Vương quốc Đan Mạch: Đối tác quan trọng của Việt Nam
Nằm ở Bắc Âu, Vương quốc Đan Mạch có quan hệ ngoại giao với trên 100 nước, là thành viên của hầu hết các tổ chức chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế và khu vực, là thành viên sáng lập Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) (năm 1960, gồm các quốc gia: Áo, Đan Mạch, Na Uy, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy sỹ, Anh); Hội đồng Bắc Âu và Quỹ Dự án Bắc Âu (NOPEF) năm 1952, gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949, nhưng không cho phép NATO thiết lập căn cứ hạt nhân NATO trên lãnh thổ Đan Mạch trong thời bình. Ngoài ra, Đan Mạch là thành viên tích cực của Liên hợp quốc (UN), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25-11-1971), là nơi có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Đan Mạch phát triển tốt đẹp. Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Thời gian gần đây, Đan Mạch thường xuyên cử đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam như: Chuyến thăm của Nữ hoàng và Hoàng gia (11-2009), Thái tử (11-2011), Chủ tịch Quốc hội (3-2012) và Thủ tướng (11-2012). Trong chuyến thăm Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9-2009), hai nước đã nhất trí nâng quan hệ hai nước thành “Đối tác vì sự phát triển” trên cơ sở bình đẳng, ổn định, lâu dài và cùng có lợi, tập trung ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik (11-2011), hai nước đã ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và tăng trưởng xanh”.
Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối tháng 5-2013, Đan Mạch có 106 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 674 triệu USD, đứng thứ 25 trong tổng số 100 nước, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết các dự án của Đan Mạch tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 34 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 311 triệu USD. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi với 10 dự án có tổng vốn đầu tư 276,7 triệu USD. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa với 10 dự án và tổng vốn đầu tư 52,87 triệu USD. Tiếp theo là các dự án trong ngành hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ, kinh doanh bất động sản; nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Vốn đầu tư của Đan Mạch tập trung vào hình thức liên doanh với 46 dự án có tổng vốn đầu tư 433,35 triệu USD; hình thức 100% vốn nước ngoài có 53 dự án với tổng vốn đầu tư 211,4 triệu USD. Số còn lại đầu tư theo hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đan Mạch có dự án đầu tư trên 14 tỉnh, thành phố cả nước. Nhưng cũng giống như các nước khác, hầu hết các dự án của Đan Mạch tập trung ở những thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển.
Đan Mạch là một trong những nước sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và hiện nay thuộc vào nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam. Kể từ năm 1971 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng gần 1,2 tỷ USD vốn ODA. Mức cam kết viện trợ của Đan Mạch trung bình hàng năm trong thời gian qua đạt khoảng 64 triệu USD/năm. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ tháng 12-2012, Đan Mạch đã cam kết 56,8 triệu USD viện trợ cho Việt Nam trong năm tài khóa 2013.
Trong những năm gần đây, viện trợ của Đan Mạch chủ yếu thông qua những dự án, chương trình lớn theo phương thức viện trợ toàn bộ hoặc đồng tài trợ. Một số chương trình, dự án điển hình như: Các dự án “Hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011 - 2015”; “Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, giai đoạn 2011 - 2014”, “Chương trình Quản trị công và cải cách hành chính, giai đoạn 2012 - 2015”; “Chương trình Thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2014”; “Chương trình Đối tác Tư pháp, giai đoạn 2010 - 2015”; “Chương trình thí điểm Hợp tác nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2008 - 2013”...
Viện trợ phát triển của Đan Mạch thông thường tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, được triển khai chủ yếu ở các thành phố, thị trấn lớn và khu vực nông thôn thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và nay được mở rộng ra cả các tỉnh vùng cao nguyên và miền núi phía Bắc.
Riêng trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, tính đến nay, Đan Mạch là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với mức tài trợ lên tới 40 triệu USD cho “Chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác vào tháng 12-2008 tại Hà Nội). Ngày 9-3-2011, Đại sứ Đan Mạch và Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Thỏa thuận tài trợ 45 triệu curon (DKK) (tương đương với 8 triệu USD) cho chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam từ 2011 đến 2013. Hiện, Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai Chương trình nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 23-4-2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Hợp tác Phát triển Đan Mạch đã ký Hiệp đinh khung về Chương trình tín dụng hỗn hợp của Đan Mạch dành cho Việt Nam. Trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ Đan Mạch đã điều chỉnh lại Khung chiến lược đối với Chương trình tín dụng dành cho Việt Nam, chuyển từ các lĩnh vực truyền thống như: Cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo,... sang tập trung vào các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, công nghệ xanh và an toàn thực phẩm do Việt Nam đã bước vào ngưỡng các nước có mức thu nhập trung bình.
Về hợp tác giáo dục - đào tạo, trong những năm qua, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam một số dự án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: Dự án “Giáo dục môi trường trong trường phổ thông Việt Nam”; dự án “Hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và Đại học Aarhus về khoa học môi trường”; dự án “Hỗ trợ giáo dục mỹ thuật cho các trường tiểu học”; Chương trình Đổi mới sách giáo khoa phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 17-9-2009, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã cùng Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch Bertel Haarde ký “Ý định thư về hợp tác giáo dục giữa Bộ Giáo dục hai nước” và cùng Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh Niels Brocks ký Bản ghi nhớ hợp tác. Hiện tại, Trường Đại học Kinh doanh Niels Brocks đang thực hiện chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Ngoại thương. Tháng 12-2010, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục và đào tạo cán bộ. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch tháng 6-2011, hai bên đã thống nhất thành lập Nhóm công tác chung Việt Nam - Đan Mạch nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trên.
Về hợp tác văn hóa: Từ năm 1999, Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch gọi tắt là Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch nhằm tài trợ cho các dự án nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sĩ ... Từ năm 1999 - 2005, Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu DKK cho quỹ. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch (11-2009), hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2009 - 2014. Ngày 28-10-2011, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định Dự án “Chương trình hợp tác phát triển Việt Nam - Đan Mạch về lĩnh vực văn hóa cho giai đoạn 2011 - 2015” do Đan Mạch tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam.
Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ chiến lược này, Đan Mạch đưa ra 7 dự án với tổng giá trị hỗ trợ là 13.895.000 DKK.
Từ khi triển khai chiến lược văn hóa tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi động với nhiều sự kiện, chương trình văn hóa như: Cuộc thi tài năng âm nhạc 2006; Tài năng múa đương đại 2007; Tài năng nghệ thuật trình diễn 2008; Tuần lễ hoạt động ngoại giao Đan Mạch tại Việt Nam 2007...
Về du lịch, từ năm 2005, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực cho công dân Đan Mạch du lịch Việt Nam trong vòng 15 ngày. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, khách du lịch Đan Mạch vào Việt Nam ở mức ổn định, khoảng 24.000 du khách/năm.
Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tới Vương quốc Đan Mạch nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Vương quốc Đan Mạch; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở châu Âu và trên thế giới./.
Tuyên bố chung Việt Nam - Hungary  (17/09/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Nhật Bản  (17/09/2013)
Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp  (17/09/2013)
Việt Nam ủng hộ, tình đoàn kết trước sau với Cuba  (17/09/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Đắk Nông  (17/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển