Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
TCCSĐT - Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện trình độ vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những nghệ thuật quân sự này vẫn giữ nguyên giá trị và là những kinh nghiệm quý báu để chúng ta vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành hơn 40 chiến dịch tiến công, từ chỗ chỉ tiêu diệt được một tiểu đoàn hay nhiều nhất là một tiểu đoàn tăng cường địch trong công sự vững chắc, tiến lên tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm kiên cố, với lực lượng tinh nhuệ hùng mạnh, bao gồm 21 tiểu đoàn địch.
Giai đoạn này, quân đội ta có những bước tiến về vũ khí, trang bị quân sự, với việc bổ sung một số loại mới, song chưa có sự phát triển mang tính đột phá. Điều đáng nói hơn cả, Chiến dịch Điện Biên Phủ là dấu mốc thể hiện sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chỉ đạo cách đánh chiến dịch, chiến thuật.
Ý nghĩa quyết định
Sau những thất bại liên tiếp trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào vào năm 1952 và đầu năm 1953, nhằm cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp buộc phải thay thế Tướng R. Xa-lăng (Raul Salan), cử Tướng H. Na-va (Henri Eugène Navarre) sang làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương. Sau khoảng hai tháng nghiên cứu và khảo sát chiến trường Việt Nam và Đông Dương, Tướng Na-va đã đề xuất một kế hoạch mới và được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua. Nội dung của kế hoạch nhằm thực hiện tiến công chiến lược ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, tránh giao chiến với quân chủ lực của ta trên chiến trường Bắc Bộ; sử dụng lực lượng đánh phá vùng tự do, đánh sâu vào hậu phương ta nhằm tiêu hao và cầm chân bộ đội chủ lực, phá kế hoạch tiến công của ta trên chiến trường chính Bắc Bộ.
Trước tình hình mới của cục diện chiến trường, tháng 9-1953, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng (mở rộng) họp ở Tỉn Keo (hiện nay thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn về kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Sau khi đánh giá tình hình cụ thể các chiến trường, âm mưu mới của Tướng Na-va, khả năng của ta, Hội nghị thông qua bản đề án của Tổng Quân ủy, mà nội dung cơ bản là giữ vững quyền chủ động chiến lược. Theo đó, ta sẽ sử dụng một bộ phận chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương, mở các cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động để đối phó; qua đó, khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của đối phương, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới. Khi thời cơ xuất hiện, nhanh chóng tập trung lực lượng, tiêu diệt bộ phận sinh lực quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.
Thực hiện kết luận của Hội nghị Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu sử dụng một bộ phận chủ lực, mở các cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, Thượng Lào, Trung - Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Đông Bắc Cam-pu-chia, là những nơi lực lượng địch mỏng, yếu, sơ hở, nhưng lại là những địa bàn chiến lược mà Pháp không thể từ bỏ. Đồng thời, Bộ Tổng Tư lệnh cũng chú trọng chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ, đánh bại các cuộc hành quân càn quét chiếm đất, bắt lính, giành dân của địch.
Như vậy, về chiến lược, ta giải quyết thành công vấn đề chọn hướng chiến lược và mục tiêu chiến lược chính xác, tổ chức và thực hành xuất sắc một cuộc tiến công chiến lược quy mô toàn chiến trường trên cả ba nước Đông Dương, phát huy mạnh mẽ quyền chủ động chiến lược, điều động địch theo ý muốn của ta và buộc chúng phải đánh theo cách đánh do ta lựa chọn, tiến tới lựa chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược.
Về nghệ thuật chiến dịch, ta giải quyết đúng đắn, kiên quyết và sáng tạo phương châm tác chiến từ chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh” kịp thời chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của toàn chiến dịch. Về phương pháp tác chiến của chiến dịch, ta hình thành thế bao vây toàn diện, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt gọn từng bộ phận quân địch, đánh liên tục cả ban ngày và ban đêm, đánh bằng các hình thức tiến công, phòng ngự, đánh phản kích, đánh lấn, lấn dũi, bắn tỉa, đoạt tiếp tế, càng đánh càng thắt chặt vòng vây, bao vây, khống chế đường không, làm cho quân địch bị tiêu hao và mệt mỏi, cuối cùng tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đó là sự thể hiện tập trung của nghệ thuật tác chiến của quân đội ta ở Điện Biên Phủ.
Trong phương thức tác chiến chiến dịch, vấn đề nổi bật là tiến công hiệp đồng binh chủng, phát huy sức mạnh của các binh chủng, của lục quân, tạo nên sức mạnh chiến đấu với một ưu thế tuyệt đối về binh lực và hỏa lực trong từng trận đánh, nhằm tiêu hao sinh lực địch, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm trong hệ thống tập đoàn cứ điểm.
Về chiến thuật, ta có bước phát triển rất quan trọng, với việc lần đầu tiên có sự xuất hiện của pháo binh cơ giới và pháo cao xạ cỡ nhỏ. Tuy số lượng pháo và đạn không nhiều, nhưng chúng ta vận dụng phương châm bố trí pháo binh phân tán nhưng hỏa lực tập trung, kết hợp bố trí cố định của pháo cơ giới với cơ động của sơn pháo và pháo cối; hiệp đồng pháo đánh chiếm các cứ điểm, cụm cứ điểm công sự vững chắc rồi chuyển sang phòng ngự để trụ bám đánh quân địch phản kích, tạo bàn đạp để đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo mà nhiệm vụ chiến dịch đã đề ra.
Đánh một tập đoàn cứ điểm được chuẩn bị công phu như tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiến thuật tiến công công kiên vẫn là hình thức chiến thuật cơ bản, chủ yếu, nhưng được sử dụng và vận dụng ở trình độ cao hơn. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, trong chiến dịch này, bằng phương pháp đánh “bóc vỏ”, “đánh từng bước”; đồng thời với tiến công đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tổ chức phòng ngự giữ vững các điểm cao, mục tiêu đã chiếm được, ta còn tiến hành tổ chức bao vây, lấn dũi các mục tiêu kế tiếp và tạo thế trận để mở các trận, các đợt tiến công tiếp theo. Hình thức chiến thuật tiến công chuyển sang phòng ngự và bao vây, lấn dũi được Bộ Chỉ huy chiến dịch chuẩn bị và thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với từng đợt chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có thể thấy, bên cạnh các trận chiến đấu tiến công trận địa, xuất hiện cả thành phần chiến đấu phòng ngự. Sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và phòng ngự, trong đó tiến công là cơ bản và chủ yếu, trở thành mục đích kiên quyết và tư tưởng nhất quán của toàn chiến dịch; phòng ngự là tạo điều kiện cho tiến công. Sau khi đánh chiếm được một cứ điểm, nếu không biết tổ chức phòng ngự tốt thì sẽ bị địch phản kích lấy lại; có trận địa phòng ngự tốt mới đánh bại được các cuộc phản kích của địch, tạo điều kiện tiếp tục phát triển tiến công tiêu diệt mục tiêu khác.
Sự vận dụng sáng tạo
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến chiến dịch vây hãm và tiến công, chiến thuật của ta có sự phát triển linh hoạt và đa dạng. Hệ thống trận địa bao vây và tiến công ngày càng khép chặt, ta tiến hành cắt đứt và chiếm hẳn sân bay, khống chế từng phần, đến khống chế hoàn toàn mọi sự tiếp viện và tiếp tế bằng đường không của địch, làm cho tập đoàn cứ điểm của địch bị cô lập và thu hẹp dần. Ta đánh chiếm đến đâu tổ chức phòng ngự ngay đến đó, biến cứ điểm địch thành trận địa phòng ngự và bao vây của ta, hình thành hệ thống trận địa tiến công vây hãm địch ngày càng chặt, cuối cùng dồn quân địch vào thế chịu bị tiêu diệt hoặc phải đầu hàng, trong lúc binh lực của chúng còn trên một vạn tên, nhưng mất hết tinh thần và sức chiến đấu.
Dựa vào hệ thống trận địa tiến công và bao vây, quân ta sáng tạo ra nhiều cách đánh khác, như lấn dũi, đánh lấn, bắn tỉa, tranh thủ đoạt dù tiếp tế của địch… Đây là những cách đánh rất phù hợp và đạt hiệu suất chiến đấu cao để vây hãm địch dài ngày, đánh tiêu hao quân địch từng bước, đột phá lần lượt, tiêu diệt từng bộ phận tiến đến tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Những kinh nghiệm cụ thể của Chiến dịch Điện Biên Phủ về tác chiến chiến dịch và chiến thuật trong một trận đánh công sự vững chắc, quy mô lớn, mang tính chất trận địa; những tư tưởng và quan điểm tác chiến cơ bản khác, như đánh chắc thắng, vây lấn và tiến công, xây dựng trận địa tiến công hoặc phòng ngự kết hợp với tiến công, tiến công kết hợp với phòng ngự, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Những kinh nghiệm về vận dụng các cách đánh chiến dịch, chiến thuật đó được phát triển và nâng cao trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, những kinh nghiệm về chỉ đạo và vận dụng cách đánh chiến dịch, chiến thuật trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên giá trị. Theo đó, việc vận dụng nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung vào một số vấn đề trọng điểm sau:
Thứ nhất, nghiên cứu vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam vào xây dựng phương thức tác chiến chiến lược; chỉ đạo và xây dựng các phương án, kế hoạch tác chiến (cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật), các kế hoạch về công tác bảo đảm tác chiến và chiến đấu,… nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam và lực lượng dân quân tự vệ.
Điều chỉnh thế bố trí chiến lược lực lượng quân đội đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước; nâng cao chất lượng việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; tổ chức chiến trường, xây dựng các tuyến phòng thủ và khu vực phòng thủ tỉnh (thành), các căn cứ và hậu phương trên từng khu vực và trên toàn quốc; chủ động kế hoạch phòng thủ dân sự và kế hoạch chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến; thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, đi thẳng, đi nhanh vào xây dựng hiện đại lực lượng hải quân, không quân, tên lửa và những lực lượng quan trọng khác để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân của chúng ta có sức chiến đấu cao, thật sự là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hòa bình, trong phòng thủ bảo vệ vững chắc Tổ quốc ở mọi tình huống.
Thứ hai, nếu xảy ra các tình huống chiến tranh xâm lược của địch, trên cơ sở phân chia chiến trường, phát huy sức mạnh của toàn quân, toàn dân, thực hiện chiến tranh toàn dân, toàn diện; chỉ đạo các lực lượng tại chỗ dựa vào các khu vực phòng thủ, thế trận, chuẩn bị sẵn và kiên quyết ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt quân địch, buộc chúng phải phân tán đối phó, tạo điều kiện để tập trung lực lượng của các binh đoàn chủ lực, tổ chức thực hiện những trận, chiến dịch phản công, tiến công tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch, tiến tới thực hiện trận quyết chiến chiến lược đánh bại hoàn toàn ý chí và kế hoạch xâm lược của kẻ thù, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ ba, trên cơ sở nghiên cứu nắm chắc tình hình địch, ta và các địa bàn tác chiến, tiến hành lựa chọn phương châm tác chiến phù hợp, vận dụng linh hoạt cách đánh chiến dịch, chiến thuật và các thủ đoạn chiến đấu nhằm tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Thực hiện tốt việc phòng thủ giữ vững địa bàn, tạo thế trận phản công, tiến công để giành lại địa bàn, khu vực bị chiếm; đồng thời, tạo ra thế trận để các binh đoàn chủ lực, các quân, binh chủng triển khai đội hình thực hiện các đòn phản công, tiến công tiêu diệt lớn quân địch, tiến tới tổng công kích tiêu diệt, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược. Trong từng trận đánh, từng đợt của chiến dịch phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, các thủ đoạn chiến đấu để từng bước tiêu hao, tiêu diệt quân địch; tiến tới những trận đánh quyết định giành thắng lợi cuối cùng của chiến dịch, cũng như kết thúc chiến tranh.
Trong điều kiện đất nước ta hiện nay, so sánh về lực lượng tác chiến, ta vẫn còn những hạn chế về số lượng, cũng như vũ khí trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại, trình độ khoa học - kỹ thuật, công nghệ. Vì vậy, tư tưởng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều” cần được quán triệt trong mọi hoạt động xây dựng lực lượng, rèn luyện, huấn luyện bộ đội. Những tư tưởng này đòi hỏi phải gắn liền với yêu cầu tập trung lực lượng hợp lý; vận dụng sáng tạo, linh hoạt các hình thức tác chiến, các chiến dịch, chiến thuật và các thủ đoạn chiến đấu; đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ và quy mô tác chiến tập trung hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện đánh tiêu diệt lớn quân địch trong các chiến dịch, chiến dịch - chiến lược, trận quyết chiến chiến lược.
Quá trình tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phải vận dụng và kết hợp sáng tạo sức mạnh chiến tranh tổng hợp của các đòn tiến công chính trị, quân sự, ngoại giao và binh vận; kết hợp sức mạnh của lực lượng vũ trang địa phương với sức mạnh chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực; kết hợp lực lượng phòng thủ tại chỗ với lực lượng cơ động mạnh, bảo đảm đánh địch rộng khắp trên mọi địa bàn, trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, ở mọi không gian và thời gian./.
Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Điện Biên: Thông đường vành đai đi cửa khẩu Huổi Puốc  (04/05/2014)
Điện Biên: Thông đường vành đai đi cửa khẩu Huổi Puốc  (04/05/2014)
Mặt trận Tổ quốc gặp mặt cựu binh, thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Mặt trận Tổ quốc gặp mặt cựu binh, thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Hội thảo tại Trung Quốc kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển