Ngày 7-10, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị thứ trưởng quốc phòng ASEAN - Nhật Bản lần thứ 6, tại thành phố Yokohama, Nhật Bản.
Hội nghị lần này tập trung thảo luận hai chủ đề chính là “Hiện trạng liên quan đến an ninh biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “Những cách thức để duy trì/cải thiện tình hình an ninh biển trong khu vực”.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các bên đều dành sự quan tâm đặc biệt đến hòa bình và ổn định trên biển do an ninh trên biển có tác động đến toàn bộ tình hình an ninh, chính trị và kinh tế của toàn khu vực và thế giới.

Trả lời phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng lý do khiến Nhật Bản và ASEAN quan tâm đến hợp tác an ninh chung là vì không có xung đột lợi ích chiến lược giữa các bên trong khi sự chia sẻ lợi ích ngày càng lớn trên nhiều phương diện như chính trị, kinh tế, địa chiến lược về quốc phòng an ninh.

Các nước ASEAN ngày càng có nhiều thách thức và lợi ích an ninh phù hợp với những vấn đề Nhật Bản cùng quan tâm. Vì vậy, mối quan hệ này diễn ra hết sức tốt đẹp, bình đẳng, cùng có lợi, đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản và ASEAN đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới.

Thứ trưởng cho biết ASEAN và Nhật Bản cũng cùng chung lo ngại về các diễn biến mới đây ở trên biển, trong đó có biển Hoa Đông và Biển Đông, liên quan đến các hành xử không tôn trọng luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền các nước và đặc biệt là ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải, ảnh hưởng đến tự do thương mại.

Tất cả các quốc gia đều nhận thức được tính cần thiết của việc tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong các lĩnh vực an ninh cũng như với các quốc gia khác để các vùng biển trở nên hòa bình, ổn định, ít thách thức hơn và các bên cần đề ra biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn sao cho các thách thức này không dẫn đến nguy cơ nổ ra xung đột quân sự.

Để giải quyết các thách thức an ninh, Nhật Bản đã đưa ra một số sáng kiến và các lĩnh vực hợp tác cụ thể với các nước ASEAN trên các lĩnh vực phi truyền thống như cứu trợ thảm họa, chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn,…

Những vấn đề tranh chấp trên biển cũng được các nước đặc biệt quan tâm và các nước đều khẳng định rằng phải có một nhận thức chung về luật pháp, không có tiêu chuẩn kép và không có nhận thức khác nhau về luật pháp quốc tế, hành xử hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; khi có tranh chấp xảy ra, các bên cần đàm phán cả song phương và đa phương để giải quyết vấn đề.

Đánh giá về bước tiến trong quan hệ Nhật Bản và ASEAN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Thứ trưởng khẳng định bước tiến đầu tiên là các bên đều đạt được nhận thức chung là cần phải hợp tác về an ninh và bên cạnh lợi ích vẫn còn những thách thức.

Đó là cơ sở quan trọng nhất để đi đến hợp tác bền vững. Thứ trưởng cho rằng bước tiến thứ hai chính là việc ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng được lòng tin liên quan đến mục đích hợp tác giữa các bên vì lợi ích chung, vì hòa bình và ổn định.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh, các nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có được quy tắc ứng xử trên Biển Đông làm yên lòng các nước ASEAN, các đối tác và các quốc gia có lợi ích trên Biển Đông.

Tại hội nghị, các bên nhất trí tiến tới hành động từng bước tùy theo năng lực của từng quốc gia, nhằm đảm bảo lợi ích chung cho tất cả các nước tham gia. Các nước ASEAN và Nhật Bản tìm ra nội dung hợp tác cụ thể mà 10 nước ASEAN và Nhật Bản có thể cùng tham gia như các hoạt động hợp tác trên biển, cứu hộ cứu nạn, hợp tác về công nghiệp quốc phòng phục vụ cho an ninh biển và đặc biệt là hợp tác để đề ra nhận thức chung về cách ứng xử trên biển bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN, bao gồm cả quan hệ quốc phòng - an ninh, đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Nhật Bản là nước đầu tiên xúc tiến tổ chức hội nghị quốc phòng và xây dựng quan hệ đa phương với ASEAN bên cạnh hợp tác song phương giữa Tokyo với từng nước thành viên Hiệp hội./.