TCCSĐT - Ngày 12-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sỹ Trung đoàn 95, Trung đoàn 5, thuộc Sư đoàn bộ binh 5 hy sinh tại thị xã Long Khánh, trong trận tập kích quân địch tại cứ điểm Hoàng Diệu vào rạng sáng ngày 18-5-1969; thăm và khảo sát tình hình hoạt động tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sỹ

Lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sỹ do tỉnh Đồng Nai tổ chức. Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cùng lãnh đạo Quân đội, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo nhiều tỉnh thành đã đến dự lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sỹ.

Hài cốt 36 liệt sỹ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Hoàng Diệu vừa được tỉnh Đồng Nai tìm thấy trong một hố chôn tập thể tại ấp Bảo Vinh B, xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh. Vị trí hố chôn tập thể được phát hiện cách đồn Hoàng Diệu khoảng 200m.

Tại buổi lễ truy điệu và an táng 36 hài cốt liệt sỹ thuộc Trung đoàn 95 và Trung đoàn 5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Đồng Nai đã kính cẩn nghiêng mình dâng những nén hương thơm bày tỏ lòng biết ơn tới những hy sinh của các chiến sỹ để có được ngày độc lập như hôm nay.

Lãnh đạo thị xã Long Khánh xúc động đọc điếu văn ôn lại thời khắc lịch sử 45 năm trước: Trước năm 1975, Long Khánh là chiến trường của quận Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, là một tiền đồn quân sự quan trọng của địch, nằm giáp ranh giữa Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và tỉnh Bình Thuận, là một trong những mặt trận trọng điểm hết sức ác liệt của chiến trường Đông Nam Bộ, nơi được mệnh danh là “cánh cửa thép của chính quyền Sài Gòn.”

Trong nhiều năm liền, nhất là từ năm 1966, khi quân viễn chinh Mỹ có mặt ngày càng đông tại miền Đông Nam Bộ, Ngụy quyền Sài Gòn đã mở rộng Long Khánh thành một cứ điểm quân sự lớn ở miền Nam Việt Nam nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, Long Khánh đã trở thành nơi đóng các căn cứ quân sự quan trọng của địch như căn cứ trung đoàn thiết giáp số 11, căn cứ pháo binh Hoàng Diệu của quân đội Mỹ, hậu cứ của sư đoàn bộ binh Ngụy số 18, trung tâm huấn luyện Cục Tình báo Hoa Kỳ (CIA)…

Trong trận tập kích cứ điểm Hoàng Diệu, vào rạng sáng ngày 18-5-1969, bộ đội Việt Nam gồm Trung đoàn 95, Trung đoàn 5 đã tổ chức cuộc tập kích vào căn cứ của địch nhằm làm tiêu hao sinh lực địch; đồng thời để phá hủy một lượng pháo binh của chúng và tiêu diệt lực lượng đến ứng cứu tiếp viện.

Tuy nhiên, do lực lượng, phương tiện, khí tài của ta không cân sức, dưới làn mưa đạn pháo của kẻ thù, nhiều chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh. Kết thúc trận đánh, địch đã chôn 36 chiến sỹ vào một hố chôn tập thể.

Tại buổi lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sỹ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đồng Nai bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc tới vong linh các anh hùng liệt sỹ.

Ông Nguyễn Văn Nải, Bí thư Thị ủy Thị xã Long Khánh cho biết, từ năm 1992 đến nay, thị xã Long Khánh đã tổ chức 9 đợt khảo sát, tìm kiếm để tìm kiếm 36 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong trận tập kích căn cứ Hoàng Diệu.

Tuy nhiên, đến ngày 13-9 vừa qua trong một đợt tìm kiếm, các cơ quan chức năng mới phát hiện được hố chôn tập thể 36 hài cốt liệt sỹ thuộc Trung đoàn 95 và Trung đoàn 5 hy sinh trong trận đánh trên.

Sau lễ truy điệu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nghi thức an táng 36 hài cốt liệt sỹ thuộc Trung đoàn 95, Trung đoàn 5 trong trận tập kích căn cứ Hoàng Diệu trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ thị xã Long Khánh.

Hài cốt của các liệt sỹ được an táng trong một ngôi mộ tập thể được đặt trang trọng trong khuôn viên nghĩa trang. Trên bia mộ ghi: Phần mộ tập thể 36 liệt sỹ Trung đoàn 95, Trung đoàn 5 (Sư đoàn bộ binh 5) trong trận tập kích căn cứ Hoàng Diệu ngày 18-5-1969).

Tại buổi lễ, thân nhân của của liệt sỹ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đã đến thắp hương, kính cẩn nghiêng mình trước hương linh các liệt sỹ, đồng thời vun nắm đất lên phần mộ để các liệt sỹ yên nghỉ cùng đồng đội tại nghĩa trang liệt sỹ thị xã Long Khánh.

Chủ tịch nước khảo sát Khu công nghiệp Long Đức

Ngày 12-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và khảo sát tình hình hoạt động tại Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Khu công nghiệp Long Đức được Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Long Đức xây dựng nhằm thu hút các khách hàng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; đồng thời đón nhận chủ trương của Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ vùng kinh tế Kansai.

Khu công nghiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ hoàn hảo và hiện đại cho các khách hàng: công nghệ thông tin, hải quan, dịch vụ cung cấp nhân sự, hệ thống xử lý nước thải, điện, gas. Chỉ sau một năm vận hành, Khu công nghiệp thu hút 31 dự án đầu tư, với tổng giá trị gần 900 triệu USD, lấp đầy 60% diện tích đất.

Các nhà đầu tư Nhật Bản và tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chủ tịch nước giải quyết một số vướng mắc trong vận hành, áp dụng ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp hỗ trợ.

Chủ tịch nước hoan nghênh các nhà đầu tư Nhật Bản nhiệt tình hưởng ứng chủ trương đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam; cho rằng điều này cũng phù hợp với thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa Chính phủ hai nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Công ty Long Đức đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản, sớm lấp đầy khu công nghiệp, tiếp tục nghiên cứu và đầu tư thêm các khu công nghiệp khác theo hình mẫu đã thành công, góp phần thúc đẩy sự gia tăng của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên lãnh thổ Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận các kiến nghị và cho biết các bộ, ngành Việt Nam đang soạn thảo một số chính sách mới, có tính ưu đãi đối với khu vực công nghiệp hỗ trợ để trình Quốc hội thông qua./.