TCCSĐT - Đó là quyết định được thông qua tại Kỳ họp thứ 17 (Kỳ họp bất thường) của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII vào ngày 30-12-2014.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung bàn về Tờ trình số 6824/TTr-UBND về “Tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn Thành phố”.

Phát biểu tại Kỳ họp, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng, hiện nay vướng mắc lớn nhất không chỉ Thành phố mà các tỉnh cũng đang gặp phải đó là do thiếu chế tài xử phạt, vì thế về lâu dài việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô như hiện nay là không hợp lý và tốt nhất vẫn nên thu thông qua phí xăng dầu. Cùng với quan điểm này, đại biểu Trần Quang Thắng lưu ý chế tài cho những người không đóng phí cần cân nhắc sao cho thuyết phục, được sự đồng thuận của người dân.

Băn khoăn đối với mức thu phí, đại biểu Huỳnh Quốc Cường cho rằng: “Chúng ta cần nhìn các tỉnh khác và nhìn vào mức thấp nhất và mức trần quy định về mức phí thu, tôi đề nghị mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy chỉ nên từ 50.000 - 100.000 đồng (mức tối đa hiện nay là 150.000 đồng/phương tiện có dung tích xylanh trên 175cm3). Trước ý kiến này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố chia sẻ: Thành phố cũng đồng cảm với nhiều người dân, đặc biệt là công nhân viên chức lao động sử dụng xe máy như một phương tiện mưu sinh, dung tích xylanh thấp, nhưng chúng ta không thể muốn giảm là giảm, mà phải đề xuất, kiến nghị lên Trung ương.

Đối với nguồn thu có được từ lĩnh vực này, nhiều ý kiến cho rằng, nếu để cho phường, xã thu sẽ không hợp lý bởi việc quản lý các đầu phương tiện là do công an quận, huyện,… Căn cứ vào thực tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay trên địa bàn quận có 18.000 xe gắn máy và khi tổ chức thu thì hằng năm huyện sẽ có thêm một khoản kinh phí và nếu để lại cho quận sử dụng bổ sung vào kinh phí duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng thì người dân sẽ dễ đồng tình hơn. Còn ông Nguyễn Văn Tươi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Chánh đồng tình nên giao cho địa phương thu phí và đề xuất để lại cho quận, huyện 100% nguồn thu này.

Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu về việc thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai chủ trương này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Hữu Tín cho biết: Hướng trước mắt, chúng ta sẽ tuyên truyền, vận động người dân nhận thức đúng ý nghĩa của chủ trương, đồng thời Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng phần mềm liên kết nhằm kiểm tra đầu phương tiện xe gắn máy. Và, “sau thời gian triển khai, Thành phố sẽ có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để kiến nghị với Trung ương hoặc ban hành chính sách mới sao cho phù hợp”, ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.

Để đi đến thống nhất chủ trương về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn Thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, tại Kỳ họp các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức làm sao để bảo đảm công bằng, khoa học, thuận lợi cho người dân khi nộp phí. Tiếp đó, việc bảo đảm nguồn phí của người dân đóng góp phải được sử dụng đúng mục đích, phục vụ lại lợi ích cho chính họ. Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của chính quyền trong vận động người dân đồng thuận với quy định của Nhà nước là rất quan trọng. “Trong quá trình triển khai chủ trương nếu bộc lộ bất cập và cần miễn cho những đối tượng nào thì chúng ta sẽ kiến nghị để miễn giảm tiếp nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.

Tại Kỳ họp, các đại biểu đã thông qua Tờ trình 6824/TTr-UBND về tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn Thành phố. Theo đó, mức phí đề xuất thu là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xylanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe từ 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175 cm3. Được biết, quy định triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, xe gắn máy được thực hiện từ năm 2013, tuy nhiên do tình hình và đặc điểm nên Ủy ban nhân dân Thành phố đã kiến nghị Hội đồng nhân dân Thành phố không truy thu, nộp phí trong các năm 2013, 2014. Do đó, sau khi được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại Kỳ họp này, việc thu phí sẽ áp dụng từ ngày 01-01-2015.

Đáng chú ý, các trường hợp được miễn thu là: Xe của lực lượng công an, quốc phòng; xe của chủ phương tiện là hộ nghèo, học sinh, sinh viên; xe của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Về chi phí sử dụng: sẽ để lại 10% số phí thu được cho các phường, thị trấn, 20% số phí thu được cho các xã, và tỷ lệ phần trăm phù hợp đối với các quận, huyện để xây dựng các công trình giao thông, xây dựng nông thôn mới…

Kỳ họp còn thông qua Tờ trình về giá đất mới, điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ tại trạm thu phí qua cầu Phú Mỹ theo địa bàn Thành phố.

Theo đó, bảng giá đất năm 2015 sẽ có 19 quận áp dụng khung giá của đô thị đặc biệt, từ 1,5 triệu đồng/m2 đến 162 triệu đồng/m2; có 5 thị trấn của 5 huyện áp dụng theo khung giá từ 120.000 đồng/m2 đến 15 triệu đồng/m2, trong bảng giá đất năm 2015, nhóm đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2014. Bảng giá đất năm 2015 được chính thức áp dụng từ 09-01-2015.

Việc tăng mức phí sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí qua cầu Phú Mỹ (nối quận 2 với quận 7); áp dụng từ 09-01-2015. Theo đó, mức thu tăng 1,5 lần (nhóm xe dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt chở khách công cộng); tăng 1,35 lần (nhóm xe từ 12 - 30 chỗ ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn); tăng 1,16 lần (xe từ 31 ghế trở lên, xe tải từ 4 tấn đến dưới 10 tấn); riêng xe tải và xe chở hàng bằng container không tăng./.