TCCSĐT - Để đủ điều kiện nhận khoản giải ngân tiếp theo của quốc tế, Hy Lạp đã buộc phải thông qua gói tiết kiệm trị giá 13,5 tỷ ơ-rô bằng cách tăng thuế và cắt giảm quỹ hưu trí. Động thái này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình, đình công rầm rộ trên khắp cả nước. Song, nếu Hy Lạp không dùng “liều thuốc mạnh” thì chắc chắn bộ ba chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không chấp nhận giảm nợ cho Hy Lạp. Nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là không tránh khỏi.

Ngày 6-11, Quốc hội Hy Lạp đã chính thức thông qua gói tiết kiệm 13,5 tỷ ơ-rô và dự định sẽ tiếp tục bỏ phiếu thông qua dự thảo ngân sách năm 2013 vào ngày 11-11 tới đây để nước này đủ điều kiện nhận khoản giải ngân 31,5 tỷ ơ-rô trong gói cứu trợ trị giá 130 tỷ ơ-rô của quốc tế.

Kế hoạch khắc khổ mới này thậm chí sẽ còn khắc khổ hơn những lần trước, với việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67, cắt giảm lương hưu từ 5-15%, cắt giảm lương (kể cả lương tối thiểu), nhất là của lực lượng cảnh sát, binh lính, nhân viên cứu hỏa, giáo viên, các quan chức trong ngành lập pháp. Trợ cấp các kỳ nghỉ cũng bị giảm, trợ cấp thất nghiệp giảm 35%.

Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp An-tô-nít Xa-ma-rát (Antonis Samaras) nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu lần này có ý nghĩa sống còn nhằm loại bỏ dứt điểm nguy cơ Hy Lạp phải quay lại với đồng đrát-ma. Cũng theo ông A. Xa-ma-rát, nếu không nhận được cứu trợ của quốc tế, các ngân hàng trong nước sẽ không có nguồn huy động vốn và Hy Lạp chắc chắn sẽ phá sản vào ngày 15-11 tới đây.

Ông kêu gọi các đối tác khác trong liên minh cầm quyền, gồm đảng Dân chủ cánh tả và đảng Xã hội, hành động “vì lợi ích tối thượng của đất nước”.

Cách cuộc bỏ phiếu ít ngày, Chính phủ liên minh Hy Lạp đã bị chia rẽ trầm trọng vì hai trong ba đảng cầm quyền là đảng Dân chủ cánh tả và đảng Xã hội đã bác kế hoạch khắc khổ mới của Thủ tướng A. Xa-ma-rát.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Phô-tít Cu-vê-lít (Fotis Kouvelis) tuyên bố đảng này phản đối các biện pháp có thể hủy bỏ các quyền lao động như bộ ba chủ nợ yêu cầu, bởi nếu thực thi, những biện pháp này sẽ càng đẩy kinh tế Hy Lạp vào suy thoái trầm trọng hơn. Chủ tịch đảng Xã hội Ê-van-giê-lốt Vê-ni-dê-lốt (Evangelos Venizelos) nói rằng ông không ủng hộ những cải cách tàn nhẫn trên thị trường lao động.

Thủ tướng Hy Lạp A. Xa-ma-rát hiện vẫn đang cố trấn an dân chúng rằng đây sẽ là “lần cắt giảm lương và trợ cấp hưu trí cuối cùng”. Tuy nhiên, người dân Hy Lạp vốn đang phải chịu đựng những biện pháp khắc khổ liên tiếp, đã nghe quá nhiều những lời hứa như vậy trước đây và dường như họ không thể chịu đựng thêm được nữa.

Ngày 5-11, hàng nghìn nhân viên tàu điện ngầm, xe điện cũng như các phóng viên Hy Lạp đồng loạt biểu tình nhằm phản đối kế hoạch khắc khổ lần thứ năm của Chính phủ Hy Lạp.

Cuộc đình công đã khiến tàu điện ngầm và xe điện tại thủ đô A-then phải ngừng hoạt động, làm giao thông gián đoạn trong suốt buổi sáng. Cùng ngày, các phóng viên cũng tiến hành một cuộc biểu tình trong vòng 24 giờ để chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Hàng trăm phóng viên và nhân viên các hãng truyền thông đã mất việc kể từ khi Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng năm 2010.

Sáng hôm qua, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Xin-ta-gờ-ma (Syntagma) - bên ngoài tòa nhà quốc hội Hy Lạp, thậm chí còn tấn công lực lượng cảnh sát bằng bom xăng./.