Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Chiều 04-02, Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chủ trì Hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng dự.
Mở rộng dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Hà Thị Khiết nêu rõ năm 2014, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc thực hiện quy chế dân chủ tiếp tục được tiến hành nền nếp và phát huy hiệu quả.
Dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các loại hình cơ sở (xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp và một số loại hình mới) tiếp tục được mở rộng.
Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn hoặc bầu theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII.
Điều này không chỉ minh chứng cho việc mở rộng dân chủ trong Đảng mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân vào Đảng. Nhân dân quan tâm theo dõi và tin tưởng vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Theo đồng chí Hà Thị Khiết, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở luôn được các cấp ủy đảng quan tâm, chỉ đạo gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình mới... và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.
Các cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; quan tâm chỉ đạo các cơ quan hành chính thực hiện quy trình công khai, dân chủ; tổ chức tiếp dân, đối thoại với nhân dân; thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông".
Chính phủ đã chỉ đạo và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với một số bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tập trung giải quyết đơn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu bật những kết quả đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống và ở ngay trong từng loại hình cơ sở như: về nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu còn hạn chế.
Việc tiếp tục tổ chức quán triệt các quan điểm của Đảng và tổ chức thực hiện các quy chế về thực hiện dân chủ không ít nơi còn hình thức. Chất lượng thực hành dân chủ chưa cao, có nơi chưa thực hiện công khai, minh bạch theo các quy định của pháp luật; còn để xảy ra khiếu kiện đông người, kéo dài; tham nhũng, thất thoát, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc trong nhân dân.
Phát huy dân chủ ở cơ sở để tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp
Năm 2015, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở các cấp, các ngành tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Hiến pháp năm 2013.
Các cấp ủy tiếp tục quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới; các văn bản của Đảng, Chính phủ liên quan đến việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai thực hiện Nghị định 04/2015/ NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Các cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về dân chủ và phát huy dân chủ ở cơ sở để góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng; tổ chức có hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)...
Các cấp ủy chỉ đạo tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt là gắn việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị, chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và các ngày lễ trong năm 2015.
Các cấp ủy tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị khóa VIII. Ban Chỉ đạo nghiên cứu tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo điểm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở một số loại hình cơ sở, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cơ sở; tiếp tục nâng cao chất lượng việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến vào Kế hoạch và Đề cương báo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương./.
Tunisia cử Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực đầu tiên tại ASEAN  (05/02/2015)
Chủ tịch nước tiếp Chủ tịch Hội Nhật - Việt thành phố Sakai  (05/02/2015)
Chính phủ đặt quyết tâm cao đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%  (05/02/2015)
Gặp mặt đoàn Ngoại giao, tổ chức quốc tế nhân dịp Tết Ất Mùi  (05/02/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển