Bảo vệ môi trường đồng bằng sông Cửu Long
Vai trò chiến lược của môi trường sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với dân số 17,42 triệu người, diện tích tự nhiên là 4.060.400 ha, có bờ biển dài trên 740 km với hải phận trên biển 360.000 km2. Đây là một vùng đất ngập nước điển hình của quốc gia với chế độ ngập lũ, ngập mặn và hệ thống sông rạch chằng chịt chi phối đất đai trong toàn vùng, có các hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm, các hệ sinh thái nông nghiệp rất phong phú và phát triển. Thềm lục địa của ĐBSCL có các bể trầm tích Cửu Long và bể trầm tích Nam Côn Sơn với tiềm năng dầu khí trên 5 tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ mét khối khí thiên nhiên, mở ra triển vọng rất to lớn để ĐBSCL phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chế độ ngập lũ của ĐBSCL từ sông Mê Kông đổ về qua sông Tiền khoảng 77% - 80% và sông Hậu 20% - 23% với tổng lưu lượng khoảng 40.000m3/s, chi phối ngập lũ 1,4 - 1,9 triệu héc ta, tập trung ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long... kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 hằng năm. Chế độ ngập mặn ở ĐBSCL chịu sự chi phối của chế độ bán nhật triều trên biển Đông và chế độ nhật triều biển Tây vịnh Thái Lan, tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang... với tổng diện tích khoảng 1,4 triệu - 1,5 triệu ha. Những năm gần đây quá trình chuyển dịch cơ cấu canh tác nông nghiệp lúa nước truyền thống sang nuôi tôm nước mặn đã làm cho diễn biến xâm nhập mặn gia tăng nhanh chóng, gây áp lực đối với hệ canh nước ngọt ở khu vực ĐBSCL.
Tài nguyên đất ở ĐBSCL gồm: đất cát 43.320 ha, chiếm 1,09%; đất mặn 744.550 ha, chiếm 18,75%; đất phèn 1.600.000 ha, chiếm 40,29%; đất phù sa 1.184.860 ha, chiếm 29,84%; đất than bùn 24.030 ha, chiếm 0,6% và đất sông rạch khoảng 374.484 ha, chiếm 9,43%. Đặc biệt đất phèn ở ĐBSCL khá lớn tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau... với diện tích khoảng 1,5 triệu ha. Hoạt động canh tác nông - lâm - ngư những năm gần đây đã làm gia tăng quá trình lan truyền phèn có tác động đến môi trường nước, môi trường đất và hệ sinh thái ở ĐBSCL.
Cơ cấu kinh tế của ĐBSCL hiện nay như sau: khu vực nông - lâm - ngư nghiệp là 48%, khu vực công nghiệp và xây dựng là 22% và khu vực dịch vụ là 30%. Cơ cấu đó đã cho thấy, nền kinh tế - xã hội ở đây về cơ bản phụ thuộc vào sinh thái và môi trường. Trạng thái và chất lượng môi trường nước, môi trường đất và các hệ sinh thái có tính chất quyết định đến chất lượng và sản lượng các sản phẩm nông - lâm - ngư và chế biến được tạo ra ở đây. Qua thực tiễn của quá trình phát triển đã cho thấy, ĐBSCL có tiềm năng phát triển nông - lâm - ngư nghiệp rất mạnh mẽ, bình quân sản xuất trên 19 triệu tấn lúa/năm, khai thác thủy hải sản trên 2 triệu tấn/năm và trái cây ăn quả rất đa dạng với trên 1,5 triệu tấn/năm. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL chiếm hơn 1/3 của cả nước, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản hơn 2/3 của cả nước. Số liệu trên đây cho thấy, vùng này là nơi cung cấp nguyên liệu chủ lực cho sản xuất chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt là cân bằng an ninh lương thực cho cả nước và trong khu vực. Tuy nhiên, ĐBSCL lại đang phải đối mặt với một số vấn đề ô nhiễm môi trường hết sức bức xúc cần giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Thực trạng về môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long
Sức ép dân số đang gia tăng
Dân số tăng nhanh, tài nguyên suy giảm, môi trường ô nhiễm... đã gây áp lực ngày càng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đến tài nguyên, môi trường và ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Năm 1995, dân số trong khu vực ĐBSCL là 15,33 triệu người, nay đã đạt trên 17,42 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trên 4,52%, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 9,25%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 560 USD/người/năm, thấp hơn bình quân trong cả nước... Các nguồn chất thải từ sinh hoạt và đời sống của dân cư... hầu hết chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến chính sức khỏe của nhân dân trong khu vực.
Môi trường nước và đất bị biến đổi
Quá trình sử dụng đất trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, đô thị hóa... làm gia tăng độ phèn hóa, mặn hóa, nhiễm bẩn môi trường đất, nước và hệ sinh thái gây ô nhiễm môi trường. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên rất nhanh, năm 2000 là 445.300 ha đến năm 2006 đã là 699.200 ha, với tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng 1.171.001 tấn, chiếm trên 70% sản lượng nuôi trồng và trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tổng lượng bùn thải và chất thải nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL khoảng 456 triệu m3/năm. Đặc biệt, trong nông nghiệp hằng năm sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm nuôi trồng thủy sản... gây tác động nhiều mặt tới môi trường và sức khỏe của người dân.
Diễn biến của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu khiến nước biển dâng cao có thể trên 1m trong vài chục năm tới sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy và gây áp lực đến 90% diện tích ngập nước và khoảng 14 triệu người dân sinh sống. ĐBSCL bị tác động mạnh mẽ của các diễn thế xâm nhập mặn và diễn thế ngập lũ quy mô lớn với cường độ ngày càng cao trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở đây.
Hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học bị suy giảm
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, rừng tràm ngập úng ở khu vực ĐBSCL đã bị suy giảm do quá trình khai hoang phát triển canh tác nông nghiệp, phá rừng nuôi trồng thủy sản. Đến nay diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực chỉ còn khoảng 356.200 ha, trong đó rừng tự nhiên chỉ chiếm khoảng 15% và còn lại 85% là rừng trồng tái sinh. ĐBSCL có 10 khu đất thuộc vùng bảo tồn đất ngập nước của quốc gia. Điểm trình diễn bảo tồn rạn san hô và thảm cỏ biển ở quần đảo Phú Quốc gần đây đã cho thấy tiềm năng sinh học và các hệ sinh thái khá quan trọng ở đây. Theo các nhà khoa học, tính đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm trong khu vực ĐBSCL được thể hiện: có 239 loài cây, 36 loài thú, 182 loài chim đầm lầy, 34 loài bò sát và 6 loài lưỡng cư. Tại vùng biển và ven biển có đến 260 loài cá được ghi nhận và rất nhiều loại nhuyễn thể, giáp xác... sinh sống. Tuy nhiên, tính đa dạng sinh học và các hệ sinh thái ở khu vực ĐBSCL đã bị suy giảm đến mức khá nghiêm trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Môi trường biển và ven biển bị xuống cấp
ĐBSCL với bờ biển dài 740 km kéo dài từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây vịnh Thái Lan có tiềm năng kinh tế và an ninh - quốc phòng to lớn của cả nước. Các hoạt động thăm dò khai thác, vận chuyển, sản xuất và kinh doanh dầu khí có nguy cơ gây sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường trên sông và ven biển. Các hoạt động nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và đời sống... với các nguồn thải chưa xử lý triệt để đang tác động đến vùng ven biển, cửa sông làm cho chất lượng môi trường bị suy giảm. ĐBSCL có đến 81 vị trí xói lở bờ sông, bờ biển và 37 khu bồi lắng có nguy cơ gây sự cố môi trường. Sự cố tràn dầu vào bờ biển diễn ra trong những năm gần đây và nhất là năm 2007 đã tác động đến môi trường biển và ven biển tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang... gây thiệt hại kinh tế và môi trường ở khu vực ven biển ĐBSCL.
Hậu quả chiến tranh hóa học vẫn nặng nề
Từ năm 1961 đến 1972 quân đội Mỹ đã tiến hành rải thảm trên 76,9 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang xuống một diện tích bằng 24% - 27% tổng diện tích miền Nam, trong đó chủ yếu là chất độc da cam chứa thành phần đi-ô-xin độc hại. Diện tích rừng ngập mặn đã bị tàn phá với trên 13.520 ha. Hậu quả của chiến tranh hóa học gây thiệt hại cho tài nguyên, môi trường, con người và còn gây hậu quả thương tâm cho nhiều thế hệ nối tiếp ở đây.
Môi trường đô thị và sản xuất công nghiệp đang gia tăng ô nhiễm
Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở khu vực ĐBSCL đã có bước phát triển rất nhanh chóng. Nếu như năm 2003 có 10.900 cơ sở thì đến năm 2007 đã phát triển tới 14.258 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ đang hoạt động. Năm 2003 có 68 khu công nghiệp và cụm công nghiệp với tổng diện tích 15.154 ha, đến 2007 toàn khu vực ĐBSCL đã có 151 khu công nghiệp và cụm công nghiệp sản xuất tập trung, với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 1.029 triệu USD và vốn đầu tư trong nước khoảng 15.820 tỉ đồng, giải quyết việc làm trên 60.000 lao động. Định hướng đến năm 2010 là 31.500 ha và năm 2020 sẽ là 50.000 ha. Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt 606.267 tấn/năm, nước thải sinh hoạt 102 triệu m3/năm, chất thải rắn công nghiệp là 222.032 tấn/năm, chất thải rắn công nghiệp nguy hại 2.000 tấn/năm, nước thải công nghiệp là 47,2 triệu m3/năm, rác thải y tế 3.800 tấn/năm, các nguồn thải này chưa được xử lý triệt để đang gây nên các áp lực nhiều mặt đến ô nhiễm môi trường và sức khỏe của nhân dân. Phát triển đô thị và khu công nghiệp với tốc độ quá nhanh đang thực sự gây ra áp lực nhiều mặt đến môi trường sinh thái.
Nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn còn rất hạn chế
Nguồn nước trên sông Tiền, sông Hậu, các nhánh sông trong lưu vực và trên các cửa sông thông ra biển... đã có các dấu hiệu ô nhiễm với các chỉ tiêu: BOD, COD, Coliform, H2S, NH4, phèn sắt... do các nguồn thải từ sản xuất công nghiệp, đô thị và các khu dân cư, nguồn thải nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp... chưa được xử lý triệt để vẫn tiếp tục thải vào hệ thống sông rạch trong khu vực. Nguồn nước ngầm được khai thác và sử dụng cho đời sống sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, canh tác nông - lâm - ngư nghiệp... chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới sự sụt giảm mực nước ngầm ở một số nơi, sự nhiễm bẩn tầng nước ngầm. Sự xâm nhập mặn, nhiễm phèn còn phổ biến, nhiễm asen cũng đã được phát hiện ở Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu... Hiện nay ở ĐBSCL còn khoảng 20% - 30% số hộ gia đình chưa có nước sạch để sử dụng trong đời sống và sinh hoạt. Diễn biến dịch bệnh đối với con người như các bệnh phụ khoa, bệnh tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da liên quan đến nước gia tăng. Dịch bệnh khiến tôm nuôi, cá nuôi chết hàng loạt trong ngành thủy sản, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, trong nông nghiệp... diễn ra khá phổ biến với quy mô tăng lên. Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường ở ĐBSCL đã trở thành bức xúc cần giải quyết trong quá trình phát triển ở khu vực ĐBSCL.
Một số định hướng cho công tác bảo vệ môi trường khu vực ĐBSCL trong thời gian tới
Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường khu vực ĐBSCL trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cấp bách dưới đây:
Một là: Tập trung thực hiện tốt việc gắn kết hài hòa yêu cầu bảo vệ môi trường trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với chiến lược phát triển vùng ĐBSCL như: quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù ở ĐBSCL; quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quy hoạch phát triển đô thị và các khu dân cư, cụm dân cư gắn liến với nhu cầu cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái gắn liền với đặc điểm vùng đất ngập nước đặc thù của các hệ sinh thái trong mối quan tâm bảo vệ môi trường; quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường thủy trong đó giải quyết hài hòa các vấn đề ngập mặn, ngập lũ.
Hai là: Nhanh chóng đánh giá, dự báo và xây dựng kịch bản cho toàn vùng nhằm đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu làm nước biển dâng cao, ảnh hưởng với vùng ĐBSCL trong những năm tới. Các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm và coi đây là nhiệm vụ cấp bách đối với toàn vùng.
Ba là: Tiến hành điều tra đánh giá một cách tổng thể tác hại của chất độc hóa học đi-ô-xin trong chiến tranh chống Mỹ, nghiên cứu sự tồn dư chất độc đi-ô-xin, tác hại di truyền trong cộng đồng dân cư ở khu vực ĐBSCL; qua đó đề xuất một kế hoạch hỗ trợ, khắc phục hậu quả lâu dài cho toàn vùng, trong đó tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ từ các chính phủ, tổ chức quốc tế.
Bốn là: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc đặt ra. Giám sát chặt chẽ quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Giám sát các dự án đầu tư, từ ngay khi xây dựng dự án, thẩm định dự án, đầu tư dự án và đưa vào hoạt động, kiên quyết xử lý triệt để các hình thức vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, hỗ trợ chủ dự án đầu tư trong việc lựa chọn và chuyển giao công nghệ sản xuất sạch ít gây ô nhiễm môi trường, hỗ trợ vốn đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường tại cơ sở. Nâng cao năng lực trong việc quan trắc chất lượng môi trường, ứng cứu xử lý kịp thời các sự cố môi trường, suy thoát môi trường và ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình phát triển.
Năm là: Tăng cường năng lực hoạt động nghiên cứu khoa học môi trường, ứng dụng công nghệ môi trường và chuyển giao công nghệ môi trường vào thực tiễn nền kinh tế - xã hội, bảo đảm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở khu vực ĐBSCL. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao hiệu quả các công nghệ xử lý môi trường như: công nghệ xử lý rác thải, nước sinh hoạt ở vùng đất ngập nước, công nghệ xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại, công nghệ xử lý chất thải y tế, công nghệ xử lý chất thải trong chế biến và nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, công nghệ cung cấp nước sạch hợp vệ sinh, các công nghệ sản xuất và canh tác hợp sinh thái với vùng đất ngập nước ở ĐBSCL...
Sáu là: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục môi trường, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường một cách rộng rãi đến mọi tổ chức, các doanh nghiệp, các thành phần trong xã hội để tăng cường hiểu biết pháp luật, tuân thủ và thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường một cách toàn diện. Tăng cường cơ chế giám sát của các tổ chức đoàn thể, các cộng đồng dân cư và mọi người dân đối với vấn đề môi trường trong các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu dân cư trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Bảy là: Trong xu thế hội nhập quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ, cần nhanh chóng phát huy hiệu quả chuyển giao khoa học - công nghệ, trong đó có việc tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học về tài nguyên môi trường, đánh giá tài nguyên và môi trường sinh thái, đồng thời tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ xử lý môi trường, trao đổi thông tin công nghệ môi trường, nhất là tạo cơ chế chính sách ưu đãi để mở rộng thị trường công nghệ môi trường vào thực tiễn nền kinh tế ở khu vực ĐBSCL nhằm tạo ra dòng chảy công nghệ môi trường đáng tin cậy vào khu vực bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở khu vực ĐBSCL./.
Một số vấn đề về giáo dục quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (09/12/2008)
Để giữ vững những nguyên tắc xây dựng đạo đức của Hồ Chí Minh  (09/12/2008)
Những thách thức trong bảo vệ môi trường  (09/12/2008)
Việt Nam với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người  (08/12/2008)
Việt Nam với Tuyên ngôn thế giới về quyền con người  (08/12/2008)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển