TCCSĐT - Ngày 23-11-2013, đại diện các nước tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên hợp quốc (COP19) ở Vác-sa-va, Thủ đô của Ba Lan, đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận mới chống lại sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

1. ASEAN tăng cường thúc đẩy thương mại nội khối

Từ ngày 18-11 đến ngày 20-11-2013, tại Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a) đã diễn ra Hội thảo chuyên đề giữa Ủy ban Tư vấn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về nhóm làm việc Tiêu chuẩn và Chất lượng các sản phẩm thực phẩm chế biến (PFPWG) và các Nhóm làm việc ASEAN liên quan đến các lĩnh vực y tế, nông nghiệp. Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh hệ thống quản lý và quy trình đánh giá cần thiết để kích thích thị trường nội khối đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến, đồng thời tăng cường bảo vệ người tiêu dùng; trao đổi về vấn đề thương mại thực phẩm trong ASEAN, mối quan tâm và kỳ vọng của khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong khu vực; đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) cho ngành chế biến thực phẩm giữa các nước thành viên. Tại Hội thảo, đại diện Cơ quan phụ trách các vấn đề sức khỏe và tiêu dùng của Liên minh châu Âu (DG SANCO) và Liên minh Thực phẩm - Đồ uống ASEAN đã chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về loại bỏ các rào cản thương mại và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cũng như giới thiệu tổng quan về MRA và thực hiện MRA ở châu Âu. Hội thảo do Chương trình Hỗ trợ kết nối khu vực ASEAN của Liên minh châu Âu (ARISE) tổ chức, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN và PFPWG.

2. Củng cố, nâng cao uy tín của tổ chức nhà báo ASEAN

Đại hội đồng lần thứ 17 Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ) diễn ra tại Thủ đô Ma-ni-la (Phi-líp-pin) từ ngày 21-11 đến ngày 23-11-2013 đã ra Tuyên bố Ma-ni-la khẳng định quyết tâm củng cố về mặt tổ chức, tăng cường hoạt động để nâng cao uy tín tổ chức nhà báo của khu vực đang hướng tới mục tiêu trở thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đại hội đồng đã thảo luận phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ hai năm tới, nhấn mạnh việc tăng cường hoạt động nhằm đoàn kết các nhà báo trong khu vực, góp phần phát triển ASEAN, thắt chặt quan hệ, đẩy mạnh hợp tác để xây dựng và phát triển một nền báo chí lành mạnh, tự do và có trách nhiệm với xã hội. Đại hội cũng thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ CAJ và nhất trí thúc đẩy hoạt động để kết nạp hội nhà báo các nước Cam-pu-chia, Mi-an-ma và Bru-nây, khi đó để Hội sẽ bao gồm đại diện nhà báo tất cả các nước ASEAN. Đại hội cũng nhất trí thành lập Trung tâm đào tạo báo chí CAJ tại In-đô-nê-xi-a và xây dựng trang web của CAJ để tăng cường thông tin và quảng bá CAJ. Đại hội đồng đã chứng kiến Lễ bàn giao chức Chủ tịch CAJ nhiệm kỳ hai năm tới cho Câu lạc bộ báo chí quốc gia Phi-líp-pin (NPC).

3. COP19 đạt được thỏa thuận hướng tới một hiệp ước toàn cầu

 

Đoàn đàm phán khí hậu của Liên hợp quốc tại phiên bế mạc COP19. Ảnh: AP/guardian.com

Ngày 23-11-2013, đại diện các nước tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên hợp quốc (COP19) ở Vác-sa-va, Thủ đô của Ba Lan, đã đạt được sự nhất trí về một số nguyên tắc chính cho thỏa thuận mới chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020. Theo đó, Hội nghị nhất trí tất cả các nước, chứ không riêng những nước giàu, sẽ có “những đóng góp riêng” góp phần cắt giảm khí thải CO2. Các nước phải đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải của mình vào quý I năm 2015 để chuẩn bị cho việc ký thỏa thuận vào cuối năm đó tại Hội nghị ở Pa-ri (Pháp). Đây là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia hạn chế lượng khí thải độc hại thải ra bầu khí quyển Trái đất. Bên cạnh đó, Hội nghị lần này nhất trí thiết lập cơ chế giúp các nước dễ bị tổn hại vì những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Tại Hội nghị, các nước phát triển đã không đưa ra cam kết nào về việc viện trợ cho các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mỹ và nhiều nước phát triển cũng từ chối thông báo kế hoạch làm thế nào để tăng số tiền viện trợ cho các nước đang phát triển mà họ đã cam kết lên mức 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Ngoài ra, không có nước phát triển nào đưa ra hành động mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải, thậm chí Nhật Bản còn hạ thấp mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2020 với lý do họ phải đóng cửa hầu hết các nhà máy điện hạt nhân, nên phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

4. I-ran và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân

Ngày 24-11-2013, I-ran và nhóm P5+1 (gồm Đức và năm nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc) đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt I-ran. Đây được xem là bước đột phá đầu tiên sau nỗ lực gần một thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này. Theo đó, I-ran sẽ ngừng làm giàu u-ra-ni trên mức 5% trong vòng 6 tháng; đổi lại, Oa-sinh-tơn sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Theo kế hoạch, thỏa thuận sẽ được ký tại trụ sở Văn phòng Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) trong chiều 24-11. Thỏa thuận này giữa I-ran và nhóm P5+1 đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng quốc tế. Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Y. A-ma-nô (Y. Amano) hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời kêu gọi tiến hành “một bước tiến lớn khác” trong vấn đề này. Tổng thống Nga V. Pu-tin (V. Putin) đánh giá thỏa thuận hạt nhân là một bước tiến đột phá, tuy nhiên ông cũng nói rằng đây chỉ mới là bước đầu. Theo ông, chặng đường vẫn còn dài và nhiều khó khăn. Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ (F. Hollande) đánh giá đó là một bước tiến quan trọng theo chiều hướng đúng đắn nhằm bình thường hóa quan hệ giữa I-ran với các nước, đồng thời ngăn chặn Tê-hê-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Dư luận tại Trung Đông hầu hết cũng ủng hộ thỏa thuận hạt nhân của I-ran với các cường quốc. Người phát ngôn Tổng thống Pa-le-xtin, ông N. Đi-nê (N. Rdineh) đánh giá thỏa thuận là một thông điệp tới I-xra-en rằng hòa bình chắc chắn được kiến tạo./.