Nhiều hiệp định thương mại tự do và các cuộc đối thoại hay thương thảo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trở thành điểm nhấn trong năm tới.

Các học giả đều tán đồng quan điểm rằng hội nhập khu vực cũng là một bước trong tiến trình hội nhập của các nền kinh tế vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, ông Doborah Elms, Giám đốc điều hành Trung tâm tư vấn thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore, cho biết chuỗi cung ứng trở nên lớn hơn và sâu rộng hơn so với điều mọi người vẫn nghĩ.

Dịch vụ đi kèm và nguồn vốn đầu tư cũng rất đáng kể. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các nước thành công trong việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong buôn bán và trong chuỗi cung ứng sẽ tiến xa hơn so với các nước không thực hiện điều này.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Hiệp hội gồm 10 nước thành viên ASEAN đã đưa ra scorecard để "đo lường" sự tiến triển trong quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và AEC là trụ cột chính để hình thành Cộng đồng khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN cho rằng khoảng 85% mục tiêu đề ra đã hoàn tất, nhưng thừa nhận 15% còn lại là nhiệm vụ thách thức nhất.

Phó giáo sư Kaewkamol Pitakdumrongkit thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng những công việc đã làm chủ yếu liên quan đến vấn đề giảm thuế, trong khi các mục tiêu còn lại cần được thực hiện liên quan đến các lĩnh vực phi thuế quan, thương mại dịch vụ, tự do hóa đầu tư và sự luân chuyển tự do nguồn lao động lành nghề.

Các quan chức ASEAN mới đây cho biết năm 2015 sẽ trở thành dấu mốc trong việc tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hội nhập khu vực. ASEAN vừa đưa ra kế hoạch để đưa tiến trình xây dựng cộng đồng chung vào một giai đoạn mới.

Theo bà Kaewkamol, việc đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực là sự thay đổi quan trọng nhất trong thập niên tới. Hy vọng ASEAN sẽ tính tới điều này trong kế hoạch mới.

Trong khi đó, Trung Quốc và ASEAN đã bắt đầu đàm phán về việc nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do sẵn có, trong đó nhấn mạnh tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư. Phía Trung Quốc đưa ra một số đề xuất, bao gồm Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á.

Một thỏa thuận khác đang được dõi theo là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với sự tham gia của ASEAN và sáu nền kinh tế đối tác. Mục tiêu của các nước tham gia là hoàn tất đàm phán về tự do thương mại khu vực trong năm 2015. Một số người cho rằng mục tiêu này không dễ dàng thực hiện, vì các nước tham gia vẫn đang tranh cãi về cách thức đàm phán và vấn đề tiếp cận thị trường.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tiếp tục được mọi người quan tâm trong năm 2015, dù giới học giả nhìn nhận không giống nhau về triển vọng của hiệp định nhiều tham vọng này./.