Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18-11 đến ngày 24-11-2013
TCCSĐT - Sáng ngày 20-11, trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận và lý giải nguyên nhân vì sao sau 5 năm thực hiện Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ nhưng số cán bộ, công chức, viên chức vẫn tăng.
Nguyên nhân tăng thêm cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua được Bộ trưởng lý giải là do tăng nhân lực ở những đơn vị mới được thành lập hoặc do đơn vị cũ tăng thêm chức năng, nhiệm vụ và một số địa phương mới chia tách. Còn số viên chức tăng là do thành lập mới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề…
Về giải pháp, Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền kiên quyết không tăng biên chế công chức từ nay đến năm 2016 nhằm giữ ổn định đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, các đơn vị cấu thành, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị dịch vụ công ích của Nhà nước, không chia tách đơn vị hành chính, kiểm tra chặt chẽ việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào bằng các hình thức thi tuyển trực tuyến trên máy tính, đồng thời, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ.
Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 07/2013/TT-TTCP Quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính. Thông tư này quy định việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung khiếu nại, ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết.
Thông tư cũng quy định, tổ chức đối thoại trong các trường hợp: người giải quyết khiếu nại lần đầu tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại. Đối với quá trình giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, người giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai phải tổ chức đối thoại. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16-12-2013.
Đo lường sự hài lòng sáu dịch vụ hành chính để phục vụ tốt hơn
Đó là các dịch vụ: cấp chứng minh nhân dân, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, chứng thực, cấp giấy khai sinh và cấp giấy chứng nhận kết hôn.
Phạm vi khảo sát để đo sự hài lòng của người dân sẽ được thực hiện ở ba cấp độ: toàn quốc, cấp tỉnh và cấp bộ, ngành. Theo đó, người dân sẽ đánh giá mức độ hài lòng về bốn nội dung: tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, sự phục vụ của cán bộ, công chức và kết quả giải quyết công việc. Ngoài ra, người dân còn có thể góp ý, hiến kế để giúp cơ quan nhà nước cải thiện các dịch vụ công. Kết quả khảo sát hơn 1.000 người dân cho thấy dịch vụ đăng ký kết hôn được người dân chấm điểm cao nhất (86,7%), còn dịch vụ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng người dân ít hài lòng hơn (61,4%, 64,9%)…
Theo đại diện Bộ Nội vụ, đây là công cụ chủ yếu để đánh giá sự thành công của mục tiêu trong chương trình tổng thể cải cách hành chính: năm 2015 có 60% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính và đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 80%.
Cải cách thủ tục hành chính ngành y tế
Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động để phổ biến, hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành về chương trình tổng thể cải cách hành chính. Bộ đã tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Y tế năm 2013, tổ chức chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân và doanh nghiệp đối với các quy định hành chính đã được đăng tải trên trang chủ cổng thông tin điện tử của Bộ. Đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành bốn văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, thực hiện thanh tra, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại.
Bộ đã hoàn thành việc đơn giản hóa 171/227 thủ tục hành chính; thực hiện đúng yêu cầu niêm yết công khai các quy định về thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Tiến hành cải cách tổ chức bộ máy, rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức biên chế của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, hoàn thiện dự thảo quyết định của Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng vụ, cục, tổng cục, văn phòng Bộ, thanh tra Bộ; rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc để xây dựng dự thảo. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; hoàn thành các quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức.
Tăng thẩm quyền cho Hải quan trong xử lý vi phạm pháp luật xuất nhập khẩu
Bên cạnh việc cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động hải quan, mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, quy định chi tiết các vi phạm về quy định kiểm tra hải quan, thanh tra thuế; vi phạm quy định về giám sát hải quan; vi phạm về kiểm soát hải quan và xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế; thủ tục cưỡng chế thuế nhằm nâng cao hiệu quả thực thi trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, các hành vi đều có mức phạt tiền cao nhất là 60 triệu đồng chưa kể các hình thức phạt bổ sung khác. Nghị định có hiệu lực từ 15-12-2013.
Hiệu quả cao của cơ chế một cửa
Thời gian qua, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng không chỉ đẩy mạnh cải cách hành chính trong Khu kinh tế theo cơ chế một cửa mà còn thường xuyên thực hiện tốt quy chế phối hợp quản lý với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.
Ban Quản lý chủ động đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành các quyết định về việc thành lập các trung tâm quản lý cửa khẩu tại các cửa khẩu và phê duyệt phương án tổ chức nhân sự các trung tâm quản lý cửa khẩu. Cho đến nay, các trung tâm đã hoạt động khá hiệu quả, làm tốt chức năng đầu mối phối hợp thống nhất các lực lượng tại cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Ban Quản lý phối hợp với Sở Nội vụ hoàn thành dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính theo Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 26-9-2012 của UBND tỉnh Lạng Sơn, đồng thời thực hiện niêm yết công khai các quy định về thủ tục hành chính.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải tiến lề lối, phương thức làm việc, áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cũng như thực hiện tốt các quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý.
Phần mềm cải cách thủ tục hành chính Đà Nẵng
Phần mềm cải cách thủ tục hành chính là sản phẩm của nhóm tác giả do Lê Hoàng Phúc - Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính, Bí thư Chi đoàn Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng là trưởng nhóm, đoạt giải Sáng tạo trẻ năm 2013, được UBND thành phố Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng từ 19-12-2012, lấy tên miền là http://cchc.danang.gov.vn. Phần mềm này là một trong những công cụ hữu hiệu để theo dõi, đánh giá quá trình triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính.
Đối với cơ quan, phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch, báo cáo phục vụ công tác đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính trực tuyến; góp phần tiết kiệm chi phí in ấn, nhân bản, văn thư, thời gian. Bên cạnh đó toàn bộ dữ liệu về cải cách hành chính được tích hợp trên phần mềm phục vụ cho công tác quản trị, điều hành. Đối với người dân, phần mềm có chức năng khảo sát mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với chất lượng dịch vụ hành chính công. Công dân có thể đánh giá cán bộ, công chức trên bất cứ một thiết bị di động nào có kết nối Internet. Từ đó, mỗi cán bộ, công chức tự có ý thức hơn về trách nhiệm và thái độ phục vụ vì đã có công cụ giám sát chặt chẽ. Mục tiêu quan trọng nhất của phần mềm là tạo kênh giám sát và đề xuất giải pháp để chấn chỉnh và nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.
Phần mềm này tương đối đơn giản, chi phí đầu tư và cải tiến không lớn và việc sử dụng rộng rãi là hoàn toàn có khả năng. Thách thức khi triển khai phần mềm rộng rãi trong cả nước là: Thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của đội ngũ cán bộ, công chức và các cơ quan, đơn vị chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng đều giữa các địa phương./
Xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Kết quả bước đầu và một số vấn đề đặt ra  (26/11/2013)
Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình  (26/11/2013)
Gắn kết hợp tác kinh tế, xúc tiến đầu tư với bảo đảm an sinh xã hội  (25/11/2013)
Quốc hội chính thức thông qua Luật Tiếp công dân  (25/11/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Niu Di-lân  (25/11/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển