TCCSĐT- Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH - CN) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Song, so với yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì quy mô, chất lượng, giá trị của công tác này ở ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và yếu kém. Thực tế cho thấy, liên kết phát triển KH - CN là vấn đề cần được quan tâm đúng mức để tạo sức bật mới cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Khẳng định tiềm lực và vai trò

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, xét về tiềm lực, vùng ĐBSCL hiện có nhiều cơ quan đơn vị trực tiếp tham gia hoặc có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ như: Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), 11 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, 27 trường cao đẳng và 35 trường trung cấp chuyên nghiệp. Với tiềm lực này, những kết quả nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực của các viện, trường ở ĐBSCL thời gian qua đã đóng góp tích cực và làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo hoạch định chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền; tạo luận cứ khoa học trong việc đề ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2010 đến nay, toàn khu vực có 570 đề tài, dự án được các sở khoa học và công nghệ của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL thực hiện. Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghiệp, nông nghiệp… trong đó nhiều nhất là các đề tài, dự án về nông, lâm, ngư nghiệp với trên 37%. Nhiều dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực như nghiên cứu phát triển 69 giống lúa mới đem lại lợi nhuận gần 2.000 tỷ đồng nhờ tăng năng suất và chất lượng, cụ thể là: các đề tài nghiên cứu khảo nghiệm chọn lọc và nhân thuần các giống lúa, tuyển chọn nhiều bộ giống có triển vọng đưa vào sản xuất đại trà cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống chịu sâu bệnh như các giống OM 4900, OM 6677, OMCS 2000, MTL 466, MTL 500, xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung theo hướng Euro Gap, Viet GAP phục vụ xuất khẩu. Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “4 đúng”, “1 phải 5 giảm”; kỹ thuật xử lý kích thích ra hoa bưởi, chôm chôm, sầu riêng, cam… trái vụ; kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp…(*)

Nhờ chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng KH - CN, thời gian qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã phát triển được một số giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển mạnh những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: gạo, cây ăn quả, sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản; đồng thời nâng cao chất lượng, năng suất và sản lượng trên một đơn vị diện tích canh tác; áp dụng các quy trình sản xuất thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng sinh học, bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng; thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong lĩnh vực lâm, ngư nghiệp, các viện, trường và các địa phương đã tổ chức nghiên cứu, chuyển giao các quy trình công nghệ sản xuất nghêu, cua biển, cá tra giống… nhằm chủ động nguồn con giống tại chỗ, đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Các mô hình nuôi kết hợp rừng – tôm; nuôi tôm càng xanh luân canh trong ao nuôi tôm sú vào mùa mưa thành công tạo thêm thu nhập cho người dân sau vụ nuôi tôm sú từ 58-180 triệu đồng/ha, đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi tôm ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Ngoài ra, các mô hình lúa - cá, lúa – tôm cũng đã được nhiều địa phương nghiên cứu, thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn.

Theo đánh giá của GS,TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa ÐBSCL: việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH - CN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp vùng ÐBSCL. Các nhà khoa học đã lai tạo được nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, thích nghi với những vùng đất có điều kiện canh tác 3 vụ/năm, có khả năng chịu phèn, thích ứng đất nhiễm mặn, đưa năng suất lúa hiện nay đạt hơn 52 tạ/ha. Với 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu ha đất canh tác ở vùng ÐBSCL cho năng suất tăng hơn các giống cũ 10%, làm lợi cho nông dân hàng trăm tỷ đồng. Từ năm 2006 đến nay, sản lượng lúa ÐBSCL luôn đạt hơn 19 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc xuất khẩu gạo hằng năm của cả nước.

Thiếu gắn kết, khó phát triển

Tuy có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng người dân ĐBSCL vẫn đã và đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như: tốc độ gia tăng dân số; năng suất, sản lượng nông sản phẩm tăng nhưng giá trị, chất lượng và giá bán không tăng tương ứng; các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Trong bối cảnh đó, việc triển khai nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp xét trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng những yêu cầu bức xúc từ  thực tiễn sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin nêu nguyên nhân đang được nhiều nhà khoa học và nhiều địa phương ở ĐBSCL quan tâm là tình trạng rời rạc, thiếu liên kết trong hoạt động KH - CN, thiếu tính bền vững, làm giảm tính hiệu quả của các đề tài khoa học, nhất là trong khâu ứng dụng.

Dẫn chứng trong lĩnh vực thủy sản, PGS,TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đầu tư cho KH - CN trong ngành Thủy sản ở ĐBSCL thời gian qua tuy có nhưng chưa nhiều và chưa xứng tầm với vai trò của ngành này. Cụ thể là số lượng và giá trị của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học còn hạn hẹp. Đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy sản còn rời rạc, chỉ tập trung nhiều vào giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn sản xuất và nặng tính ứng dụng trước mắt. Trong khi đó, các đề tài khoa học cơ bản, đề tài ứng dụng công nghệ cao (như công nghệ sinh học), đề tài trong lĩnh vực quản lý còn hạn chế… Nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với sự phát triển của ngành Thủy sản nên chưa thật sự đóng vai trò tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn ngành.

Báo cáo gần đây của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá về hoạt động KH - CN vùng ĐBSCL từ năm 2010 đến tháng 6-2012 cũng cho thấy, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN ở ĐBSCL thời gian gần đây tuy có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Việc đưa công tác ứng dụng KH-CN vào đời sống tuy có tăng hơn trước nhưng chỉ ở quy mô nhỏ; nhiều đề tài, dự án còn mang tính chuyên ngành, chưa có tính chất tổng hợp đa ngành, chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tế sản xuất và đời sống. Mặc dù các tỉnh, thành ở ĐBSCL đều quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học về nông nghiệp, nhưng các đề tài chỉ ở cấp độ thấp, quy mô nhỏ, ít có đề tài đạt quy mô khu vực. Chẳng hạn cần đề tài về phát triển cây lúa, hoặc cây ăn trái cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao... thì các tỉnh đều tham gia nghiên cứu với trình tự, cách thức, tiêu chí, điều kiện giống nhau. Hiện tượng này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, gây lãng phí tiền của, thời gian, nhân lực.

Ở mỗi tỉnh, thành, việc phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ với các sở, ngành khác trong đề xuất, thực hiện các danh mục, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án.

Tình trạng thiếu liên kết trong hoạt động KH - CN còn thể hiện ở mức độ liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu KH - CN, giáo dục – đào tạo và sản xuất, kinh doanh ở quy mô toàn vùng còn rất thấp, chưa hiệu quả; sự hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu – phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao.

Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong hoạt động KH - CN đã dẫn đến một thực tế kéo dài nhiều năm qua ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL là nhiều đề tài, dự án đã đạt hiệu quả và tính ứng dụng cao qua nghiên cứu, thử nghiệm nhưng chỉ dừng lại ở mức độ trình diễn vì không thể nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Chưa kể đến rất nhiều đề tài, dự án bị quên lãng, tạo ra tình trạng lãng phí nguồn lực KH - CN không nhỏ.

Tình trạng rời rạc, thiếu liên kết trong hoạt động KH - CN ở ĐBSCL được xác định là do hệ thống các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng về KH – CN còn thiếu, chưa đồng bộ. Vì thế, các viện, trường và các địa phương rất khó trong việc tổ chức lực lượng tham gia hoặc phối hợp tham gia các chương trình KH – CN cấp nhà nước, cũng như việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, ở phạm vi toàn vùng sự phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương với các sở, ban, ngành các tỉnh và giữa sở, ban, ngành các tỉnh với nhau trong đề xuất danh mục đề tài, dự án hợp tác nghiên cứu KH – CN còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với định hướng, yêu cầu, mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh cũng như toàn vùng trong những giai đoạn nhất định.

Tiềm lực KH - CN của các địa phương còn yếu, mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học thấp, thiếu đội ngũ cán bộ KH - CN và chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực quan trọng. Đáng chú ý, nhiều cơ chế, chính sách chưa phát huy tác dụng và tạo điều kiện gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu KH - CN với sản xuất, kinh doanh và khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu KH - CN vào đời sống.

Liên kết tạo sức bật mới cho khoa học và công nghệ

Tại Hội thảo “Khoa học và công nghệ với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL” tổ chức tại Hậu Giang vào tháng 8 vừa qua, đa số các nhà khoa học đã thống nhất việc liên kết nghiên cứu, phát triển KH - CN toàn vùng ĐBSCL cần phải được xem xét một cách nghiêm túc để đạt được các yếu tố: nhà khoa học tập trung nghiên cứu; Nhà nước đầu tư kinh phí và là cầu nối với các doanh nghiệp để nhân rộng, nâng tầm các đề tài khoa học và nhà nông tích cực, chủ động tham gia ứng dụng KH - CN trên ruộng vườn. Trong đó, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, vừa định hướng, vừa điều tiết các chương trình nghiên cứu khoa học thì mới tạo ra sự thống nhất và hiệu quả cao.

Đó cũng chính là những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra để nâng cao vai trò, hiệu quả của hoạt động KH - CN ở ĐBSCL thời gian tới, tăng cường tính liên kết, hợp tác ở nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy, cần chú trọng thực hiện một số vấn đề sau: 

- Đối với các nghiên cứu ứng dụng và phát triển KH - CN, cần thực hiện cơ chế liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức KH - CN và doanh nghiệp hoặc cơ sở ứng dụng công nghệ từ khâu xác định nhiệm vụ KH - CN, triển khai thực hiện, đánh giá và đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn. Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chú trọng đầu tư các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan nghiên cứu KH - CN phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở cấp vùng và các địa phương. Các sở KH - CN cần phối hợp các ngành, nhất là nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, tài nguyên và môi trường để xây dựng kế hoạch phối hợp trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển các ngành.

- Có cơ chế đặc thù trong hợp tác triển khai các chương trình KH - CN phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL theo hướng gắn kết các tỉnh, thành trong vùng để hướng đến giải quyết các vấn đề có tính chất vùng hoặc tiểu vùng, góp phần bảo đảm các định hướng và mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

- Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức KH - CN công lập ở các tỉnh, thành với các tổ chức KH - CN của Trung ương và của vùng ĐBSCL nhằm học tập kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tranh thủ sự hỗ trợ tài chính, nâng cấp trang thiết bị phục vụ hoạt động… Trong hợp tác, cần có định hướng phát triển KH - CN trên cơ sở thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thành và cả vùng, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, không gắn kết với thị trường, gây lãng phí, kém hiệu quả.

- Mở rộng hợp tác cấp tỉnh, thành, cấp vùng thông qua việc tổ chức thực hiện các chương trình KH - CN liên tỉnh, chương trình KH - CN vùng ĐBSCL; bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống, tính phân vùng lãnh thổ trong hoạt động KH - CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Cụ thể như: chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu...); chuyển giao công nghệ và quản lý công nghệ... Làm tốt những việc này thì KH - CN vùng ÐBSCL sẽ phát huy tích cực vai trò là động lực trực tiếp phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội của toàn vùng nói chung.

- Xây dựng và triển khai các đề án, đề tài, dự án khoa học theo một hệ thống đồng bộ để tạo cơ sở thuận lợi cho việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Trong đó, cần chú trọng các đề tài KH - CN có liên quan đến thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hỗ trợ và phát triển sản xuất nông, thủy sản toàn diện theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn GAP. Ðối với các đề tài, dự án KH - CN cấp bộ triển khai ở các địa phương trong vùng cần phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học; đồng thời trên cơ sở đó có thể xây dựng các đề tài, dự án cấp tỉnh mang tính chất kết nối để phối hợp nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ sát với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH - CN nhằm bảo đảm nguồn lực của từng tỉnh, thành để thực hiện các nhiệm vụ KH - CN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều đề tài, dự án KH - CN nhỏ lẻ ở các tỉnh, thành do không có sự liên kết nên sau khi nghiên cứu, chuyển giao có sự trùng lắp, gây lãng phí công sức, kinh phí và khó mở rộng phạm vi nghiên cứu, ứng dụng.

- Cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển tiềm lực KH - CN, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương phải trở thành cầu nối để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà nông, nhà doanh nghiệp liên kết thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm cho ra sản phẩm có hàm lượng khoa học cao.

- Bộ Khoa hoc và Công nghệ cần chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng cơ chế hợp tác trong hoạt động KH - CN giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL; giữa Trung ương với các địa phương; triển khai xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án về thông tin KH - CN quy mô toàn vùng ĐBSCL. Song song đó, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển mạnh các dịch vụ về KH - CN như tư vấn đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, lập và chuyển giao cơ sở dữ liệu về thông tin KH - CN…

- Các địa phương cần xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế về KH - CN nhằm phát triển và nâng cao năng lực KH - CN nội sinh; tăng cường các mối quan hệ, giao lưu hội nhập về KH - CN giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL với các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế, tạo điều kiện học tập, ứng dụng, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất. Đưa hợp tác quốc tế về KH - CN trở thành một nội dung quan trọng, lồng ghép và thống nhất với các yêu cầu và nội dung hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ KH - CN tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, thường xuyên tiến hành trao đổi và nghiên cứu khoa học đề nâng cao trình độ.

- Việc triển khai mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL thời gian qua đã chứng minh đây là nơi thuận lợi để ứng dụng KH - CN trong sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ. Mô hình này là tiền đề để liên kết, hợp tác 4 nhà trong xây dựng vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa và một số loại nông sản trên cơ sở có sự quy hoạch, thiết kế lại đồng ruộng với quy mô, diện tích canh tác lớn… tạo ra những vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng bộ, đem lại lợi nhuận ngày càng cao cho nông dân./.

____________________

(*) - “3 giảm 3 tăng” được hiểu sát nghĩa là: giảm giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật để nhắm tới hiệu quả sau cùng là tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

 - “Bốn đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách.

 - “1 phải 5 giảm”: Phải sử dụng giống tốt, giống xác nhận; Giảm giống: Áp dụng mật độ sạ hợp lý 80-100 kg lúa giống/ ha và áp dụng công cụ gieo sạ theo hàng; Giảm lượng phân đạm: Ứng dụng biện pháp bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa; Giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật: Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM; Giảm lượng nước tưới và số lần bơm tưới.