TCCSĐT - Đảng Cộng sản Việt Nam có hệ thống tổ chức cơ sở đảng rộng khắp, mỗi đảng viên đều sinh hoạt, tu dưỡng, rèn luyện ở một tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, tăng cường rèn luyện cán bộ đảng viên thông qua sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng sẽ góp phần nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ đảng viên.

1. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng: “Ở mỗi xưởng máy, hầm mỏ, xí nghiệp, cơ quan, trường học, đường phố, nông thôn, đại đội - có 3 đảng viên trở lên thì lập một chi bộ”(1). “Mỗi chi bộ của Đảng là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng”(2). Chi bộ là gốc rễ của Đảng, là nền tảng của Đảng, là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Vai trò của chi bộ, đảng bộ cơ sở thể hiện:

- Là nơi nối liền cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng với quần chúng, là chiếc cầu nối giữa Đảng với dân.

- Là nơi trực tiếp nghiên cứu, quán triệt và đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào cán bộ, đảng viên và quần chúng, là nơi tổ chức cho quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Là nơi giáo dục, rèn luyện, sàng lọc đảng viên, nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, nơi cử ra cơ quan lãnh đạo cấp trên của Đảng.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 57.000 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có hơn 23.000 đảng bộ cơ sở và hơn 34.000 chi bộ cơ sở, hơn 230.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Các tổ chức cơ sở đảng có thể phân theo năm loại hình cơ bản: ở xã, phường, thị trấn có hơn 11.000 tổ chức cơ sở đảng; cơ quan hành chính có hơn 18.000; các loại doanh nghiệp có hơn 10.000; các đơn vị sự nghiệp có gần 7.000; lực lượng vũ trang có gần 8.500. Các tổ chức cơ sở đảng đang trực tiếp quản lý, giáo dục hơn 4 triệu đảng viên(3).

Từ lý luận của các nhà kinh điển đến quy định trong Điều lệ Đảng đều nhấn mạnh tổ chức cơ sở đảng là nơi giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường, năng lực công tác của cán bộ đảng viên, qua đó nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Trong điều kiện hiện nay, trước tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ảnh hưởng đến uy tín, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thì việc phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng để rèn giũa phẩm chất đạo đức, lập trường chính trị, năng lực công tác của cán bộ đảng viên, qua đó nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên càng trở nên cấp thiết.

2. Hoạt động của tổ chức cơ sở đảng rất đa dạng, phong phú và về cơ bản tuân theo Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của các cấp lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện mục tiêu rèn luyện bản lĩnh, năng lực lãnh đạo của cán bộ đảng viên qua đó nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới nội dung, hình thức, duy trì nghiêm, đều đặn chế độ sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, không ít tổ chức cơ sở đảng không quan tâm đúng mức đến việc duy trì chế độ sinh hoạt đảng; trong sinh hoạt, còn có tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trước hết tùy thuộc vào việc có duy trì và thực hiện tốt chế độ sinh hoạt đảng hay không? Do tính chất công việc, trong giới hạn cho phép, sinh hoạt cấp ủy có thể kết hợp với sinh hoạt chính quyền, song sinh hoạt chi bộ, nhất thiết phải được duy trì đều đặn và độc lập. Duy trì đều đặn chế độ sinh hoạt là điều kiện bảo đảm việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Cần nâng cao nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của đảng viên và tổ chức cơ sở đảng trong việc thực hiện đều đặn và đúng thời gian quy định sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đi đôi với việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cấp ủy viên và đảng viên về việc thực hiện và phát huy dân chủ trong sinh hoạt.

Cấp ủy và chi bộ cần phải giáo dục cho đảng viên nhận thức sâu sắc về thực chất, nội dung và các hình thức, biện pháp thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc lãnh đạo của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đồng thời là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng.

Trong Đảng, để có sự thống nhất ý chí và hành động thì mọi quyết định của cấp ủy, của tổ chức đảng phải được xây dựng trên cơ sở thảo luận dân chủ, mỗi đảng viên phát huy tinh thần trách nhiệm tham gia thảo luận thẳng thắn, nói rõ chính kiến của mình. Kết luận của người chủ trì phải thể hiện được tinh thần, trí tuệ của tập thể, trở thành nghị quyết của cấp ủy, của chi bộ, đảng bộ. Đồng thời, phải ý thức sâu sắc rằng: chỉ có phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng mới phát huy được sức mạnh của mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy viên và của tổ chức cơ sở đảng, mới đem lại đoàn kết thực sự.

Thứ hai, đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên có hiệu quả sẽ góp phần vào việc trực tiếp nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Học tập lý luận có hiệu quả mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, thực hiện tốt công việc Đảng giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò giáo dục lý luận cho cán bộ đảng viên. Người viết: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau” và “... mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế”. Tăng cường giáo dục chính trị, lý luận là để trang bị lập trường giai cấp vô sản. Tiếp theo là để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Và để cán bộ, đảng viên tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Và cuối cùng là để thực hành trong thực tế. Học lý luận là để vận dụng, là để giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, là để phân tích, giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng cho hợp với điều kiện, đặc điểm Việt Nam. Khi vận dụng thì bổ sung làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Nâng cao ý thức học tập và tăng cường tính tự học của đảng viên, nhân dân trong quá trình triển khai học tập nghị quyết. Trước mắt, cần tập trung vào các giải pháp có tính chất bắt buộc để nâng cao tinh thần học tập của đảng viên, như quản lý chặt chẽ việc học tập nghị quyết của đảng viên từ giờ giấc đến sĩ số. Cơ quan tổ chức lớp học có nhiệm vụ theo dõi, quản lý sự hiện diện của cán bộ, đảng viên học tập nghị quyết.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Vì nếu người học không chịu tiếp thu, thiếu vận động, suy nghĩ, tư duy thì việc học cũng không hiệu quả. Do đó, nâng cao tính tự học, tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng trong đảng viên và nhân dân là giải pháp có tính căn cơ. Việc nghiên cứu nghị quyết trước khi tổ chức buổi triển khai học tập nghị quyết là rất quan trọng, các cấp ủy cần có biện pháp để đảng viên cùng nghiêm túc thực hiện.

Sự trao đổi, thảo luận trong quá trình học tập nghị quyết cũng có vai trò rất quan trọng. Tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận... thì những nội dung cơ bản của nghị quyết mới ăn sâu, tạo sự chuyển biến, thống nhất về tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên.

Cần tìm kiếm nhiều hình thức học tập nghị quyết khác, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng; mỗi chi bộ phân công người làm tuyên truyền viên, có nhiệm vụ nghiên cứu nghị quyết và sẵn sàng cùng trao đổi với đảng viên, nhân dân thuộc chi bộ mình để giúp mọi người hiểu sâu sắc nghị quyết;…

Thứ tư, tăng cường thực hành tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động lẫn nhau một cách biện chứng. Thực hiện tốt cả tự phê bình và phê bình sẽ có tác dụng to lớn trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện tốt, có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, từng cá nhân đảng viên, từng tổ chức đảng phải hiểu biết đúng tính hai mặt của vấn đề đó và biết cách giải quyết một cách khoa học, biện chứng mối quan hệ giữa hai mặt của nó. Cụ thể, có nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu của công tác tự phê bình và phê bình. Từng cá nhân đảng viên phải coi đây là công việc thường xuyên, tất yếu, quyết định sự tồn tại của mỗi cá nhân đảng viên và của toàn Đảng; coi tự phê bình và phê bình là nhu cầu của chính mình, có quyết tâm thực hiện theo trình tự khoa học và cụ thể, biết vượt qua những rào cản về tâm lý, nếp nghĩ cũng như những định kiến xã hội và dám chịu trách nhiệm trước bản thân và trước Đảng. Mỗi tổ chức cơ sở đảng, nhất là các chi bộ, phải thực hiện việc tự phê bình và phê bình một cách văn minh, nghiêm túc, nhằm phát huy tối đa tính tiên phong trong mỗi đảng viên, huy động được trí tuệ tập thể trong xây dựng Đảng; đồng thời, có những biện pháp cụ thể, kiên quyết, cứng rắn, hợp tình, hợp lý trước những biểu hiện và hành động chưa đúng của cá nhân đảng viên. Để thực hiện điều đó, mỗi tổ chức đảng phải nhìn nhận, đánh giá đảng viên khách quan, vừa trên cơ sở tình người, công bằng, dân chủ, vừa căn cứ vào Điều lệ, kỷ luật của Đảng. Thực hiện tốt việc tự phê bình là tiền đề quan trọng để thực hiện có hiệu quả việc phê bình. Hai việc này phải được tiến hành từ trên xuống dưới, từ cá nhân đến tổ chức; phải gắn với những công việc, con người, nhiệm vụ cụ thể, tránh cách nhìn nhận, đánh giá qua loa, đại khái, theo kiểu “hòa cả làng”. Đồng thời, phải được thực hiện có kế hoạch, bài bản, thường xuyên, và điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ chính nhu cầu không thể thiếu trong mỗi đảng viên và các tổ chức đảng.

Thứ năm, xây dựng chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ và nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên và giám sát của quần chúng. Kiểm tra của cấp ủy cấp trên nhằm nắm tình hình, phát hiện những mâu thuẫn nẩy sinh trong quan hệ giữa lãnh đạo và quản lý, giữa bí thư cấp ủy và chính quyền, cũng như những mâu thuẫn trong tổ chức, sinh hoạt cấp ủy và chi bộ. Nhờ có kiểm tra thường xuyên mà phát hiện kịp thời những hiện tượng vi phạm dân chủ để uốn nắn, khắc phục nhằm giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Đồng thời cũng nhờ có kiểm tra mà phát hiện những điển hình tiên tiến để nhân rộng. Công tác kiểm tra của cấp ủy cấp trên có thể là thường xuyên, theo định kỳ, cũng có thể là đột xuất khi phát hiện có vấn đề. Dù dưới hình thức nào cũng cần xây dựng thành chế độ kiểm tra. Công tác kiểm tra tổ chức cơ sở đảng còn phải được tiến hành thông qua sự giám sát của quần chúng nhân dân, bảo đảm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, một đặc tính mang bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Để thực hiện và duy trì chế độ giám sát của nhân dân với Đảng, cấp ủy Đảng cần công khai chương trình hoạt động, để dân biết và kiểm tra, nhất là công khai những việc đảng viên được làm và không được làm. Duy trì được chế độ giám sát từ dân đối với Đảng không chỉ góp phần hạn chế, tiến tới khắc phục được bệnh độc đoán chuyên quyền, ngăn chặn được bệnh quan liêu, tham nhũng của cán bộ, đảng viên mà còn phát hiện bổ sung những nội dung, hình thức mới nhằm mở rộng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng.

Thứ bảy, thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01-11-2011 về những điều đảng viên không được làm. Quy định 19 điều đảng viên không được làm chính là quy chế hóa việc rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ đảng viên, thiết thực ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tuy nhiên, mặc dù đã có Hướng dẫn thực hiện, nhưng việc triển khai ở nhiều tổ chức cơ sở đảng còn hình thức; tổ chức, quán triệt chưa đến nơi đến chốn. Không ít cán bộ đảng viên chưa nhớ hết các quy định này. Việc tự phê bình, phê bình định kỳ trong thực hiện Quy định còn qua loa, chiếu lệ; xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân vi phạm chưa nghiêm.

Cần tiến hành các biện pháp quán triệt sâu sát đến cán bộ đảng viên về nội dung Quy định; nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và cấp ủy trong việc chấp hành; tổ chức định kỳ kiểm điểm việc thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy các cấp, sự giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội; xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm. Đưa việc thực hiện tốt Quy định thành một tiêu chí thi đua, tiêu chuẩn xem xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ./.

------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 242

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 23

(3) Đề tài cấp ban Đảng KH BĐ (2013) - 14, Tăng cường thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI