TCCSĐT: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đưa vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta có hơn 14 triệu người, cư trú trên 52 tỉnh, thành của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản miền núi, vùng cao, vùng sâu nếu áp dụng theo chuẩn nghèo năm 2011, là gần 50%.

Các nhóm chương trình giảm nghèo 

Nhóm chính sách giảm nghèo toàn diện: Đó là các chính sách tổng hợp, nhằm mục tiêu cải thiện toàn diện các khía cạnh đời sống của các hộ nghèo, bao gồm các dự án tiếp cận dịch vụ, kết cấu hạ tầng; hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa và liên kết thị trường, đào tạo nghề, tạo điều kiện phát triển các mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào (Chương trình 135, Chương trình 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo...)

Nhóm các chính sách có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp nâng cao đời sống nhân dân mang tầm quốc gia. Các chính sách này với các chủ trương tiếp cận theo mục tiêu, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, thiết thực đặt ra từ thực tế đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch; giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm; dân số, kế hoạch hóa gia đình; chương trình xây dựng nông thôn mới...).

Các chính sách theo vùng. Đó là các chính sách có trọng tâm hỗ trợ cho một số vùng nhất định như: Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia, vùng Tây Bắc; Giải quyết đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nam Bộ; Giao rừng và bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Tây Thanh Hóa - Nghệ An... 

Chính sách giảm nghèo tiếp cận theo ngành. Chính sách này tập trung hỗ trợ theo từng lĩnh vực cụ thể như giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, nước sạch, trồng rừng…

Các chính sách tiếp cận đặc trưng cho nhóm nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ một số dân tộc đặc biệt khó khăn; những dân tộc đặc biệt ít người...

Các nhóm chính sách trên thông qua các dự án, các chương trình nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đưa vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo. 

Kết quả thực hiện: Thành tựu và những hạn chế

Chương trình 135 giai đoạn II. Được thực hiện trên địa bàn 1.848 xã đặc biệt khó khăn và 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổng ngân sách đầu tư là 14.024 tỷ đồng được đầu tư cho công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật và các hoạt động văn hóa cho đồng bào.

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, đã phân bổ được 4.474 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng được 373.400 ngôi nhà cho đồng bào; hỗ trợ 15.552 ha đất ở cho gần 72 nghìn hộ; hỗ trợ 27.763 ha đất sản xuất cho hơn 85 nghìn hộ; gần 95 nghìn hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, hơn 42 nghìn hộ có lao động được hỗ trợ học nghề... Ngoài ra, Chính phủ còn có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Kết quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình giảm nghèo làm cho bộ mặt các xã nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện rõ rệt: 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã (trong đó 75,2% xã có đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, bản đi lại được bằng xe gắn máy); 100% số xã có trạm y tế xã được đầu tư; 100% xã có đủ trường tiểu học (trong đó trường, lớp học kiên cố 83,6%); 67,5% xã có công trình thủy lợi nhỏ bảo đảm năng lực phục vụ sản xuất; 91,8% số xã có điện đến trung tâm xã; đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung (phân tán) cung cấp cho 67,8% số hộ dân...

Về chăm lo nâng cao dân trí, đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trình độ dân trí, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân được nâng cao; giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Sự nghiệp giáo dục miền núi tiếp tục phát triển. Đã có sự chuyển biến đáng kể về đầu tư, quy mô và chất lượng dạy và học. 100% các xã vùng miền núi phổ cập trung học cơ sở. Các chế độ, chính sách được giải quyết đầy đủ, kịp thời, 100% học sinh tiểu học là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn được cấp giấy vở và sách giáo khoa để học tập. Học sinh dân tộc tuyển vào các trường Dân tộc nội trú, được học bổng với tỷ lệ cao.

Hệ thống thiết chế văn hoá thông tin đang từng bước được đầu tư. Nhiều hoạt động văn hoá của bà con dân tộc thiểu số được khôi phục, phát triển như: lễ hội đâm trâu, lễ hội làm mùa, lễ hội cầu may,... Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành trên cả nước hằng năm đều tổ chức liên hoan ngày hội Văn hoá Thể thao các dân tộc thiểu số, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, thể thao các dân tộc thiểu số, tạo nên một hoạt động văn hoá sôi nổi, vui tươi, lành mạnh.

Nâng cao sức khoẻ và mức sống cho đồng bào các dân tộc thiếu số: Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm. 100% trạm y tế đã được kiên cố hoá. Đội ngũ y sĩ, bác sĩ về xã được tăng cường, mạng lưới y tế thôn bản đầy đủ 100%. Công tác dân số gia đình và trẻ em được chú trọng, đẩy mạnh truyền thông dân số, thực hiện nhiều biện pháp kế hoạch hóa gia đình, giảm được tỷ lệ sinh cho vùng dân tộc miền núi.

Về công tác xoá đói giảm nghèo: Nhờ thực hiện các chủ trương phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, lồng ghép các mục tiêu và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã, trong sản xuất và đời sống, như đầu tư giúp đỡ trâu bò, dụng cụ sản xuất, lương thực, nhà ở, tấm lợp, phân bón, dầu hoả, muối i-ốt... và sự cố gắng nỗ lực trong trồng trọt chăn nuôi, làm vườn, đồng bào các dân tộc thiểu số đã dần vươn lên trong cuộc sống, chấm dứt tình trạng chạy ăn từng bữa như trước đây. Chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, tỷ lệ hộ đói trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, từ 74% năm 2001 xuống còn dưới 38% năm 2012; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/người/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt, an ninh quốc phòng được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường và củng cố. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đã từ bỏ phương thức canh tác lạc hậu, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, ổn định định canh, định cư để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập. Đội ngũ cán bộ cấp xã, thôn, bản từng bước được nâng cao về năng lực quản lý và điều hành, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án tại địa phương. Hệ thống chính trị ngày càng được tăng cường và củng cố. Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi và có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao; hiệu quả mang lại chưa tương xứng với sự quan tâm và nguồn lực đầu tư. 

Các chương trình, dự án đầu tư còn dàn trải, manh mún, lãng phí, thiếu thống nhất. Một số công trình đầu tư hiệu quả thấp sau khi đưa vào khai thác sử dụng; cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Giáo dục và y tế miền núi chưa đáp ứng yêu cầu nhất là xây dựng, nâng cao năng lực cho con người tại chỗ. Đến nay, tỷ lệ đói nghèo tại địa bàn dân tộc thiểu số vẫn cao và còn chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng. Tư tưởng bảo thủ, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước vẫn còn nặng nề trong cán bộ và đồng bào các dân tộc.

Nguyên nhân của những hạn chế phần lớn là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng ít và khó canh tác, kinh tế chưa phát triển; việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương...

Một nguyên nhân khác làm cản trở công cuộc xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số là do trình độ dân trí của bà con còn hạn chế. Chính vì vậy họ không nắm được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu, phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được dự án hỗ trợ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo. Có một thực trạng ở một số địa phương, nhiều đồng bào thậm chí không muốn thoát tiếng “nghèo” để được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước…

Các Chương trình giảm nghèo đã triển khai chưa bao quát toàn diện công tác giảm nghèo. Các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo thường mang tính ngắn hạn, chồng chéo, tạo ra tính ỳ của người nghèo. Nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn phân tán, dàn trải, chưa tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, địa bàn trọng điểm nhất. Thiếu giải pháp cụ thể giữa việc thực hiện chính sách giảm nghèo với chính sách an sinh xã hội; việc tổ chức phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và kém hiệu quả; cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và sự tham gia của người dân còn nhiều lúng túng; công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa khơi dậy được ý thức tự giác vươn lên của người nghèo; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cộng đồng vẫn còn mang tính phổ biến ở nhiều địa phương.

Một số bài học kinh nghiệm về quản lý, tổ chức thực hiện

Thực hiện các nhiệm vụ của chương trình xoá đói giảm nghèo kết hợp và lồng ghép có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn huyện, xã, thôn, bản vùng dân tộc, miền núi, cho thấy sự thành công là phải dựa trên cơ sở đề xuất của nhân dân, có sự xem xét và định hướng của chính quyền sở tại, phát huy dân chủ cơ sở sẽ tạo thuận lợi trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, các dự án. Tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc, miền núi trong quá trình tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của chương trình.

Quá trình thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo cho thấy việc bố trí, sắp xếp dân cư phải xen, ghép các hộ người Kinh với các hộ dân tộc thiểu số để có điều kiện học tập kinh nghiệm lẫn nhau, tác động lan toả và chuyển giao kinh nghiệm cho nhau trong lao động, sản xuất, sinh hoạt,... cùng giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo. 

Nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan trong thực hiện là khâu then chốt cho sự thành công của các chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án trên từng địa bàn; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thiếu sót trong thực hiện. Hằng năm, tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo. Kịp thời khen thưởng để động viên những nhân tố tích cực, đồng thời khắc phục những yếu kém, tồn tại để tổ chức thực hiện chương trình tốt hơn trong những năm sau.

Giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách thời gian tới 

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những vấn đề cấp bách, nhất là đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện chính sách dân tộc nhất quán với nội dung cơ bản là: "Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển" nhằm đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Định hướng phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi là: phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội

Cơ chế, chính sách, kế hoạch hằng năm và những năm tiếp theo phải hướng vào huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất, đối tượng khó khăn nhất, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đi tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhóm chính sách hiện hành và luôn có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tổng kết thực tiễn, đề xuất một số nhóm chính sách mới cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa kịp thời những chủ trương, chính sách hiện có trên cơ sở đánh giá, tổng kết, bổ sung, điều chỉnh những điểm không còn phù hợp. Tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, dự án đang được triển khai có hiệu quả.

Hai là, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết là đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch kết nối của vùng, liên vùng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng mức hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật đối với vùng dân tộc thiểu số gắn với việc giải quyết vấn đề nhà ở, đất ở, đất canh tác. Quy hoạch bố trí lại dân cư ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, nâng cao dân trí cho đồng bào. Triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ sao cho phù hợp với từng đối tượng, nhu cầu chuyển dịch cơ cấu của từng địa phương, từng vùng.

Bốn là, có chính sách ưu đãi, khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng chuyên canh. Có chính sách tiêu thụ với giá cả hàng hóa, nông sản ổn định cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Năm là, đổi mới việc chuyển giao kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm đa dạng cho đồng bào, phù hợp với khả năng tiếp thu của từng nhóm hộ; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho đồng bào. Đổi mới một số quy định về chính sách cho vay vốn của ngân hàng; xây dựng cơ chế cho vay ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số./.