Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga: 65 năm một chặng đường
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (30-01-1950 - 30-01-2015), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài viết “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga: 65 năm một chặng đường”.
Tạp chí Cộng sản điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:
Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước đã trải qua chặng đường 65 năm đầy thử thách và biến động, cùng nhau xây đắp tượng đài hữu nghị Việt - Nga bằng tình cảm, công sức và sự hy sinh quên mình của nhiều thế hệ người dân hai nước.
Nhân dân Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn mà những người anh em Nga đã dành cho chúng tôi trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay.
Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, chúng ta không thể không tự hào trước những thành quả to lớn của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp mà Việt Nam và Nga cùng nhau xây dựng và vun đắp. Giờ đây, cũng chính với những tình cảm chân thành và gắn bó đó, cùng với những thành quả và kinh nghiệm hợp tác quý báu, hai nước Việt Nam và Liên bang Nga ngày nay tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ Việt - Nga lên tầm cao mới vì sự phát triển và phồn vinh của hai dân tộc.
Tự hào về quá khứ
Đáp ứng tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, ngày 30-01-1950, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên đã công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt - Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình và đầy hiệu quả về chính trị, kinh tế và quân sự của nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã góp phần quan trọng giúp nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng với Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Việt Nam tiếp tục nhận được sự giúp đỡ to lớn và toàn diện của Liên Xô. Hàng chục ngàn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước. Trong giai đoạn này, sức mạnh của quan hệ Việt - Xô được tạo ra từ hình mẫu của tình nghĩa quốc tế trong sáng và thủy chung.
Quan hệ Việt - Nga ngày nay đã kế thừa quan hệ Việt - Xô với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước. Sau những nỗ lực khôi phục và phát triển quan hệ song phương trong những năm 90 của thế kỷ 20, năm 2001, Việt Nam và Nga đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đến năm 2012 nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương trong thời kỳ mới.
Thành quả của hiện tại
Trong một thập niên triển khai quan hệ Đối tác chiến lược và gần ba năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt - Nga đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển ở mỗi nước. Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị và cách tiếp cận mới của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường hợp tác song phương.
Về chính sách và cơ chế hợp tác, hai bên thực sự coi trọng và có nhu cầu hợp tác với nhau trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, vị trí của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau tăng đáng kể. Nét nổi bật của quan hệ chính trị Việt - Nga là có độ tin cậy cao với các hình thức hợp tác đa dạng. Hai bên đã thiết lập được cơ chế tiếp xúc cấp cao thường niên, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc cũng như các tổ chức do ASEAN làm nòng cốt. Hợp tác theo kênh Đảng, Quốc hội, các tổ chức xã hội, đoàn thể hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương.
Hợp tác kinh tế Việt - Nga ngày càng được tăng cường với bốn lĩnh vực trụ cột gồm thương mại, đầu tư, dầu khí và năng lượng điện. Kim ngạch song phương từ mức 500 triệu USD năm 2001 đã đạt gần 3 tỷ USD năm 2014, tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga-Kazakhstan-Belarus đang tiến triển thuận lợi, hai bên đã ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định tháng 12-2014, hợp tác trong lĩnh vực đầu tư có nhiều khởi sắc.
Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không ngừng phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế mỗi nước. Không chỉ dừng lại ở hướng truyền thống là thăm dò và khai thác, hai bên đang mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới là lọc hóa dầu, sản xuất nhiên liệu cho động cơ chạy khí và Nga cung cấp dầu thô dài hạn cho Việt Nam. Trong thế kỷ 21, ngành điện hạt nhân đang đặt dấu ấn mới cho quan hệ giữa hai nước với việc triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Nga, ngành điện hạt nhân sẽ phát triển bền vững tại Việt Nam, trở thành biểu tượng mới của hợp tác song phương, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nói đến quan hệ Việt - Nga, chúng ta không thể không nói tới tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng - an ninh và kỹ thuật quân sự. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, hai bên càng cần hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này, đóng góp thiết thực vào việc duy trì môi trường hòa bình và ổn định, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế ở mỗi nước, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Hợp tác nhân văn Việt - Nga tiếp tục giữ vai trò là cầu nối gắn kết hai dân tộc chúng ta. Mỗi năm có hàng trăm ngàn du khách Nga và Việt Nam thăm viếng lẫn nhau. Cộng đồng người Việt với gần 10 ngàn người hiện đang sinh sống làm ăn kinh doanh tại Nga, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình, hàng ngàn lưu học sinh Việt Nam đang được đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín của Nga. Chính mối quan hệ, sự giao lưu và kết nối giữa nhân dân hai nước đã trở thành sợi dây bền chặt gắn kết hai quốc gia, góp phần không ngừng củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Niềm tin vào tương lai
15 năm đầu của thế kỷ 21 đã trôi qua với nhiều biến động. Xu thế toàn cầu hóa, liên kết khu vực, cuộc chạy đua về khoa học công nghệ, các vấn đề phát triển, chiến tranh và hòa bình, cạnh tranh và hợp tác sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến cục diện thế giới trong những năm tới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tầu tăng trưởng của thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Do đó, việc củng cố và phát huy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, phục vụ sự nghiệp phát triển ở mỗi nước, góp phần vào công cuộc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Với quá khứ đầy tự hào, những thành quả to lớn của hiện tại, với quyết tâm và mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của quan hệ Việt - Nga. Việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga cần tuân theo các định hướng lớn gồm tăng cường quan hệ chính trị tin cậy thông qua trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao thường niên, trao đổi đoàn theo các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể-xã hội, tiếp tục ủng hộ lẫn nhau và phối hợp lập trường chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế. Trong hợp tác kinh tế, hai bên cần triển khai hiệu quả các dự án trong các lĩnh vực trụ cột như ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan trong năm 2015, thúc đẩy hợp tác dầu khí, triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với phương châm an toàn, hiệu quả và đạt chất lượng cao nhất… Hợp tác an ninh - quốc phòng cần được đẩy mạnh trên cơ sở tin cậy, lâu dài, hợp tác nhân văn cần được chú trọng và mở rộng để tạo nền tảng xã hội cho quan hệ Việt - Nga phát triển vững chắc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 11-2013, Tổng thống V. Pu-tin đã từng nói: “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược. Theo đúng nghĩa của từ này, hai nước chúng ta cùng có quá khứ anh hùng trong lao động cũng như trong chiến đấu, trong đó có cả cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam. Hợp tác song phương giữa hai nước có triển vọng và tương lai tốt đẹp”.
Nhìn lại chặng đường 65 năm đã qua, có thể khẳng định quan hệ Việt - Nga được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và đã được kiểm chứng qua những biến động của lịch sử. Tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, phát huy truyền thống tương trợ và luôn ủng hộ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào chính là nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới./.
Kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga  (29/01/2015)
Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất  (29/01/2015)
EU tăng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lên 400 triệu euro  (29/01/2015)
Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng  (29/01/2015)
Thư chúc mừng kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nga  (29/01/2015)
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thăm các đồng chí lão thành cách mạng  (29/01/2015)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên