TCCSĐT - Quá trình phát triển kinh tế nhiều thập kỷ qua và cho đến những năm gần đây cho thấy rõ, lãnh đạo các quốc gia cũng như hầu hết chuyên gia kinh tế chỉ lo lắng nhiều đến nợ công, thâm hụt ngân sách, xử lý nợ xấu và hệ lụy của việc vay mượn và cho vay một cách vô trách nhiệm. Thật ra, thách thức kinh tế lớn nhất đối với cả thế giới hiện nay là tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới có thể tạo ra nhiều việc làm ổn định và lương cao. Đây là một thách thức không dễ giải quyết và rõ ràng không thể giải quyết nhanh chóng.
Thực trạng kinh tế thế giới hiện nay

Trên thế giới hiện có ít nhất 5 mô hình tăng trưởng kinh tế, nhưng cả 5 mô hình này đều lộ rõ những khiếm khuyết. Một số quốc gia như Hy Lạp và Bồ Đào Nha phải đi vay nợ để hoạt động kinh tế. Các quốc gia khác như Cộng hòa Síp, Ai-xơ-len, Ai-len, Anh và Mỹ thì dùng “đòn bẩy tài chính” để hỗ trợ cho các hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Các nước khác như Trung Quốc và Hàn Quốc lại khai thác tối đa tiến trình toàn cầu hóa và thương mại quốc tế, để giành giật thị phần. Cũng có không ít quốc gia đã và đang “ăn theo” sự phát triển của Trung Quốc. Và cuối cùng, một số nước chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá, kể cả khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu, trong khi cuộc sống của người dân vẫn trong cảnh bần hàn, cơ cực.

Mấy năm gần đây, các mô hình kinh tế này đều tỏ ra ít hiệu quả, tăng trưởng trung bình toàn cầu chỉ đạt 2,9%/năm, mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ qua, kể từ năm 1971. Trong đó tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển gần như đình trệ, còn tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi cũng chỉ đạt 5,6%, thấp hơn mức trung bình 5 năm trước đó 2%. Tuy nhiên, châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng vẫn phát triển tương đối ổn định.

Các nước phát triển đã phải chịu “hiểm họa” đầu tiên. Những chính sách mạnh dạn, táo bạo của các nước này nhằm đối phó với khó khăn tài chính đã góp phần ngăn chặn được suy thoái toàn cầu, thế nhưng lại gây thâm hụt rất lớn cho ngân sách nước họ. Khoản nợ tăng cao đã đẩy các nước phát triển vào tình cảnh khốn đốn và ngày càng lộ rõ những rắc rối mang tính trung hạn. Điều đó càng thúc đẩy quá trình phân cực chính trị và tạo ra những khó khăn mới cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu trở nên ít năng động hơn và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, khiến ngay cả những nước có bản cân đối kế toán lành mạnh cũng bị suy giảm tăng trưởng.

Chịu hậu quả nặng nề và đau đớn nhất là các nước phương Tây. Tốc độ tăng trưởng tại các nước này không đủ để giải nợ một cách an toàn, chi phí xã hội trở nên ngày càng lớn; tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng đến mức báo động; hệ thống an sinh xã hội bị thu hẹp; đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, cũng như dành cho nguồn nhân lực không được như mong muốn; tất cả đang đè nặng lên thế hệ đương thời và tác động xấu đến các thế hệ tương lai. Từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, hầu hết các nước trên thế giới đều phải tung ra hàng loạt gói kích cầu với hy vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, để sớm thoát khỏi khủng hoảng. Thế nhưng, các gói kích cầu đó đã không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi nợ công vẫn tiếp tục gia tăng. Chưa ai có thể khẳng định đến khi nào tình trạng này sẽ dừng lại và được chấm dứt.

Nợ công toàn cầu hiện đã chạm mốc 49.848 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 52.545 tỷ USD vào cuối năm 2014. Mỹ là nước có số nợ công lớn nhất thế giới, năm 2012 đã lên tới hơn 16.000 tỷ USD, tương đương với 104% GDP. Bộ Tài chính Mỹ dự báo, năm 2013 số nợ công nước này sẽ còn tăng thêm ít nhất 1.000 tỷ USD nữa. Nhật Bản đứng hàng thứ hai về tổng số nợ công hơn 12.573 tỷ USD, nhưng lại đứng hàng đầu về tỷ lệ so với tổng sản phẩm quốc nội 224,7% GDP. Mỗi người dân nước này đang phải cõng trên lưng khoản nợ tương đương 100.000 USD/người. Tuy nhiên, 95% nợ công của Nhật Bản là do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ và số nợ này chủ yếu là trái phiếu chính phủ. Bởi thế, đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng đối với quốc gia “Mặt trời mọc”.

Tại châu Âu, Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia nặng nợ nhất với 2.795 tỷ USD, chiếm 82,9% GDP, nhưng có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2014. Tiếp sau là I-ta-li-a, khoản nợ công tính đến cuối tháng 1-2013 đã lên tới 2.022 tỷ ơ-rô (tương đương 2.640 tỷ USD), bằng 127% GDP; Bộ Kinh tế và Tài chính nước này dự báo đến cuối năm sẽ có thể tăng thêm 3%, bằng 130% GDP. Nợ công của Pháp đã chạm mốc 1.834 tỷ ơ-rô (tương đương 2.390 tỷ USD), bằng 90,2% GDP. Còn Vương quốc Anh số nợ công cũng đã xấp xỉ 1.186 tỷ bảng (tương đương 1.897,5 tỷ USD), bằng 75,4% GDP.

Nợ công của các nước kinh tế mới nổi ít nặng nề hơn. Trung Quốc nợ công hơn 1.348 tỷ USD, bằng 15,9% GDP. Nếu tính cả nợ của chính quyền địa phương, trái phiếu của các ngân hàng quốc doanh và chi phí tái cơ cấu ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ này có thể lên tới 70-80% GDP. Nợ công của Ấn Độ vào khoảng 1.015 tỷ USD, chiếm 50% GDP, dự báo sẽ tăng thêm 18,2% vào năm 2014, nghĩa là lên tới gần 70% GDP. Nợ công của Nga không đáng lo ngại, chỉ tương đương hơn 10,5% GDP vào năm 2012, năm trước đó là 8,3% GDP, còn năm nay dự báo có thể sẽ giảm xuống.

Điều kiện tiếp cận tín dụng quá dễ dàng là nguyên nhân cơ bản làm tăng mức độ rủi ro và tích tụ dần thành khủng hoảng. Tình trạng này đã từng diễn ra ở Mỹ sau năm 2001 do chính sách “cấp tín dụng dưới chuẩn”. Còn tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), người dân một số nước đã “vung tay quá trán”, chi tiêu phung phí bằng nguồn tín dụng để có cuộc sống ngang ngửa với các nước có mức sống cao trong khu vực, khi đồng ơ-rô được lưu hành chính thức vào năm 1999. Tại Trung Quốc, khi tín dụng đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường địa ốc, đã dẫn đến tình trạng thừa cung quá mức, trong khi các nhu cầu có khả năng thanh toán lại rất thấp. Ngay ở nước ta cũng đang diễn ra tình trạng hàng hóa tồn đọng và sản xuất đình đốn, mà nguyên nhân cơ bản là do tín dụng tăng mạnh kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối năm 2006.

Nguyên nhân của tình trạng bùng nổ tín dụng chính là vì các ngân hàng đưa ra điều kiện cho vay quá dễ dàng với lãi suất thấp. Điều đó thúc đẩy chi tiêu cá nhân, nổi bật là những gia đình nghèo và thế hệ trẻ, những đối tượng có nhiều ước mơ và nhu cầu chi tiêu vượt quá mức thu nhập thực tế. Nhiều gia đình và cá nhân đi vay để chi tiêu, kể cả mua những đồ dùng sang trọng, lâu bền như xe hơi đắt tiền, tậu nhà, căn hộ cao cấp, cho dù những thứ này giá cao ngất ngưởng. Khi chính sách tín dụng trở nên khó khăn hơn, mọi người phải điều chỉnh chi tiêu. Hậu quả là nhu cầu đối với một số hàng hóa thay đổi một cách không cân xứng, sức mua giảm đột ngột, dẫn đến dư thừa sản phẩm, thu hẹp sản xuất, nhiều người mất việc làm, nổi bật là tại các ngành và địa phương có giá cả tăng mạnh.

Chưa đồng thuận về chính sách


Cuộc khủng hoảng nợ công đã bước sang năm thứ ba và tiếp tục gia tăng, thế giới vẫn chưa thể tìm được giải pháp hiệu quả nhằm đẩy lùi, kiềm chế và hạ nhiệt vấn nạn này. Hai quan điểm trái ngược nhau giữa một bên là “thắt lưng buộc bụng”, giảm các khoản chi tiêu với một bên là tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, “kích thích tiêu dùng”, cho đến nay vẫn chưa thể dung hòa, thậm chí còn trở nên gay gắt hơn. Đơn giản là bởi những nhà lãnh đạo ở mỗi quốc gia, hay mỗi tổ chức tài chính quốc tế đều xuất phát từ thực tế nước mình, tổ chức mình và có những lựa chọn ưu tiên khác nhau.

Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giô-xơ Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) và nhiều chính khách nổi tiếng khác của châu Âu chủ trương kích thích tiêu dùng, đầu tư tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm để giảm căng thẳng xã hội. Ông G.M. Ba-rô-xô cho rằng, các biện pháp kinh tế khắc khổ “đã đến giới hạn”, người dân không thể chịu đựng mãi các biện pháp “ép xác như con ve sầu” để đổi lấy những “gói cứu trợ” của các tổ chức tài chính quốc tế.

Thái độ bất bình của người dân đối với chính sách khắc khổ đã được biểu thị bằng làn sóng biểu tình rầm rộ khắp châu Âu, nhất là trong dịp Quốc tế Lao động 1-5 vừa qua. Chính vì sức ép của đông đảo quần chúng nhân dân ở nhiều nước châu Âu, cộng thêm việc người đứng đầu EC là ông G.M. Ba-rô-xô có cùng quan điểm và đồng lòng với người dân, nên lãnh đạo EC đã quyết định nới lỏng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cho một số nước, trong đó có Pháp, qua việc cho phép nước này kéo dài thời hạn giảm thâm hụt ngân sách. Lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm thâm hụt ngân sách là hợp lý trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.

Thế nhưng, trong tình cảnh khốn khó, nhiều người mất việc làm, sản xuất thu hẹp, niềm tin vào lãnh đạo phai nhòa, thì vẫn còn không ít nhà lãnh đạo quốc gia, đại diện tiêu biểu là Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel), Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde) cũng như khá đông giới lãnh đạo các tổ chức tài chính Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Thế giới (WB)… vẫn kiên quyết yêu cầu các nước muốn nhận được “gói cứu trợ”, nhất thiết phải nghiêm chỉnh thực hiện các điều kiện khắc khổ mà họ đưa ra. Thậm chí Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Cri-xtin La-gác-đơ còn khẳng định, sẽ có ít lựa chọn có thể thay thế các chính sách “thắt lưng buộc bụng” đang được áp dụng trên toàn châu Âu. Bà C. La-gác-đơ cho rằng, “các chương trình kích thích kinh tế là giải pháp bất khả thi”, bởi chúng chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ công. Theo Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dù bị nhiều người chỉ trích vì đã đi đầu trong chiến dịch “thắt lưng buộc bụng”, nhưng hiện nay Cộng hòa Liên bang Đức đã bắt đầu gặt hái những thành quả đáng khích lệ của chính sách này.

Mỹ và châu Âu đứng trên hai “chiến tuyến” - theo hai cách ứng xử với cuộc khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính Anh Gioóc-giơ O-xbon (George Osborne), đại diện cho "trường phái châu Âu” khẳng định, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn giữ lạm phát ổn định, các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần tiếp tục duy trì nghiêm kỷ luật ngân sách. Trong đó “thắt chặt chi tiêu sẽ tiếp tục là chìa khóa cho sự phục hồi toàn cầu”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Gia-cốp Liu (Jacob Lew) kêu gọi các đồng nhiệm châu Âu thay đổi mục tiêu, vì theo ông, việc siết chặt ngân sách một cách thô bạo sẽ cản trở tiêu dùng và đồng nghĩa với thu hẹp sản xuất, gia tăng thất nghiệp, kinh tế suy giảm. Như vậy, rõ ràng, những người đứng đầu ngành tài chính Mỹ và các nước châu Âu đang bảo vệ hai quan điểm trái ngược nhau, cần phải lựa chọn hoặc là tiếp tục duy trì chính sách “thắt lưng buộc bụng”, hoặc tìm giải pháp để tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên “khắc khổ” hay “tăng trưởng” là lựa chọn không dễ dàng trong bối cảnh quan điểm của các nước phát triển hàng đầu thế giới vẫn còn rất xa nhau./.