Các quốc gia đang phát triển yêu cầu cần có sự minh bạch và hỗ trợ hơn nữa trong cuộc chiến chống lại sự biến động về giá cả, đồng thời bảo vệ các sản phẩm của họ trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại cuộc họp của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) diễn ra ngày 6-10 ở Rome (Italy), khoảng 30 Bộ trưởng Nông nghiệp, phần lớn đến từ các nước châu Phi, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện năng suất và tính cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho rằng trong 40 năm qua, giá lương thực đã tăng gấp 2 hoặc 3 lần và mặc dù thực tế giả cả có giảm trong 6 tháng gần đây, nhưng vẫn còn cao hơn so với trước năm 2012.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Malawi, Allan Chiyembekeza, các hộ nông dân nhỏ ở châu Phi đang phải đối mặt với tình thế khó khăn như năng suất thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường hạn chế, thiếu thông tin, trong khi "các quy định quốc tế không đủ minh bạch".

Bộ trưởng Nông nghiệp Burkina Faso, Maham Zoungrana đã lấy ngành trồng bông của nước này làm dẫn chứng. Theo ông, ngành trông bông của Burkina Faso thường xuyên gặp phải những sự cạnh tranh thiếu bình đẳng từ các nước khác, trong đó có Mỹ, liên quan đến vấn đề trợ giá sản xuất.

Ông cho rằng sự cạnh tranh không lành mạnh này đang đe dọa hòa bình và sự thinh vượng trên thế giới.

Với Sierra Leone, nước vốn phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm cà phê và cacao, sản lượng nông nghiệp của nước này đã giảm mạnh trong năm nay do dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi.

Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, James Sasy nhấn mạnh dịch Ebola đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp và làm suy giảm đáng kể sản lượng vì những người bị nhiễm bệnh chủ yếu là nông dân. Theo ông sự hỗ trợ quốc tế đối với Sierra Leon là chưa đủ và cần có thêm hỗ trợ của nhiều các quốc gia và tổ chức viện trợ khác.

Đây là cuộc họp lần thứ 3 của FAO kể từ năm 2012, diễn ra trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu xuống thấp nhất kể từ năm 2010.

Tổng Giám đốc FAO khẳng định cơ quan này sẽ "thúc đẩy sản xuất lương thực và bảo hộ để đảm bảo rằng mọi người có thể tiếp cận với nguồn lương thực mà họ cần"./.