Ngày 01-11 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên dương 111 học sinh dân tộc thiểu số học giỏi năm 2014. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự.

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích học tập xuất sắc của 111 học sinh dân tộc thiểu số. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn xóa đói giảm nghèo, muốn tiến lên ngang tầm thế giới thì việc học của lớp trẻ vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng cao.

Đánh giá cao sự phối hợp của Ủy ban Dân tộc, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các nhà tài trợ tổ chức chương trình nhiều ý nghĩa này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Dân tộc phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các chính sách về giáo dục - đào tạo của vùng dân tộc thiểu số để nhân rộng những mô hình tốt, không để học sinh vì khó khăn mà không được đi học. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm tới đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa, bảo đảm cuộc sống cũng như chính sách xã hội cho giáo viên. Cấp ủy chính quyền địa phương cần coi giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số là trách nhiệm quan trọng, là việc lâu dài cần ưu tiên để thoát nghèo bền vững.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn, những năm gần đây, cùng với chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, công tác giáo dục mũi nhọn đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được tăng cường. Cả nước hiện nay có 304 trường phổ thông nội trú. Hầu hết các tỉnh, huyện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều có trường phổ thông dân tộc nội trú, một số địa phương có trường liên huyện, trường cụm xã. Nhiều học sinh của các trường phổ thông nội trú đã giành giải cao trong các kỳ thi quốc gia và đỗ thủ khoa, đạt điểm cao trong các kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức xã hội để xây dựng, ban hành các cơ chế ưu tiên, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục.

Trong số 111 học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương, có những tấm gương đã vượt qua nghịch cảnh, nỗ lực đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Đó là em Vừ Mí Kỵ, dân tộc Mông, nhà nghèo với 8 anh em, mẹ mất sớm, để được đi học, Kỵ chấp nhận vượt 300 cây số học xa nhà. Với niềm đam mê dành cho môn Lịch sử, em đã không ngừng học hỏi từ thầy cô, bạn bè để có được giải Nhì Quốc gia môn Lịch sử.

Việc tổ chức tuyên dương học sinh dân tộc thiểu số học giỏi nhằm khích lệ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biết vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước./.