Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-03-2013
Việc soạn thảo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm điều chỉnh toàn bộ hoạt động mua sắm công, thực hiện chủ trương điện tử hóa trong mua sắm công, bảo đảm cạnh tranh và thực hiện phân cấp trong đấu thầu.
Dự án Luật khi được ban hành cũng sẽ góp phần hình thành khung pháp lý thống nhất về đầu tư sử dụng vốn nhà nước không nhằm mục đích kinh doanh đang được quy định rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
Cũng trong năm 2013, nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ hoàn thành dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư…
Riêng trong lĩnh vực quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung soạn thảo Luật Quy hoạch trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Đồng thời, khi Luật được thông qua, Bộ cũng sẽ phải nhanh chóng soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật này để tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động quản lý, điều hành.
Năm 2013 cũng là năm thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để tiếp tục tạo khung pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Khảo sát sự hài lòng của người dân về thủ tục hành chính
Ngày 7-3, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Dự án cải cách hành chính của UNDP tiến hành phát phiếu thăm dò sự hài lòng của người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Hoàng Mai, Công an quận Hoàng Mai và UBND phường Mai Động.
Việc khảo sát tập trung vào 6 nhóm dịch vụ hành chính nhạy cảm, có lượng giao dịch nhiều nhất là đất đai, xây dựng, chứng thực, cấp chứng minh thư, cấp giấy đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh.
Đây là một trong các nội dụng của Đề án “Xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”, với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, đánh giá một cách khách quan chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính. Qua việc khảo sát sẽ giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để cải thiện chất lượng phục vụ của mình.
Thông qua kết quả khảo sát tại các địa phương, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đây sẽ là công cụ quan trọng để đánh giá và xếp hạng kết quả cải cách hành chính của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ công cụ đo sự hài lòng của người dân với ngành Giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai những bước cần thiết để lần đầu tiên sẽ thực hiện việc đo lường sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của giáo dục công.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Vui, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết hiện tại Bộ đang xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với giáo dục.
Ngoài cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mời cả chuyên gia từng tham gia nghiên cứu với nước ngoài để xây dựng bộ công cụ với các chỉ số phù hợp nhằm đo lường sự phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước đối với người dân trong lĩnh vực giáo dục.
Việc đo lường này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công đạt mức 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.
Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch cải cách hành chính 2013
Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2013 tại Sở Tư pháp.
Theo đó, các nội dung như cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức… sẽ được tập trung thực hiện trong năm 2013.
Cụ thể, Sở sẽ triển khai tuyển dụng công chức, viên chức theo vị trí việc làm, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng, tăng cường kỷ luật hành chính, kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức; kiên quyết xử lý với những cán bộ có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân với chất lượng phục vụ tại các đơn vị trực thuộc Sở đi đôi với cải tiến phương pháp, tác phong làm việc.
Sự chuyển giao hợp lý
Sau 3 tháng chuyển giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp (ngày 23-11-2012), vẫn còn không ít ý kiến cho rằng như vậy, "quyền" của Cục Kiểm soát TTHC sẽ bị giảm.
Thậm chí, đại diện một tổ chức nước ngoài từng phối hợp với Cục Kiểm soát TTHC thực hiện dự án về cải cách hành chính cũng băn khoăn, nghi ngại về sự quan tâm của Chính phủ với công tác CCHC sau khi chuyển sang Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, nhìn vào thực chất vấn đề thì đây là sự chuyển giao hợp lý, tạo điều kiện thống nhất đầu mối thực hiện có hiệu quả hơn chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTHC.
Trước đó, Cục Kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng Chính phủ. Bộ phận kiểm soát TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ được đặt tại văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ; bộ phận kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đặt tại văn phòng UBND tỉnh, thành phố. Công tác hoạt động kiểm soát TTHC thời gian qua cũng đã cho thấy những kết quả tích cực. Tuy nhiên, kiểm soát TTHC là việc xem xét, theo dõi, đánh giá nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC. Đây cũng là công việc mà Bộ Tư pháp thường làm mỗi khi thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. TTHC vừa là công cụ quản lý của Nhà nước vừa là quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. TTHC ở nước ta vẫn rườm rà, chi phí TTHC còn rất lớn dẫn đến môi trường đầu tư kinh doanh chưa thông thoáng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển. Trong khi đó, Bộ Tư pháp là cơ quan thẩm định, thẩm tra các văn bản quy phạm pháp luật, bộ luật liên quan đến rất nhiều thủ tục, nên việc chuyển giao Cục Kiểm soát TTHC về Bộ Tư pháp sẽ vừa làm cho cơ quan kiểm soát TTHC mạnh hơn, làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước về các thủ tục, vừa tránh được sự chồng chéo nhiệm vụ.
Tiếp theo sự chuyển giao Cục Kiểm soát TTHC sẽ là sự chuyển giao công tác kiểm soát TTHC từ văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh sang tổ chức pháp chế và Sở Tư pháp, tức là sẽ liên quan đến nhiều cán bộ, công chức. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức cần nhìn nhận đúng thực chất của vấn đề, tuân thủ sự phân công, làm tốt nhiệm vụ, góp phần tạo môi trường thủ tục thông thoáng, công khai, minh bạch./.
Âm mưu của các thế lực thù địch phá hoại Cách mạng Bô-li-va của Vê-nê-xu-ê-la sẽ thất bại  (11/03/2013)
Lợi trước mắt, hại lâu dài  (11/03/2013)
Góp ý một số nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (11/03/2013)
Khởi công xây dựng Nhà bia di tích Ban Kiểm tra Khu ủy khu 5  (11/03/2013)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bắt đầu thăm chính thức Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan  (10/03/2013)
Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ  (10/03/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên