TCCSĐT - Tối 3-8-2013 sau khi đi vào khu vực vùng núi Bắc Bộ, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 19 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Dự báo trong 12h tới vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 25km suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, cần theo dõi trong các bản tin mưa lũ tiếp theo

Do ảnh hưởng của bão số 5, tại trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 26m/s (cấp 10); ở đảo Cô Tô: 20m/s (cấp 8), giật 29m/s (cấp 11); ở Móng Cái (Quảng Ninh): 13m/s (cấp 6), giật 27m/s (cấp 10); Quảng Hà (Quảng Ninh): 18m/s (cấp 8), giật 30m/s (cấp 11); Cửa Ông: 12m/s (cấp 6), giật 20m/s (cấp 8), Sơn Động (Bắc Giang): 15m/s (cấp 7), giật 20m/s (cấp 8); Thái Bình gió giật 20m/s (cấp 8). Ở các Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, đến rất to với lượng mưa phổ biến 50 – 100mm; Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 210mm; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) 214mm; Sơn Động (Bắc Giang) 180m, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 196mm….

Lúc 17h ngày 3-8, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiểm Cứu nạn đã có Công điện số 33/CĐ- TW gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nội dung Công điện như sau:

Do ảnh hưởng của bão số 5, các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to, lũ trên thượng nguồn hệ thống sông Thái Bình đang lên nhanh và có thể đạt mức báo động I, II. Để chủ động phòng, tránh giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:

1. Tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động; tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố đê khi vừa phát sinh.

2. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, ngầm qua suối. Yêu cầu các chủ phương tiện phải chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn cho hành khách, kiên quyết không cho phương tiện hoạt động nếu không đủ điều kiện an toàn theo quy định.

3. Chỉ đạo việc sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực vùng núi có nguy cơ sạt lở đất. Duy trì, tổ chức lực lượng để ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra.

4. Kiểm soát chặt chẽ việc vận hành các hồ chứa theo quy định. Có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ du đối với các hồ chứa đang thi công, đặc biệt các hồ đang có sự cố.

5. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn./.