Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 5 đến ngày 11-8-2013

Hồng Ngọc tổng hợp
16:01, ngày 12-08-2013
TCCSĐT - Ngày 7-8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa IX tổ chức Hội nghị bất thường thảo luận các nội dung liên quan đến Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Theo Đề án, mô hình chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh có 2 cấp, gồm chính quyền Thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở.

TP. Hồ Chí Minh là một đô thị lớn với 19 quận và 5 huyện, quy mô dân số hơn 8 triệu người; được xác định là một đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đang có những bất cập so với yêu cầu về quản lý và phát triển Thành phố nên từ năm 2007, được phép của Bộ Chính trị, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Theo Tờ trình của Thành phố, mô hình chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh được tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương có 2 cấp (quy định hiện hành là 3 cấp), gồm chính quyền TP. Hồ Chí Minh và chính quyền cấp cơ sở (gồm 4 thành phố trực thuộc, các xã, thị trấn còn lại là pháp nhân công quyền, có địa vị pháp lý như nhau dù quy mô và đặc điểm khác nhau).

Trong đó, đô thị hiện hữu là 13 quận nội thành, là một đô thị hoàn chỉnh, đóng vai trò đô thị trung tâm, thuộc pháp nhân công quyền TP. Hồ Chí Minh; 4 đô thị vệ tinh là các thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc là những đô thị mới, được tổ chức thành một cấp chính quyền (cơ sở); chính quyền TP. Hồ Chí Minh quản lý theo cơ chế phân cấp; 3 thị trấn và 35 xã là chính quyền cơ sở.

Người đứng đầu UBND các thành phố mới được gọi là Chủ tịch hoặc Thị trưởng.

Thành phố Đông sẽ bao gồm các quận 2, 9, Thủ Đức với diện tích 211km², dân số 890.000 người, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm, giáp với trục cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với chức năng kinh tế phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính, tín dụng), công nghệ cao, du lịch sinh thái…

Thành phố Nam bao gồm toàn bộ Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích phường 7 Quận 8 và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 169km² với quy mô dân số 470.000 người, lấy khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm phát triển (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng), thị trấn Nhà Bè và đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.

Thành phố Tây gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện nay, một phần phường 7, phường 16 của Quận 8 và 4 xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh với diện tích 109km², dân số 810.000 người, có trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, giáp Quốc lộ 1. Thành phố Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các Quận 11, Quận 6, Tân Bình.

Thành phố Bắc bao gồm toàn bộ Quận 12, Hóc Môn có diện tích 162km² với dân số 860.000 người, trung tâm phát triển là xã Tân Thới Nhì với hành lang phát triển là Quốc lộ 22, có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc dãn dân, chỉnh trang đô thị quận Gò Vấp, Tân Bình. Ngoài ra, thành phố Bắc cũng có phân khu chức năng phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô khoảng 1.000ha tại quận 12.

Sau khi được Chính phủ đồng ý và được Quốc hội cho phép, Thành phố sẽ lập phương án tổ chức sắp xếp bộ máy nhân sự, xác định chức năng nhiệm vụ của chính quyền từng đô thị, hoàn thành triển khai thực hiện Đề án trong năm 2015 để áp dụng mô hình mới từ năm 2016.

Sẽ xác định chỉ số cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tiến hành xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của các bộ, ngành và địa phương. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới công tác quản lý, theo dõi, đánh giá để bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng về mặt thực tiễn, Chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý mới có ý nghĩa rất quan trọng, bởi chỉ số này sẽ đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố.

Trong đó, coi trọng việc tự đánh giá của cơ quan quản lý hành chính và đánh giá của các cơ quan, tổ chức bên ngoài, nhất là những doanh nhân, doanh nghiệp, người dân - những đối tượng trực tiếp thụ hưởng sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Thông qua Chỉ số cải cách hành chính có thể đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của việc thực hiện cải cách hành chính, qua đó sẽ giúp các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố có cơ sở xem xét, đánh giá điều chỉnh mục tiêu, nội dung cải cách hành chính hằng năm, đồng thời đề ra các giải pháp thích hợp bảo đảm ngày càng nâng cao kết quả của công tác cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương.

Xác định Chỉ số cải cách hành chính theo các tiêu chí, định lượng cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có thể so sánh, đánh giá, xếp loại kết quả cải cách hành chính hằng năm của mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, thời gian qua, công tác đánh giá, theo dõi cải cách hành chính còn nặng về định tính, chủ quan, chưa có những tiêu chí định lượng cụ thể, chưa tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, người dân và xã hội. Do vậy, rất khó xác định được kết quả cải cách hành chính trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến khó khăn trong đánh giá, xếp loại về kết quả cải cách hành chính.

Áp dụng chỉ số cải cách hành chính, các tiêu chí đánh giá sẽ được thực hiện theo 2 phương thức: các cơ quan hành chính tự đánh giá kết quả cải cách hành chính của mình và thông qua điều tra xã hội học đối với người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan hành chính phải thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, đánh giá, chấm điểm kết quả công tác cải cách hành chính của mình.

Nếu các cơ quan hành chính tự đánh giá một cách trách nhiệm, thực chất, khách quan điều tra xã hội học đạt kết quả tốt, chắc chắn khi chúng ta công bố bộ chỉ số cải cách hành chính sẽ tạo được sự nhất trí trong nội bộ, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân và toàn xã hội - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định.

Công khai thủ tục hành chính

Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, công bố các thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính đã thu được kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Đến nay, hầu hết thủ tục hành chính do các cơ quan có thẩm quyền ban hành đều đã được công bố, đăng tải, niêm yết công khai tại các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã giúp người dân tiếp cận các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, kịp thời. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến tháng 8-2013, trên phạm vi cả nước tổng số thủ tục hành chính được đơn giản hóa là 3.606/4.751 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề liên quan. Các loại giấy tờ, thủ tục, biểu mẫu, tờ khai có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và được đăng tải công khai trên mạng internet giúp người dân có thể trực tiếp tham khảo, sử dụng ngay khi cần, không phải đến cơ quan nhà nước để tìm hiểu, mất thời gian, công sức như trước đây.

Tuy nhiên, sau một thời gian đầu triển khai quyết liệt thì thời gian gần đây công tác cải cách hành chính đang có dấu hiệu chùng xuống. Nhiều quy định, thủ tục hành chính mới được ban hành chưa được thống kê, cập nhật, công bố kịp thời, thậm chí một số nơi còn niêm yết các thủ tục hành chính đã hết hiệu lực thi hành. Việc chậm công bố thủ tục hành chính khi có sự thay thế, bổ sung, sửa đổi là rất nguy hiểm, bởi khi đó người dân, doanh nghiệp và ngay cả các cán bộ, công chức nếu không cập nhật kịp thời sẽ dẫn đến áp dụng pháp luật sai. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp mà còn tác động xấu đến xã hội như tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Vì vậy, các cơ quan chức năng ngoài việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả thủ tục hành chính thì cần kịp thời công bố các thủ tục hành chính khi có thay thế, bổ sung, sửa đổi.

Ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành định kỳ hằng tháng

Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư quy định quy trình ra thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành (Thông cáo báo chí).

Theo đó, Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.

Theo Thông tư, Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp, biên tập nội dung, xây dựng Thông cáo báo chí căn cứ vào nội dung thông tin về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành (cơ quan chủ trì soạn thảo) cung cấp.

Chậm nhất vào ngày 10 hằng tháng, Bộ Tư pháp ban hành Thông cáo báo chí đối với văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng trước.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, Bộ Tư pháp sẽ phải ban hành Thông cáo báo chí trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin do cơ quan chủ trì soạn thảo cung cấp.

Theo Thông tư, Bộ Tư pháp đăng tải Thông cáo báo chí trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngay sau khi ký ban hành; Văn phòng Chính phủ đăng tải Thông cáo báo chí trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ ngay sau khi nhận được Thông cáo báo chí do Bộ Tư pháp gửi đến.

Theo Thông tư, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp về văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do mình chủ trì soạn thảo để phục vụ việc xây dựng Thông cáo báo chí.

Nội dung thông tin nêu rõ tên văn bản, ngày, tháng, năm ban hành; cơ quan ban hành; hiệu lực thi hành; sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của văn bản quy phạm pháp luật theo mẫu.

Bộ Tư pháp cho biết, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi thông tin như trên đến Bộ Tư pháp bằng hình thức công văn và thư điện tử.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng họp trực tuyến

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống họp trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành của thành phố, giai đoạn 3, với tổng mức đầu tư 99,6 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội cho phép nâng cấp, bổ sung thiết bị cho hệ thống trung tâm điều hành của hệ thống giao ban trực tuyến thành phố để đáp ứng nhu cầu mở rộng 577 điểm cầu truyền hình triển khai giai đoạn 3; nâng cấp, bổ sung thiết bị cho 55 điểm cầu truyền hình triển khai giai đoạn 1 và 2; đầu tư bổ sung thiết bị đầu cuối, thiết bị ngoại vi phục vụ họp trực tuyến cho 577 xã, phường, thị trấn...

Trong vòng 3 năm (2013 - 2015), thành phố Hà Nội sẽ nâng cấp, bổ sung thiết bị, đến khi hoàn thành sẽ mở rộng phạm vi hoạt động hệ thống họp trực tuyến nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn, xây dựng môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, còn nâng cao năng lực quản lý của các cấp cũng như tăng cường cho công tác cải cách hành chính của thành phố...

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc Thành phố tăng cường việc ứng dụng họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành, hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung để tiết kiệm chi phí tổ chức họp, đi lại, ăn ở của các đại biểu.

Thành phố cũng yêu cầu các sở, ban, ngành cần quán triệt, thực hiện ứng dụng họp trực tuyến bắt buộc đối với các cuộc hội nghị, hội thảo, sơ kết, tổng kết trong toàn thành phố, khuyến khích các cuộc họp chuyên ngành do sở, ban, ngành chủ trì hoặc tham mưu để UBND thành phố chủ trì họp.

Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ đưa tiêu chí ứng dụng họp trực tuyến vào kết quả đánh giá xếp loại ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố.

Ngành hải quan phối hợp thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại đã ký kết phối hợp thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Hải quan chuẩn bị triển khai mở rộng việc phối hợp thu ngân sách nhà nước tại 34 Cục Hải quan trên cả nước.

Theo đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc sử dụng hiệu quả chứng từ thanh toán nộp thuế, bảo lãnh thuế của các ngân hàng thương mại; cập nhật đầy đủ, chính xác các phiên bản nâng cấp Cổng thanh toán điện tử…

Đối với các ngân hàng thương mại, Tổng cục Hải quan yêu cầu chuẩn bị cài đặt chương trình, triển khai phối hợp thanh toán thuế, bảo lãnh thuế điện tử cho các chi nhánh, điểm giao dịch để sẵn sàng triển khai khi doanh nghiệp có nhu cầu bảo lãnh, nộp thuế quan ngân hàng thương mại.

Được biết, việc mở rộng phối hợp thu này là để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin xác định người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi quyết định thông quan/giải phóng hàng tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Đồng thời cũng tạo thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho người nộp thuế.

Đến hết tháng 7-2013, Tổng cục Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước với 12 ngân hàng thương mại: BIDV, Vietinbank, MB, Vietcombank, Agribank, VIB, Techcombank, Eximbank, Maritimebank, VPBank, HD Bank và MHB.

Ngành Hải quan cũng đã triển khai phối hợp thu ngân sách nhà nước tại 9 Cục Hải quan là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi.

Bảo đảm cuối năm 2013 cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình phát triển nhà ở,chiều 9-8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp kiểm điểm thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các bộ, ngành và một số địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lũy kế đến giữa năm 2013, cả nước đã cấp được khoảng 36 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 20,12 triệu ha, đạt 83,2% diện tích cần cấp của cả nước, tăng 2% so năm 2012. Ðất ở đô thị đã cấp hơn 4,2 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cả nước, đạt tỷ lệ 80,3%. Ðất ở nông thôn đã cấp 11,51 triệu giấy, đạt 85%. Riêng đất chuyên dùng mới đạt 64% với hơn 182 nghìn giấy...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu của Quốc hội đề ra, khối lượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả nước vẫn còn nhiều. Phó Thủ tướng lưu ý những nguyên nhân chính, số lượng tồn đọng hiện tập trung chủ yếu ở 18 địa phương mà sắp tới cần đôn đốc, nỗ lực để thay đổi tình hình. Các địa phương này phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.

Với các khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan triển khai cần phân loại để giải quyết. Các trường hợp sai phạm như vi phạm Luật Ðất đai, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công,... thì kiên quyết xử lý sai phạm. Các trường hợp khó khăn do thủ tục, cơ chế chưa theo kịp có thể xem xét, giải quyết linh hoạt theo từng vấn đề. Xem xét, bố trí vốn để đáp ứng nhu cầu cho việc đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số nơi đang thiếu. Các địa phương phải bảo đảm đến cuối năm 2013, căn bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước.

Hà Nội: Nhiều chuyển biến tích cực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông mới nên nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng triển khai đồng loạt.

Bên cạnh các yếu tố tích cực, quá trình này cũng dẫn đến tình trạng khiếu nại của công dân phức tạp. Hơn nữa, Thủ đô là nơi các cơ quan Trung ương đóng trụ sở, thế nên nhiều khi chỉ một tranh chấp nhỏ người dân cũng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương, trong đó có một số trường hợp khiếu nại có tổ chức, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự công cộng.

Trước thực tế đó, công tác giải quyết khiếu nại đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tăng cường tính công khai, minh bạch được đặc biệt chú trọng. Thành phố đã tích cực rà soát và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn thành phố, là những cơ sở pháp lý để các ngành, các cấp và cán bộ, công chức thực hiện thống nhất, đồng thời là căn cứ xử lý vi phạm trong quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trên cơ sở các quy định đó, nhiều quận, huyện đã ban hành quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo để áp dụng trong đơn vị mình. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo, gắn với tuyên truyền pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, tố tụng hành chính; thường xuyên triển khai các cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo ở 29 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành.

Ngày 17-9-2009, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4825/QĐ-UBND thành lập Ban Tiếp công dân của UBND thành phố. Đây là cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo UBND thành phố tổ chức tiếp công dân thường xuyên để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo UBND thành phố tiếp công dân định kỳ vào tuần thứ 3 hằng tháng, thường xuyên cử 2 Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp cùng lãnh đạo thanh tra thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của thành phố (34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và 20 Hoàng Diệu, quận Hà Đông). Qua tiếp công dân, những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng lâu ngày được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo kịp thời. Một số trường hợp cần thiết đã trực tiếp tổ chức đối thoại tại cơ sở hoặc thành lập các tổ công tác, các đoàn thanh tra liên ngành để xem xét, giải quyết dứt điểm. Công tác tiếp dân đi vào nền nếp, góp phần tạo ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

5 năm qua, các cơ quan hành chính của thành phố đã thụ lý theo thẩm quyền 9.006 vụ khiếu nại, đã giải quyết 7.875 vụ, đạt tỷ lệ 87%. Kết quả giải quyết cho thấy: 13% là khiếu nại đúng; 60% là khiếu nại sai; 21% là khiếu nại đúng một phần, còn lại 6% là hòa giải thành công, rút đơn khiếu nại. Qua giải quyết khiếu nại đã kiến nghị thu hồi 98.025 triệu đồng và 80.058m2 đất; thu hồi 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiến nghị trả cho dân 18.698 triệu đồng và 2.129m2 đất; kiến nghị điều chỉnh 116 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; bán bổ sung 14 nhà tái định cư; xử lý kỷ luật 14 cán bộ./.