Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2015 đã được tổ chức ngày 22-01, tại Hà Nội.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong năm qua. Mặc dù trong năm 2014, đất nước ta trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống và kinh nghiệm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nỗ lực của ngành đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực rộng, liên quan đến các vấn đề xã hội, vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới cần thực hiện theo đúng tinh thần làm rõ trách nhiệm giải trình; nghiên cứu phát huy những kết quả đã đạt được, sửa chữa hạn chế, để có thể thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách về an sinh xã hội để các chính sách đó được triển khai hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Tập trung vào một số lĩnh vực chính, như việc làm, đào tạo nghề, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm lo cuộc sống của người có công,...

Phó Thủ tướng lưu ý: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về lao động, dạy nghề, việc làm, thị trường lao động, tiền lương, an toàn, vệ sinh lao động,... Trong đó, trong năm 2015, ngành cần tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề theo nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược Dạy nghề đến năm 2020; đánh giá lại hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề (công - tư) để có lộ trình phát triển, sắp xếp lại căn bản hệ thống dạy nghề sao cho tiết kiệm, thiết thực nhất.

Liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, phòng, chống ma túy là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, cần sự đồng thuận cao trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu tỷ lệ cai nghiện thành công tại các trung tâm cai nghiện và sau cai nghiện. Đồng thời, trên cơ sở Đề án đổi mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần chuyển các trung tâm theo hướng tự nguyện theo đúng tinh thần bảo đảm quyền con người mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định. Đây là việc cần tập trung thực hiện trong năm 2015.

Khẳng định lĩnh vực người có công là việc làm không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp tốt với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp thực hiện tốt việc tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công, thực hiện dứt điểm công tác này. Bên cạnh đó, việc chăm sóc người có công cần gắn với giảm nghèo, bảo trợ xã hội để có thể tăng cường hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, nạn nhân xã hội để mọi đối tượng đều được hỗ trợ, tạo sự gắn kết, chia sẻ trong cộng đồng.

Năm 2015, các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra là: tạo việc làm cho 1,6 triệu người, trong đó: việc làm trong nước hơn 1,5 triệu người; xuất khẩu lao động 90 nghìn người; giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước từ 1,7% - 2% so với cuối năm 2014, trong đó các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP giảm 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 50%. Tuyển mới dạy nghề 2,15 triệu người. 98,5% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú,…

Năm 2014, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các chỉ tiêu kế hoạch về lao động, người có công và xã hội đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần cùng cả nước hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc hội giao - giải quyết việc làm khoảng 1,6 triệu lao động, đạt 100% kế hoạch, tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013.

Công tác tuyển mới dạy nghề ước đạt 2,023 triệu người, đạt 113,7% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính cuối năm đạt 49%. Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa: đến cuối năm 2014 cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề.

Cơ chế, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với người lao động.

Quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường. Năm 2014 gần 10,9 nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện 563 doanh nghiệp, cơ sở vi phạm; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các vi phạm, sự cố nghiêm trọng về an toàn lao động.

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8% - 2% so với cuối năm 2013 (từ 7,8% xuống còn 6% - 5,8%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014), hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Chế độ trợ cấp ưu đãi người có công được chi trả kịp thời, đầy đủ. Công tác trợ giúp xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; thanh tra; tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tiếp tục được quan tâm, thực hiện đồng bộ;…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội còn có khó khăn, tồn tại như: kết nối cung - cầu trên thị trường lao động vẫn còn diễn ra tình trạng mất cân đối cục bộ ở từng địa phương; chất lượng việc làm chưa cao, việc làm chưa ổn định, thiếu việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên, năng suất lao động thấp; vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Công tác tuyển sinh, dạy nghề trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề không đạt kế hoạch. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên./.