TCCSĐT - Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa XIII; Hội nghị cấp cao ASEM; các hoạt động tri ân, tuyên dương các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

1. Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

Ngày 18-11, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); Thảo luận về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và dự án Luật Đầu tư công. 

Ngày 19-11, Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; Tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. 

Ngày 20 và 21-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành các phiên chất vấn và trả lời chất vấn:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào các nội dung: Công tác quản lý nhà nước về giá cả, chất lượng của giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; Chính sách tạm trữ, thu mua lúa gạo, cà phê; Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; Liên kết hợp tác sản xuất tại khu vực nông nghiệp, nông thôn; Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng mía đường; Tình trạng phá rừng trồng cây cao su, trách nhiệm và giải pháp; Kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Việc lập, triển khai quy hoạch vùng nông nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao; Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp; Trách nhiệm của Bộ trong việc chọn, tạo, sử dụng giống lúa có chất lượng, năng suất cao để cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Định hướng phát triển nông nghiệp khu vực miền Trung; Tình trạng người nông dân bỏ ruộng, trả ruộng, không sản xuất; Giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu nông sản thô, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; Cung cấp tín dụng cho việc tạm trữ lúa gạo, tạm trữ cà phê, hỗ trợ sản xuất cá tra, cá basa… Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào các nội dung: Giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức; Phụ cấp công vụ; Chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số và chính sách ưu tiên dành cho giáo viên mầm non; Việc tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Thi tuyển cán bộ, công chức; Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ… Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội của 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào các nội dung: Việc tăng giá cước các mạng viễn thông; An toàn, an ninh thông tin; Quản lý tình trạng bán sóng cho các kênh truyền hình; Các giải pháp phát triển thị trường viễn thông; Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình; Chất lượng các cột phát sóng truyền thanh, truyền hình; Quản lý quy hoạch mạng lưới báo chí, trong đó có việc quản lý các trang mạng xã hội; Số lượng thanh tra viên trong ngành thông tin, truyền thông; Thực trạng và giải pháp ngăn chặn tác động xấu của game online và trang web đen; Quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông; Quản lý quảng cáo; An toàn, an ninh thông tin; Sự độc quyền trong lĩnh vực viễn thông; Định hướng thông tin báo chí về phát triển kinh tế xã hội… Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trực tiếp đại biểu Quốc hội của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào các nội dung sau: Chất lượng công tác xét xử, đặc biệt là xét xử các vụ án tham nhũng; Năng lực xét xử của các thẩm phán trong việc giải quyết các vụ án, trong đó có các vụ kiện có yếu tố nước ngoài; sự bất hợp lý trong việc bố trí, sắp xếp số lượng thẩm phán ở các tòa án địa phương; Trách nhiệm trong việc xét xử các vụ án oan sai; Giải pháp khắc phục tình trạng án quá hạn, án treo; tình trạng một số bị can bị điều tra viên ép cung, bức cung, nhục hình; Quản lý hoạt động tín dụng đen; Vấn đề phát triển án lệ để bảo đảm áp dụng thống nhất trong hoạt động tố tụng xét xử; Tình trạng gia tăng phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên… Trong quá trình chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Kết thúc phiên chất vấn của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của 13 lượt đại biểu Quốc hội của 10 tỉnh, thành phố về các nội dung: Quản lý quy hoạch và cấp phép xây dựng nhà máy lọc dầu; Chất lượng thi công và vận hành các công trình thủy điện; Đổi mới chính sách, thể chế để tạo niềm tin cho thị trường; Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp; Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng; Hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Giải pháp phòng, tránh lũ lụt trong thời gian tới…

Ngày 22-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua; Tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

2. Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam

Ngày 18-11, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2013). 

Sự hình thành, phát triển, cùng những đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong suốt 83 năm qua đã góp phần khẳng định và tô thắm thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam và quan điểm, đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18-11 hằng năm đã trở thành “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở các khu dân cư trên mọi miền Tổ quốc. 

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm đã thể hiện niềm tin tưởng và khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong việc tập hợp đại đoàn kết toàn dân,…

3. Hội nghị cấp cao ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai

Từ ngày 18 đến 19-11, tại thành phố Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị cấp cao ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai” với chủ đề “Phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham dự của 120 đại biểu từ các thành viên ASEM, chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan thuộc Liên hợp quốc, gồm Văn phòng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNISDR), Chương trình về thông tin không gian cho quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (UNSPIDER), Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp (FAO) và các tổ chức khu vực,… 

Hội nghị diễn ra với 4 phiên họp toàn thể tập trung thảo luận về giảm thiểu rủi ro thiên tai và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, gắn kết nghiên cứu chính sách và thực tiễn trong việc xây dựng năng lực phục hồi, và tăng cường hợp tác Á - Âu trong ứng phó thiên tai.

4. Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam tự chế tạo hoạt động trên vũ trụ

Vào lúc 19 giờ 17 phút, ngày 19-11-2013 (giờ Việt Nam), vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (Rồng nhỏ) do Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) được đẩy ra từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Chỉ 4 giờ sau, những tín hiệu đầu tiên đã được thu nhận thành công bởi các trạm mặt đất tại Nhật Bản. Tiếp sau đó, Trạm mặt đất đặt tại VNSC cũng đã nhận được tín hiệu từ PicoDragon. 

Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1kg, là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của VNSC. Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Với kết quả này, Pico Dragon đã trở thành vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên không gian. 

5. Sôi nổi các hoạt động tri ân nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 

* Thành phố Hồ Chí Minh: Kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 19-11, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tuyên dương và trao giải thưởng cho 118 nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2013 - những nhà giáo trẻ gương mẫu về đạo đức tác phong, lối sống.

* Khánh Hòa: Ngày 19-11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và tuyên dương nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục giai đoạn 2008 - 2013. Tại buổi lễ, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã tuyên dương 63 thầy, cô giáo đang trực tiếp đứng lớp ở các trường học trong toàn tỉnh. 

* Đà Nẵng: Ngày 19-11, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam; tuyên dương khen thưởng phong trào thi đua năm học 2012 - 2013 và tổ chức đón nhận những phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước trao tặng; Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, Huân chương Độc lập hạng Ba cho Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận Huân chương Lao động các hạng, Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong năm học 2012 - 2013. 

* Cần Thơ: Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức các đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng quà cán bộ, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung học các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhân Ngày nhà giáo Việt Nam. 

* Cà Mau: Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, gần 60 nhà giáo tiêu biểu, dạy giỏi và có sáng kiến trong công tác giảng dạy đã được tỉnh Cà Mau tuyên dương và hơn 600 cán bộ, giáo viên được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh còn tổ chức gặp mặt tri ân các thầy, cô giáo của tỉnh qua các thời kỳ và các thầy cô giáo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

* Phú Yên: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã tổ chức nhiều đoàn đến các địa phương thăm và chúc mừng thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

* Lâm Đồng: Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành giáo dục. Sở cũng đã tổ chức tuyên dương 51 nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục Lâm Đồng lần thứ nhất, giai đoạn 2008 - 2013.

* Hòa Bình: Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã tổ chức gặp mặt, trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” và trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 6 cá nhân vì đã có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

* Hà Nội: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, biểu dương 90 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho các ngành học, cấp học; các nhà giáo làm công tác quản lý, cán bộ công đoàn trên địa bàn Thủ đô và trao Bằng khen “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho ngành Giáo dục - Đào tạo Thủ đô.

6. Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt 2013”

Ngày 20-11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt 2013” nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có những công trình, sản phẩm xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên, y dược và môi trường. 

Một trong những nét mới của “Nhân tài Đất Việt” năm nay là mở rộng giải thưởng sang lĩnh vực Môi trường, được tặng cho tập thể hoặc tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường và đã xây dựng thành công khu dân cư xanh. Giải thưởng này được trao cho đề tài “Xử lý phế thải nông nghiệp để bảo vệ môi trường nông thôn” của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ khuyến nông xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và đề tài “Phân loại rác thải nguồn và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ tăng năng suất cây trồng” của Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Giải thưởng được trao cho cụm công trình: “Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 1980 - 1987”. Trong lĩnh vực Y dược, Giải thưởng được trao cho đề tài “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam”. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với 18 sản phẩm được lựa chọn vào Chung khảo, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng theo ba nhóm: sản phẩm công nghệ thông tin thành công; sản phẩm công nghệ thông tin triển vọng và sản phẩm ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động. 

7. Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Từ ngày 20 đến 23-11, tại Hà Nội đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam như: Triển lãm với chủ đề “Tuần văn hóa du lịch di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên”; chương trình “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa và Di sản thiên nhiên Việt Nam - Ngày về nguồn 23-11-2013”; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu và các khu sinh quyển, vườn quốc gia của các địa phương,… Cùng với hoạt động trưng bày triển lãm sẽ là các hoạt động hưởng ứng, chào mừng, giao lưu, các cuộc thi, trình diễn nghệ thuật truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian./.