Ngày 09-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ xem xét lại toàn bộ chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), đồng thời thừa nhận ngày càng dấy lên những quan ngại liên quan đến quyền bảo vệ đời tư công dân.

Phát biểu tại buổi họp báo ở Thủ đô Washington, ông B. Obama cho biết sẽ đề nghị Quốc hội Mỹ đánh giá mục 215 gây tranh cãi trong Luật Yêu nước vốn cho phép NSA tiếp cận điện thoại cũng như các hồ sơ khác của công dân. Ngoài ra, ông cũng cam kết sẽ bàn bạc với các nghị sĩ để tìm biện pháp nâng cao lòng tin của người dân đối với hoạt động giám sát của Tòa án giám sát tình báo nước ngoài (FISC) - cơ quan đã cho phép tiến hành các hoạt động thu thập dữ liệu điện thoại và Internet thời gian qua.

Ông B. Obama khẳng định: “Tất cả các biện pháp này nhằm bảo đảm với người dân Mỹ rằng những nỗ lực của chúng ta phù hợp với lợi ích cũng như giá trị của nước Mỹ”. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ quan ngại chung của người dân về khả năng hoạt động giám sát có thể bị lạm dụng. Ông B. Obama nhấn mạnh Mỹ “có thể và cần phải minh bạch hơn” về các chương trình do thám. Ông đề xuất 4 biện pháp minh bạch hóa chương trình do thám trong thời gian tới, trong đó có việc chính quyền sẽ giải mật các tài liệu về hoạt động giám sát và thành lập ủy ban gồm các chuyên gia bên ngoài nhằm hỗ trợ bảo đảm sự cân bằng giữa an ninh và đời tư. Ông tuyên bố Mỹ có thể tiến hành các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện một chương trình giám sát lớn hơn, minh bạch hơn.

Tổng thống B. Obama đã lần đầu tiên đề cập khả năng cần xem xét lại chương trình do thám của NSA kể từ sau vụ tiết lộ thông tin động trời của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - người vẫn đang bị chính phủ Mỹ truy nã vì tội làm gián điệp gây tổn hại cho lợi ích quốc gia và là nguyên nhân châm ngòi cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ với một số nước trên thế giới thời gian qua./.