Chiều 15-01, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.


Báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả công tác từ năm 2013 đến nay, thầy Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, cho biết với đặc thù của một trường đại học vừa đào tạo trình độ cử nhân luật và kiến thức nghiệp vụ kiểm sát, tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành kiểm sát; vừa đào tạo, bồi dưỡng kiểm sát viên và các chức danh tư pháp khác của ngành kiểm sát, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội luôn coi trọng sự gắn kết giữa đào tạo lý thuyết với thực hành nghề; đào tạo kiến thức pháp luật với giáo dục, rèn luyện ý thức chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp theo tiêu chí người cán bộ kiểm sát trong tương lai.

Nhà trường đã từng bước xây dựng và tạo ra được một môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh, coi trọng giá trị đạo đức và lòng yêu ngành, yêu nghề của học viên, sinh viên.

Hiện nay, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đang triển khai đào tạo sinh viên hai khóa đại học chính quy với 520 sinh viên; liên kết với Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh và đào tạo chương trình cử nhân luật cho 157 sinh viên hệ văn bằng 2.

Cùng với việc đào tạo sinh viên đại học, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành kiểm sát.

Trường đã triển khai 38 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động,... liên quan đến chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát với 3.470 học viên.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội chú trọng công tác tuyển dụng cán bộ, giảng viên để bổ sung cho các đơn vị; đến nay, đã xây dựng, kiện toàn 13 đơn vị đầu mối với trên 150 công chức, viên chức và gần 90 giảng viên, trong đó có 9 tiến sĩ, 56 thạc sĩ,...

Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu pháp luật; xây dựng cơ sở vật chất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả công tác mà ngành kiểm sát nói chung, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nói riêng đạt được trong thời gian qua.

Chủ tịch nước lưu ý, trong thời gian tới Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần tiếp tục chú trọng công tác tuyển chọn đầu vào, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân; qua đó, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Nhà trường cần chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa là nơi nghiên cứu khoa học kiểm sát của ngành kiểm sát nhân dân; tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ,...

Ngành kiểm sát cần xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành một trong những trường trọng điểm quốc gia, từng bước vươn lên ngang tầm khu vực.

Chủ tịch nước mong muốn các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và sinh viên, học viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt; đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; bảo đảm sinh viên, học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch nước đã lắng nghe và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của các thầy, cô giáo và các sinh viên, học viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước chúc cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thắng lợi./.