã chung vai, góp sức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên. Một trong những giải pháp quan trọng để tạo bước đột phá mang tính bền vững được Phú Yên thực hiện đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Vai trò tiên phong và những đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức
Trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đây là chủ trương mang tính chiến lược, đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.
Phú Yên là một tỉnh thuần nông có hơn 80% số dân sống ở nông thôn và trên 70% số lao động nông nghiệp, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện miền núi, với thu nhập bình quân đầu người còn thấp, trình độ dân trí cũng như mức hưởng thụ đời sống tinh thần còn chênh lệch khá xa so với đô thị và các huyện đồng bằng. Với mục tiêu nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, những năm qua, Phú Yên luôn ưu tiên đầu tư, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đổi mới, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá là một thành công nổi bật của Phú Yên trong việc triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thành tích chung của tỉnh có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ trí thức.
Đến thời điểm năm 2014, toàn tỉnh có tổng số 21.617 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đó có 11 tiến sĩ, 620 thạc sĩ, 16.987 người có trình độ đại học, cao đẳng. Thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã từ năm 2010 - 2014, đã có 270 trí thức trẻ được tuyển chọn từ các ngành, nghề khác nhau về công tác tại các xã trong tỉnh… Theo Sở Nội vụ, tính đến cuối năm 2014, tổng số cán bộ, công chức cấp xã là 2.355 người, trong đó 92,5% đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu so với thời kỳ đầu tái lập tỉnh thì đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đã có bước trưởng thành, tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Điều đáng quý của đội ngũ trí thức là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được trang bị một nền tảng kiến thức cơ bản. Đây là điều kiện ban đầu để tiếp thu nhanh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh đang giữ trọng trách chính trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đội ngũ trí thức còn là lực lượng chính có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến mỗi người dân; giải thích cho dân hiểu, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các bước và nội dung xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đội ngũ trí thức là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch, hướng dẫn quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với mỗi vùng, miền. Đây cũng là đội ngũ trực tiếp trong việc chuyển giao công nghệ, khoa học và kỹ thuật mới cho nông dân, nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn, ổn định và bền vững hơn cho nhân dân theo từng đề án sản xuất cũng như trong các mô hình kinh tế. Đội ngũ trí thức còn hỗ trợ, giúp đỡ nông dân, nông thôn về công cụ sản xuất kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển các nghề thủ công với phương châm “ly nông bất ly hương”, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; du nhập ngành, nghề mới phù hợp với thực tiễn địa phương để giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Đội ngũ trí thức Phú Yên thực sự trở thành người “đứng mũi chịu sào”, người hướng dẫn, chịu trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ nông dân giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đa phần xuất thân từ nông dân, trí thức của Phú Yên là lực lượng giúp nông dân kế thừa, phát huy có chọn lọc tốt nhất những tinh hoa của nghề nông và văn hóa dân tộc, để xây dựng một chương trình nông thôn mới mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Đội ngũ trí thức còn là cầu nối quan trọng nhất, gần nhất giữa Nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên.
Là miền đất có bề dày lịch sử - văn hóa và giàu truyền thống cách mạng, trải qua 400 năm hình thành và phát triển, đặc biệt sau gần 40 năm giải phóng Phú Yên, 25 năm tái lập tỉnh và hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vượt qua nhiều gian khổ, thiếu thốn, bằng ý chí và sự quyết tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đội ngũ trí thức Phú Yên luôn năng động, sáng tạo, sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tạo thành khối liên minh công - nông - trí thức vững chắc, làm nên những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế Phú Yên đã chuyển dịch đúng hướng, tạo ra bước đột phá mới. Năm 2014, kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và có một số mặt phát triển; có 10/14 chỉ tiêu đạt kế hoạch; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh chiếm 35,7% (năm 2013 là 35,4%), dịch vụ chiếm 41,3 % (năm 2013 là 40,27 %), cao hơn tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 23 % (năm 2013 là 24,3%) trong cơ cấu GDP. Thu nhập bình quân đầu người là 29,8 triệu đồng, tăng 11,5% so với năm trước (năm 2013 là 26,7 triệu đồng/người)...
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Phú Yên tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một cách quyết liệt, tiến độ thực hiện có sự chuyển biến tích cực. Các xã đạt bình quân 8,88 tiêu chí, tăng 0,92 tiêu chí so với năm 2013. Ông Lê Văn Trúc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khẳng định: “Với sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Phú Yên trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò đi đầu của đội ngũ trí thức của tỉnh, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tuyên truyền vận động, huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập đã xuất hiện và được nhân rộng trên địa bàn tỉnh; nhân dân khắp nơi tích cực góp sức, góp của, hiến đất, tự tháo dỡ công trình để đưa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sớm về đích”.
Ông Trúc cũng cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động hơn 18.700 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối năm 2012, 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn năm 2010 - 2013, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa gần 827 km đường giao thông nông thôn. Có 16/88 xã đạt tiêu chí giao thông, 29 xã đạt tiêu chí thủy lợi, có 83 xã đã đạt tiêu chí điện, 71 xã đạt tiêu chí bưu điện, 23 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn, 12 xã đạt tiêu chí trường học, 41 xã đạt tiêu chí về giáo dục, 20 xã đạt chuẩn về tiêu chí y tế, 14 xã đạt tiêu chí về nhà ở, 63 xã đạt tiêu chí về tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 9 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo... Trong giai đoạn này, có 23.650 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 19,46% vào năm 2011 giảm còn 13,03% vào năm 2013. Đến tháng 12-2014, toàn tỉnh có 1 xã là xã Bình Kiến đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, 1 xã đạt 17 tiêu chí, 4 xã đạt 16 tiêu chí, 2 xã đạt 15 tiêu chí, 23 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí.
Kết quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Phú Yên, ngoài sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và nội lực ở cơ sở thì có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức, thể hiện từ việc triển khai lộ trình xây dựng nông thôn mới đến công tác quy hoạch, xác định các nhóm tiêu chí. Trong đó, với nhóm tiêu chí kinh tế và phát triển sản xuất, đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp tích cực như việc chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn; phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, làm thay đổi nhận thức của người dân từ quảng canh, thụ động đến chuyên canh và chủ động trong sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đội ngũ trí thức còn có nhiều đóng góp lớn trong các lĩnh vực như phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…
Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Yên cũng gặp không ít khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến phát triển lâu dài, bền vững ở khu vực nông thôn. Một số hạn chế cần khắc phục đó là tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đặt ra; kết quả đạt được ở các địa phương có sự chênh lệch khá xa giữa khu vực đồng bằng và miền núi; ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế; đời sống người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; vẫn còn một bộ phận cán bộ, trí thức và người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên tính chủ động, sáng tạo chưa cao…
Một số giải pháp trong thời gian tới
Giai đoạn 2014 - 2020, Phú Yên đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Do đó, tiếp tục tìm tòi những giải pháp sát thực để tạo bước chuyển căn bản trong xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; trình độ dân trí được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài đang đặt ra với chính quyền và nhân dân Phú Yên. Để hoàn thành được các mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phú Yên cần sự chỉ đạo quyết liệt và cụ thể hơn của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó đội ngũ trí thức giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là:
Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò, trình độ, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, trí thức địa phương, tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội và đặc biệt nhận thức của đội ngũ trí thức về quá trình xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ trí thức trong tỉnh cần tiếp tục sâu sát thực tiễn, đem trí tuệ, tâm huyết, các công trình, kết quả nghiên cứu, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hỗ trợ tích cực nông dân phát triển sản xuất, khai thác lợi thế, tiềm năng nhân lực, đất đai, vị trí địa lý, tìm những giải pháp phù hợp để xây dựng nông thôn mới thành công.
Thứ ba, thực hiện nhiều chính sách thu hút nhân tài, tập hợp, khai thác tiềm lực của đội ngũ trí thức của tỉnh cũng như trong nước và thế giới trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, tăng cường liên kết, phối hợp giữa tỉnh và các bộ, ngành, các hội ở trung ương; tranh thủ sự tư vấn, giúp đỡ của các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các dự án, tìm kiếm nguồn lực tài trợ từ các tổ chức quốc tế để triển khai trên địa bàn tỉnh.
Năm là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nghề, nâng cao trình độ đội ngũ trí thức và cán bộ cơ sở. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, để đội ngũ trí thức có nhiều cơ hội gặp gỡ, chia sẻ kiến thức khoa học - kỹ thuật hiện đại tới người nông dân./.
Lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chúc tết và trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho gia đình cán bộ lão thành của Ban nhân dịp đón xuân Ất Mùi 2015  (14/02/2015)
Ngày 16-2: Tổ chức nghi thức cấp cao lễ tang đồng chí Nguyễn Bá Thanh  (14/02/2015)
Chủ tịch nước tặng quà gia đình chính sách tại Hà Nam  (14/02/2015)
Đà Nẵng: Trao tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng  (14/02/2015)
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức gặp mặt mừng Xuân Ất Mùi  (14/02/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển