Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02-9 đến ngày 08-9-2013)
TCCSĐT - Ngày 06-9-2013, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn tại Xanh Pê-téc-bua (Nga), đã bế mạc và thông qua Tuyên bố chung gồm 32 trang với 20 chương bao gồm toàn bộ các vấn đề được thảo luận tại G-20 và Kế hoạch hành động Xanh Pê-téc-bua.
1. Báo Lào, Ai Cập đăng đậm nét Quốc khánh lần 68 của Việt Nam
Các báo Lào ra ngày 02-9 đồng loạt đưa tin về Quốc khánh lần 68 của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Nhân kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945 - 02-9-2013), các báo tại Lào như Pasason, Pathet Lao, KPL News, Vientiane Times, Lao Phatthana, Đài Truyền hình quốc gia Lào... đã đồng loạt đăng điện mừng của lãnh đạo Lào; tin, bài chúc mừng ngày lễ trọng đại này của Việt Nam; giới thiệu về những thành tựu to lớn của Việt Nam trên mọi lĩnh vực và mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngày 02-9, trên trang nhất các báo đã đăng điện mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xon (Chummaly Sayasone); Thủ tướng Thong-sinh Thăm-mạ-vông (Thoongsinh Thammavong); Chủ tịch Quốc hội Pa-ni Ya-tho-tu (Pany Dathotu) chúc mừng Quốc khánh lần 68 của Việt Nam, khẳng định tình cảm ấm áp và tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước tiếp tục phát triển vững chắc vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, phát triển, hơp tác trong khu vực và trên thế giới. Báo Pa-xa-xon (Pasason), cơ quan ngôn luận của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đã viết về diễn biến của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước hàng vạn quần chúng. Các báo cũng trang trọng đăng bài của Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng nhân 68 năm Quốc khánh của Việt Nam và nhiều tin, ảnh Đại sứ quán Việt Nam tại Lào chiêu đãi trọng thể nhân sự kiện quan trọng này của đất nước. Các báo khẳng định quan hệ Việt Nam - Lào là tài sản chung, là nguồn lực của của hai dân tộc và hai bên cùng nhau gìn giữ vun đắp, giúp quan hệ đặc biệt này ngày một bền vững.
* Tại Ai Cập, Đài Truyền hình quốc gia Ai Cập và nhiều tờ báo đã đăng tin bài nổi bật về các thành tựu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cũng như những kết quả hợp tác giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua. Nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Ai Cập “The Egyptian Gazette” số ra ngày 02-9 đã ra phụ san đặc biệt, trong đó nhắc lại sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với nhan đề “Việt Nam kỷ niệm ngày Quốc khánh”, bài báo nhấn mạnh, ngày nay, Việt Nam không chỉ được biết đến như một tấm gương đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, mà còn là một đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển. Cũng nhân dịp này, Đài truyền hình quốc gia Ai Cập đã phát phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung, trong đó nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước được xây dựng trên nền tảng truyền thống tốt đẹp, gắn bó trên cơ sở những tương đồng về mặt lịch sử, cũng như khát vọng độc lập dân tộc và tự do. Bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người “Xứ sở các Kim Tự Tháp”, Đại sứ Đào Thành Chung khẳng định nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ và ủng hộ quý báu của nhân dân Ai Cập trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước.
2. ASEAN hướng tới cộng đồng không ma túy năm 2015
Ngày 03-9-2013, Hội nghị cấp bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về vấn đề ma túy đã diễn ra tại Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây nhằm giải quyết các vấn đề ma túy, hướng tới một cộng đồng khu vực không ma túy vào năm 2015. Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận những vấn đề liên quan đến ma túy, thúc đẩy hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN trong việc đạt được tầm nhìn chung để có một ASEAN ổn định, thịnh vượng và không ma túy vào năm 2015. Hội nghị là nền tảng để chuẩn bị tốt hơn bước đánh giá cuối cùng nhằm thực hiện ASEAN không ma túy, bắt đầu từ năm tới. Trước đó, ngày 02-9, Ban Thư ký ASEAN đã cùng Đại sứ quán Pháp tại In-đô-nê-xi-a và Quỹ Á - Âu (ASEF) tại Xin-ga-po phối hợp tổ chức Hội thảo về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Các vấn đề Cộng đồng và Doanh nghiệp AKP Mô-chơ-tan (AKP Mochtan) đã kêu gọi các đại biểu thẳng thắn trao đổi về tất cả các lĩnh vực quan tâm thuộc chủ đề phát triển bền vững và áp dụng vào công việc hằng ngày, nhằm góp phần vào hội nhập khu vực và xây dựng cộng đồng ASEAN. Trong tham luận trình bày tại Hội thảo, Giáo sư Ê-min Xa-lim (Emil Salim), cố vấn môi trường và phát triển bền vững của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Yu-đô-i-ô-nô (Susilo Bambang Yudhoyono) đã nêu bật các vấn đề then chốt trong ASEAN - bao gồm vấn đề an ninh lương thực, an ninh năng lượng và chất lượng giáo dục - khi giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững. Ông Ê. Xa-lim nhấn mạnh, cần đưa các cuộc hội thảo ASEAN thành những thành tựu cụ thể trong việc cùng nhau xây dựng cộng đồng chung, kể cả sau năm 2015.
3. IMF hối thúc các nước đẩy mạnh nỗ lực khôi phục kinh tế và quản lý rủi ro
Ngày 04-9-2013, trong báo cáo mới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu tăng cường các hành động để khôi phục sự phát triển và quản lý các rủi ro, đồng thời cảnh báo rằng, nguy cơ sụt giá đang ngày một rõ nét hơn. Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện các dấu hiệu “đặc biệt dễ bị tổn thương” do việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải luôn sẵn sàng để đối phó với tình trạng bất ổn tài chính gia tăng. IMF cho biết, mối lo ngại lớn nhất có thể là nhịp độ tăng trưởng chậm trên toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi như Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, có một kỳ vọng rằng các nền kinh tế tiên tiến khác, dẫn đầu là Mỹ, sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn, giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong năm 2014 tăng nhanh hơn so với năm nay. IMF cũng lưu ý rằng, cuộc họp chính sách tiếp theo của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiến hành vào ngày 17, 18-9 và cơ quan này có thể sẽ bắt đầu giảm dần chương trình kích thích kinh tế của mình. Theo IMF, các nền kinh tế ở châu Âu hầu như sẽ có được sự phục hồi liên tục từ quý thứ ba của năm nay. Tuy nhiên, 17 quốc gia trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) cần phải thúc đẩy việc cung cấp tín dụng bằng cách điều chỉnh các bảng cân đối ngân hàng và đạt được những tiến bộ hướng tới một liên minh ngân hàng. Để giúp giảm sự mất cân bằng của kinh tế toàn cầu, IMF cũng kêu gọi các nền kinh tế tăng trưởng như Trung Quốc và Đức thúc đẩy các nhu cầu trong nước, trong khi các nền kinh tế đang bị thâm hụt lớn như ở ngoại vi Eurozone và Anh, cần sớm cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.
4. Loài người là tác nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan
Ngày 05-9-2013, theo Báo cáo “Thời tiết cực đoan năm 2012 từ góc nhìn khí hậu” đăng tải trên bản tin của Hội Khí tượng Mỹ, biến đổi khí hậu gây ra bởi hoạt động của con người có ảnh hưởng đến khoảng 50% các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2012. 18 nhóm chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới đã cùng nghiên cứu 12 hình thái thời tiết cực đoan trong năm 2012, từ hạn hán tại Mỹ và châu Phi đến mưa lớn kéo dài tại châu Âu, Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Nhật Bản và Niu Di-lân. Phân tích cho thấy khoảng một nửa hiện tượng thời tiết trên có dấu hiệu tác động bởi các nhân tố như sự ấm lên của nước biển và khí hậu, kết quả từ việc lượng khí thải nhà kính và hạt aerosol trong bầu khí quyển tăng cao. Ông Thô-mát Các (Thomas Karl), Giám đốc Trung tâm Dữ liệu khí hậu quốc gia thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (Mỹ), cho biết mục đích của nghiên cứu là nhằm tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, cụ thể sự gia tăng về cường độ của các thảm họa thiên nhiên là do nguyên nhân tự nhiên hay là hậu quả từ hoạt động của con người, qua đó dự báo liệu các kiểu thời tiết này có tăng về số lượng trong tương lai.
5. Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nga
G-20 năm 2013 chia rẽ sâu sắc vì vấn đề Xy-ri. Ảnh: guardian.com
Ngày 06-9-2013, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn tại Xanh Pê-téc-bua (Nga), đã bế mạc và thông qua Tuyên bố chung gồm 32 trang với 20 chương bao gồm toàn bộ các vấn đề được thảo luận tại G-20 và Kế hoạch hành động Xanh Pê-téc-bua. Trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-20 cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã cải thiện song còn quá sớm để nói cuộc khủng hoảng đã kết thúc, đồng thời khuyến cáo việc thay đổi chính sách tiền tệ cần được thực hiện một cách thận trọng và có sự phối hợp rõ ràng. Trước đó, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã cảnh báo về rủi ro của việc Mỹ dần từ bỏ chính sách nới lỏng định lượng, vốn giúp kích thích nền kinh tế nước này. Kế hoạch hành động Xanh Pê-téc-bua đề cập tới việc bảo đảm tăng trưởng ổn định cũng như công ăn việc làm, kế hoạch đầu tư dài hạn, báo cáo về việc thực thi cải cách quy định tài chính, và thu thuế. Các nhà lãnh đạo G-20 cũng nhất trí đến năm 2016 từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Bra-xin) đã thống nhất thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối trị giá 100 tỷ USD để giúp chống lại cuộc khủng hoảng cán cân thanh khoản, song chưa thông qua cơ cấu hoạt động của quỹ này. Về vấn đề Xy-ri, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma vẫn phớt lờ sức ép từ những người đồng cấp khác yêu cầu từ bỏ chiến dịch không kích Xy-ri, dẫn tới sự chia rẽ lớn trong Hội nghị, và làm lu mờ những nỗ lực nhằm khôi phục kinh tế toàn cầu. Trước đó, lãnh đạo G-20 cũng đã thông qua Chiến lược Phát triển Xanh Pê-téc-bua, trong đó đặt ra mục đích tăng trưởng kinh tế, ưu tiên phát triển cho các nước thành viên trong thời gian trung hạn và đấu tranh chống đói nghèo.
6. Quan hệ mẫu mực Cu-ba - Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là biểu tượng của thời đại
Ngày 07-9-2013, tại Cung hội nghị ở Thủ đô La Ha-ba-na, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro) đã tiếp thân mật đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, và đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam đang thăm và làm việc tại Cu-ba. Tại cuộc gặp, đồng chí Lê Hồng Anh đã thông báo với Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô về kết quả cuộc hội đàm với Bí thư Thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba Hô-xê Ra-mông Ma-cha-đô Vên-tu-ra (Jose Ramon Machado Ventura) cũng như các cuộc làm việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Cu-ba; khẳng định sự ủng hộ, tình đoàn kết trước sau như một của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Cu-ba; bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ song phương giữa hai Đảng và nhân dân hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Về phần mình, Chủ tịch R. Ca-xtơ-rô khẳng định quan hệ mẫu mực Cu-ba - Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua là biểu tượng của thời đại, đồng thời không quên nhắc lại chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Ph. Ca-xtơ-rô tới Việt Nam và vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam cách đây 40 năm (tháng 9-1973). Chủ tịch R. Ca-xtơ-rô cũng đánh giá cao kết quả hội Hội thảo lý luận lần thứ nhất giữa hai Đảng Cộng sản hồi năm ngoái và đề nghị hai bên cần sớm chuẩn bị kỹ về nội dung cho cuộc hội thảo lần thứ hai sẽ diễn ra tại Cu-ba vào năm 2014, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong quá trình đổi mới, giúp Cu-ba tham khảo trong quá trình xây dựng cơ sở lý luận cho lộ trình cập nhật hóa mô hình kinh tế hiện nay.
7. Cam-pu-chia công bố kết quả chính thức của cuộc bầu cử Quốc hội khóa V
Sáng ngày 08-9-2013, Ủy ban Bầu cử quốc gia Cam-pu-chia (NEC) đã công bố kết quả chính thức của cuộc bầu Quốc hội Cam-pu-chia khóa V tiến hành ngày 28-7 vừa qua, theo đó Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) giành được 68 trong tổng số 123 ghế, 55 ghế còn lại thuộc về Đảng Cứu nguy dân tộc Cam-pu-chia (CNRP). Trước đó, theo kết quả tạm thời NEC công bố ngày 12-8, có 6,4 triệu cử tri trong số hơn 9,6 triệu cử tri đã đi bầu và Đảng cầm quyền CPP giành được trên 3,2 triệu phiếu; trong khi đảng đối lập CNRP được trên 2,9 triệu phiếu. Do có khiếu nại của CNRP, NEC và Hội đồng Hiến pháp Cam-pu-chia (CCC) đã tiến hành điều tra về kết quả bầu cử. Nhưng kết luận điều tra của NEC và CCC cho thấy mặc dù có một số sai sót có tính kỹ thuật, nhưng không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Hiện CNRP vẫn không công nhận kết quả bầu cử vì đảng này cho rằng họ giành được 63 ghế và đòi thành lập ủy ban hỗn hợp với sự tham gia của Liên hợp quốc và đại diện các tổ chức dân sự xã hội trong và ngoài nước để điều tra. Theo Hiến pháp Cam-pu-chia, Quốc hội mới sẽ họp phiên đầu tiên sau ngày bầu cử 60 ngày để bầu các chức danh lãnh đạo của cơ quan lập pháp tối cao. Đảng CPP sẽ tiếp tục cầm quyền ở Cam-pu-chia từ nay đến năm 2018 và ông Hun Xen (Hun Sen), Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ IV, ứng cử viên Thủ tướng nhiệm kỳ V của Đảng CPP sẽ tiếp tục làm Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ và thành lập chính phủ mới./.
Suy nghĩ về Quyền con người trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (09/09/2013)
Suy nghĩ về Quyền con người trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (09/09/2013)
Mỹ cho Nhật xem bằng chứng vũ khí hóa học ở Syria  (09/09/2013)
Việt Nam tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển internet  (09/09/2013)
Tuyên dương, khen thưởng 38 tập thể và 135 cá nhân tiêu biểu trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2013  (08/09/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khánh thành sân bay Tuy Hòa  (08/09/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên