TCCSĐT - Nhu cầu sinh con, nhất là con trai của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao. Chất lượng dân số thấp, số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ còn đáng lo ngại. Đây là những vấn đề cần sớm được giải quyết tạo nguồn nhân lực có chất lượng góp phần vào thành công của Chiến lược biển Việt Nam đến 2020.

Các vùng biển, đảo và ven biển hiện nay có quy mô dân số hơn 29 triệu người, chiếm khoảng 34,6% dân số cả nước, mật độ dân số 373 người/ km2, gấp 1,5 lần mật độ dân số trung bình của cả nước. Tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các huyện đảo và ven biển cao hơn các huyện khác trong cùng tỉnh và cao hơn mức bình quân của cả nước. Đặc biệt, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có tới 13/28 tỉnh, thành phố ven biển (chiếm khoảng 44% dân số biển) chưa đạt mức sinh thay thế, trong khi cả nước từ năm 2006 đã đạt mức sinh thay thế (dưới 2,1 con).

Nhìn nhận thực tế của địa phương trong công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại vùng biển, đảo và ven biển còn nhiều hạn chế, bất cập như: trang thiết bị y tế còn hạn chế, số lượng bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của địa phương. Đa số các huyện vùng biển, đảo và ven biển đa phần đều là huyện nghèo, trình độ dân trí thấp và chưa đồng đều, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhu cầu có con trai nối dõi và sinh thêm con của các cặp vợ chồng vùng biển luôn ở mức cao và có chiều hướng tăng. Điều này đã khiến số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng về trí tuệ đang có chiều hướng tăng do phần lớn số phụ nữ chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi sinh con, sống trong môi trường biển ngập mặn chưa được tư vấn và khám phụ khoa để ngăn ngừa bệnh tật... Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường. Hầu hết trang thiết bị tại một số trạm còn thiếu, chưa được nâng cấp, không đủ đáp ứng việc khám chữa bệnh cho người dân. Những người đi biển ít được tiếp cận với công tác truyền thông và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Chương trình Mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, dù không tách rời các vùng biển, đảo và ven biển nhưng cũng chưa tính đến việc giải quyết những đặc thù riêng về địa lý, kinh tế - xã hội và tập quán khác nhau của người dân sinh sống tại vùng này. Người dân vùng biển, đảo và ven biển chưa có nhiều cơ hội và điều kiện được tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên dân số - những người luôn “bám” ngư dân để truyền thông, tư vấn dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản..., cần bám sát địa bàn hơn nữa, nhằm góp phần giúp các gia đình ngư dân có cuộc sống hạnh phúc, tình dục an toàn.

Có thể nói rằng, đội ngũ cộng tác viên dân số - những người luôn “bám” ngư dân để truyền thông, tư vấn dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản là những người có điều kiện tuyên truyền và hiệu quả nhất bởi họ ở ngay trong cộng đồng và có những quan hệ gần gũi với các đối tượng. Tuy nhiên, đội ngũ cộng tác làm công tác dân số trên biển, đảo cần có sự kiên trì để tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, rồi có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi có lợi cho bảo vệ sức khỏe. Nếu thành công, đây sẽ là mắt xích quan trọng, góp phần quyết định vào việc chuyển đổi hành vi dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản của các nhóm đối tượng ở trong cộng đồng./.