TCCSĐT - Hôm đầu tuần, Trung Quốc cho biết nước này đã làm đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Liên minh châu Âu (EU) trợ giá cho I-ta-li-a và Hy Lạp trong sản xuất các sản phẩm quang năng.

Theo nghị định được ký kết năm 2011 và 2012 giữa I-ta-li-a và Hy Lạp, nếu các thành phần chính để sản xuất ra các sản phẩm quang năng có nguồn gốc từ các nước EU hoặc Khu vực kinh tế châu Âu (bao gồm EU, Ai-xơ-len, Na Uy, và Séc) thì các công ty sản xuất sẽ được trợ giá 10%.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng khoản trợ cấp này vi phạm quy định của WTO tại hai điểm. Thứ nhất là vi phạm nguyên tắc “đối xử quốc gia”, theo nguyên tắc này thì WTO không được phân biệt đối xử giữa hàng xuất và nhập khẩu. Thứ hai, đây là khoản trợ cấp bị cấm theo những quy định của WTO về việc sử dụng hàng nội địa và hàng nhập khẩu.

“Những khoản trợ cấp này có tác động đáng kể đến việc xuất khẩu các sản phẩm quang điện và phương hại đến quyền lợi của Trung Quốc với tư cách là một thành viên của WTO”, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương cho hay.

Trong Liên minh châu Âu thì I-ta-li-a là nước nhập khẩu lớn thứ ba các sản phẩm quang năng của Trung Quốc.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm quang năng của Trung Quốc vào I-ta-li-a đã giảm từ 4,8 tỷ USD năm 2010 xuống 3,9 tỷ USD năm 2011, và tiếp tục giảm còn 760 triệu USD trong ba quý đầu tiên của năm nay. 

Bên cạnh đó, Hy Lạp là nước nhập khẩu lớn thứ tám các sản phẩm quang năng của Trung Quốc trong năm 2011, đạt 337 triệu USD.

Năm 2009, EU đã ban hành chỉ thị về thúc đẩy khai thác và sử dụng năng lượng từ các nguồn năng lượng có thể tái tạo; điều đó đã đặt nền móng cho các điều luật của Trung Quốc và Hy Lạp trong sản xuất sản phẩm quang năng, đồng thời EU cũng chịu trách nhiệm về các chính sách thương mại của các nước thành viên. Việc đó lý giải tại sao Trung Quốc lại kiện EU lên WTO.

Theo số liệu thống kê của ngành công nghiệp Trung Quốc, năm 2011 Trung Quốc xuất khẩu khoảng 57% (tương đương 20 tỷ USD) các sản phẩm quang năng vào thị trường EU, đồng thời chi 7,5 tỷ USD cho việc nhập các thiết bị quang năng và các nguyên liệu thô từ EU.

Tháng 9-2012, EU đã quyết định điều tra các công ty Trung Quốc về việc bán phá giá các sản phẩm quang năng tại châu Âu. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Trung Quốc ngày 01-11 tuyên bố sẽ tiến hành điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp nhập khẩu pô-li-xi-li-côn (polysilicon) từ EU, một nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin quang năng.

Về vụ kiện mới đây, các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc tỏ ra rất lạc quan. Kể từ khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc đã 10 lần đệ đơn kiện lên tổ chức này và thắng kiện sáu vụ.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành công nghiệp Trung Quốc cho rằng bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại chẳng giúp được gì cho ngành công nghiệp quang năng đang “tàn úa” của Trung Quốc.

Thay vào đó, chính sách để kết nối các thiết bị sử dụng quang năng trong nước với lưới điện quốc gia sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước tăng lên và trở thành phao cứu sinh cho ngành công nghiệp quang năng Trung Quốc hiện đang lệ thuộc quá nhiều vào nhu cầu nước ngoài.

Vậy nên, bắt đầu từ ngày 01-11, Tập đoàn lưới điện quốc gia, công ty tiện ích quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, cho phép các thiết bị phát điện dùng quang năng quy mô nhỏ kết nối với đường dây điện của tập đoàn này./.