TCCSĐT - Ngày 14-3, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2013). Đây là dịp nhìn lại chặng đường 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam song hành cùng đất nước, tôn vinh các thế hệ điện ảnh đã chung sức xây dựng nền điện ảnh dân tộc.

1. Hội nghị Cấp cao Hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam lần thứ 6

Ngày 12-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao Hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam lần thứ 6 (CLMV 6), Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawadi - Chao Phraya - Mê Công lần thứ 5 (ACMECS 5) tại Viêng Chăn, Lào và thăm một số tỉnh Bắc Lào từ ngày 12 đến 15-3. Thủ tướng CHDCND Lào Thoong-xỉn Thăm-mạ-vông chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Hun Sen, Phó Tổng thống Mi-an-ma Mauk Kham và Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh.

Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của các Bộ trưởng Kinh tế CLMV đã hoàn thành hầu như tất cả các dự án hợp tác trong Kế hoạch hành động CLMV năm 2011 và 2012, nỗ lực của các Bộ trưởng Du lịch xây dựng Kế hoạch chung về hợp tác du lịch CLMV giai đoạn 2013 - 2015, và các thành công trong hợp tác thương mại - đầu tư, bao gồm việc triển khai thành công mô hình một cửa - một điểm dừng ở cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) và Densavanh (Lào). Lãnh đạo các nước cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã cấp học bổng và hỗ trợ các nước đào tạo nghề, phát triển nhân lực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu lớn của việc hợp tác giữa bốn nước là tăng cường hội nhập khu vực, củng cố và nâng cao vai trò của các nước CLMV trong chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa bốn nước CLMV với các nước còn lại trong ASEAN. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 7 (CLV 7) tại Viêng Chăn, Lào. 

2. Kỳ họp thứ 7 Hội đồng Lý luận Trung ương 

Ngày 12-3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Kỳ họp thứ 7. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, Hội đồng Lý luận Trung ương đã thảo luận về các nội dung: Báo cáo kết quả công tác năm 2012, phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 của Hội đồng Lý luận Trung ương và góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

Về góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị, với chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương, các thành viên Hội đồng góp ý vào toàn bộ nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời tập trung làm rõ luận cứ lý luận và thực tiễn về những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất như: quyền nhân dân trong việc lập hiến; vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức quyền lực nhà nước; quy định sở hữu toàn dân về đất đai; quy định về tổ chức Quốc hội; về bầu cử, về bản chất và nhiệm vụ chính trị của lực lượng vũ trang; về quy trình sửa đổi Hiến pháp và một số vấn đề quan trọng khác.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh đây là những vấn đề lớn và khó, các thành viên Hội đồng nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ và tâm huyết trong trao đổi, thảo luận đóng góp những ý kiến thiết thực góp phần làm rõ căn cứ lý luận - thực tiễn của các vấn đề trong Dự thảo, khẳng định những vấn đề có tính nguyên tắc trong đường lối, quan điểm của Đảng, tạo thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, góp phần để bản Hiến pháp sửa đổi thật sự là kết tinh ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của nhân dân ta.

3. Bế mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 

Ngày 12-3, tại Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra Lễ bế mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 - năm 2013 có tên gọi “Hương sắc cao nguyên” với phần trình diễn độc đáo, hoành tráng và đậm đà bản sắc Tây Nguyên. 

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột với tên gọi xuyên suốt “Cà phê Buôn Ma Thuột liên kết - phát triển” diễn ra từ ngày 9 đến ngày 12-3, với 13 nội dung ấn tượng và đặc sắc đã được thực hiện, như: Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê 2013; Lễ hội đường phố với chủ đề “Cà phê thế giới - Thế giới cà phê”; Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 - năm 2013; Hội thảo “Giá trị gia tăng của cà phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà phê”; Chương trình thi “Đi tìm Đại sứ cà phê Việt Nam”, …

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, nhằm tiếp tục xúc tiến thương mại, đẩy mạnh công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung. Qua đó, khẳng định vị thế của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới; kết hợp xây dựng văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột với việc đầu tư, phát triển Du lịch của địa phương. 

4. Thành lập Hiệp hội xăng dầu Việt Nam

Ngày 13-3, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA). Ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, được bầu là Chủ tịch Hiệp hội. Đại hội cũng đã bầu Ban chấp hành gồm 29 thành viên, 9 phó Chủ tịch và một Tổng Thư ký Hiệp hội.

Nhiệm vụ của Hiệp hội là làm đầu mối trong việc nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các hội viên để tham gia kiến nghị với các cơ quan nhà nước về chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực xăng dầu; tổ chức tuyên truyền về chủ trương điều hành giá cả xăng dầu của Chính phủ, bộ, ngành để tạo đồng thuận trong xã hội và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;... Hội viên của Hiệp hội bao gồm các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hoặc liên quan đến ngành xăng dầu của Việt Nam; các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm, công dân Việt Nam tán thành Điều lệ Hiệp hội và tự nguyện làm đơn xin gia nhập hội. 

5. Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập điện ảnh cách mạng Việt Nam

Ngày 14-3, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam (15-3-1953 - 15-3-2013). Đây là dịp nhìn lại một chặng đường 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam song hành cùng đất nước, tôn vinh các thế hệ điện ảnh đã chung sức xây dựng nền điện ảnh dân tộc. 

Qua 60 năm hình thành và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đóng góp nhiều thành tựu vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước. Các thế hệ nghệ sỹ điện ảnh 60 năm qua, nhất là các nghệ sỹ điện ảnh, trải qua hai cuộc kháng chiến đã cống hiến mồ hôi, tâm sức, thậm chí không tiếc xương máu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam với những bộ phim truyện, phim tài liệu mang dấu ấn, bản sắc thời đại. 

6. Nhiếp ảnh Việt Nam kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống

Ngày 15-3, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống với sự tham dự của các thế hệ nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực để tưởng nhớ công lao của Bác Hồ, người đã đặt nền móng cho sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời tri ân, tôn vinh các lớp nghệ sỹ đi trước đã có đóng góp tích cực cho sự hình thành, phát triển của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. 

Qua 60 năm hình thành và phát triển, ngành nhiếp ảnh nước ta đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những hình ảnh vô giá của hai cuộc kháng chiến này đã được các nghệ sỹ nhiếp ảnh ghi lại bằng biết bao mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh xương máu. Họ đã để lại cho đất nước, nhân dân ta một pho sử bằng hình ảnh vô cùng sinh động, chân thực, giàu cảm xúc, có tính thuyết phục cao. 60 năm trôi qua, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã phát triển không ngừng. Từ những ngày đầu chỉ có 71 hội viên, nay Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh đã có hơn 900 hội viên với 3 thế hệ cầm máy, hoạt động trải khắp mọi miền Tổ quốc. 

7. Trao tặng danh hiệu Rồng Vàng và Thương hiệu mạnh Việt Nam

Ngày 17-3, tại Hà Nội, đã diễn ra Liên hoan Doanh nghiệp Rồng Vàng lần thứ XII và Thương hiệu mạnh Việt Nam lần thứ IX với chủ đề “Vượt sóng” nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đã năng động, có quyết định kịp thời và biện pháp phù hợp để duy trì sự ổn định, phát triển. Ban Tổ chức đã trao danh hiệu Rồng Vàng cho 73 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong một số lĩnh vực như: tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất xi-măng, ô tô,… vì đã có thành tích xuất sắc trong năm 2012. 

Tại sự kiện này, 100 doanh nghiệp trong nước cũng được nhận danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam, ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp trong nước sau một năm đối phó với hàng loạt thách thức, khó khăn, nhất là khó khăn về thị trường dẫn đến tồn đọng sản phẩm.

8. Trao giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2012

Ngày 17-3, tại Hà Nội, 67 doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc nhất đã được vinh danh tại lễ trao giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) năm 2012. Trong 67 doanh nghiệp Việt Nam được nhận GTCLQG có 17 doanh nghiệp đạt giải Vàng, 50 doanh nghiệp đạt giải Bạc. Đặc biệt, có 3 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng quốc tế GPEA năm 2012 gồm: Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong (thành phố Hải Phòng) và Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An (tỉnh Nghệ An).

Giải thưởng không chỉ là một hình thức tôn vinh, khen thưởng hằng năm ở cấp quốc gia cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam mà còn góp phần giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập thị trường trong nước và quốc tế./.